7 năm lãi suất thấp kỷ lục của nước Mỹ

16/12/2015 20:09 PM |

Theo dự báo, vào đêm nay (16/12) theo giờ Việt Nam, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất cơ bản đồng USD...

Theo dự báo, vào đêm nay (16/12) theo giờ Việt Nam, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất cơ bản đồng USD, đúng 7 năm sau khi hạ lãi suất này về khoảng 0-0,25% để đối phó với cuộc suy thoái kinh tế sâu nhất kể từ thời hậu chiến tranh thế giới thứ hai.

Với sự khép lại của kỷ nguyên chính sách tiền tệ nới lỏng chưa từng có tiền lệ này, hãng tin Bloomberg nhìn lại một số dấu mốc chính trong suốt 7 năm lãi suất đồng USD thấp kỷ lục, để thấy được những trở ngại mà các nhà hoạch định chính sách Mỹ phải vượt qua nhằm đưa thị trường việc làm nước này hồi phục và tạo cơ sở cho việc tăng lãi suất trở lại.

Ngày 16/12/2008, FED lãi suất hạ về 0%

FED hạ lãi suất về khoảng 0-0,25% vào tháng 12/2008 khi tình hình nền kinh tế Mỹ xấu đi một cách nghiêm trọng và vụ phá sản của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers gây chấn động thị trường tài chính toàn cầu.

Trong tuyên bố sau cuộc họp ngày 16/12/2008, FED tuyên bố “sẽ triển khai tất cả mọi công cụ sẵn có để thúc đẩy quá trình nối lại tăng trưởng kinh tế bền vững và đảm bảo sự ổn định giá cả”.

Tháng 10/2009, tỷ lệ thất nghiệp Mỹ đạt đỉnh

Đến năm 2009, FED phải đối mặt với một dạng khủng hoảng khác: nạn thất nghiệp. Năm đó, trung bình mỗi tháng nước Mỹ mất 424.000 công việc. Đến tháng 10/2009, tỷ lệ thất nghiệp chạm mức 10%, cao nhất kể từ năm 1983. Tỷ lệ người Mỹ thiếu việc làm, một thước đo rộng hơn, thậm chí lên tới 17,1%.

Năm 2010, chính sách tiền tệ nới lỏng trên toàn cầu

Đến năm 2010, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã len lỏi khắp mọi ngõ ngách của thế giới và các ngân hàng trung ương ra sức hành động để giảm bớt ảnh hưởng này.

Vào tháng 3/2009, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) hạ lãi suất đồng Bảng còn 0,5% và duy trì cho đến thời điểm hiện tại. Vào cuối năm 2007, lãi suất của BoE là 5,75%.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất dành cho các công cụ tiền gửi thường xuyên (deposit facility rate) xuống còn 0,25% (vào năm 2011, ECB có tăng lãi suất, nhưng lại giảm trở lại vào năm 2012).

Năm 2008, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) có động thái hạ lãi suất lần đầu tiên trong 7 năm, bên canh các biện pháp nới lỏng khác. Đến năm 2013, Nhật Bản tiếp tục có thêm những kế hoạch khổng lồ bơm tiền vào thị trường nhằm đạt mục tiêu lạm phát 2%.

Chính sách nới lỏng tiền tệ toàn cầu hỗ trợ cho kinh tế Mỹ thông qua thúc đẩy sự phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, lãi suất thấp hơn tại các nước khác cũng khuyến khích các dòng vốn chảy vào các tài sản bằng đồng USD có mức lợi suất cao hơn, đẩy tỷ giá USD tăng và gây bất lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Mỹ.

Tháng 7/2011, cuộc tranh luận về trần nợ công của Mỹ

Trong kỷ nguyên lãi suất siêu thấp của FED, chính sách tài khóa của Mỹ đã không ít lần “ngáng đường” tăng trưởng kinh tế. Vào tháng 7/2011, các nghị sỹ Mỹ đã đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới mấp mé bờ vực vỡ nợ cấp quốc gia do không thể nhất trí được việc nâng trần nợ công.

Rốt cục, trần nợ của Mỹ cũng được nâng lên, nhưng thị trường đã phải trải qua một cú sốc lớn về niềm tin, khiến hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s cắt giảm điểm tín nhiệm của Mỹ. Động thái này một lần nữa khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo và có thể ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế Mỹ. Việc Chính phủ Mỹ cắt giảm chi tiêu sau đó đã khiến kinh tế Mỹ gặp thêm nhiều trở ngại.

Mùa hè 2013, FED bắt đầu thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng (QE)

Tháng 5/2013, Chủ tịch FED khi đó là Ben Bernanke điều trần trước Quốc hội Mỹ nói rằng FED có thể bắt đầu giảm tốc độ chương trình bơm tiền vào thị trường thông qua việc mua trái phiếu, thường được gọi là chương trình nới lỏng định lượng (QE). Cơ sở để ông Bernanke đưa ra chủ trương thu hẹp QE là nền kinh tế Mỹ liên tục phát đi những tín hiệu khả quan.

Thị trường đã phản ứng mạnh trước khả năng FED giảm kích thích tăng trưởng. Trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm bị giới đầu tư bán tháo để đi tìm những tài sản an toàn hơn.

Mùa hè 2014, đồng USD tăng giá

Từ giữa năm 2014 đến nay, đồng USD đã tăng giá khoảng 21%, trở thành một vấn đề trọng tâm đối với các quan chức FED khi việc nâng lãi suất ngày càng gần. Tăng trưởng kinh tế yếu và chính sách tiền tệ nới lỏng ở nước ngoài đã dẫn tới các dòng vốn chảy mạnh vào các tài sản USD, và khi lãi suất USD tăng lên, áp lực tăng giá đối với đồng bạc xanh càng thêm lớn.

Cho dù FED vẫn cứ tăng lãi suất, thì việc đồng USD mạnh có thể buộc FED phải tiến hành thắt chặt chính sách với tốc độ chậm rãi. Trong một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 3/12, Chủ tịch FED Janeet Yellen nói rằng tỷ giá đồng USd là một nhân tố “khiến chính sách tiền tệ của Mỹ nhiều khả năng sẽ diễn biến với tốc độ từ tốn”.

Tháng 8/2015, đồng Nhân dân tệ phá giá

Trong 7 năm qua, FED đã phải đương đầu với một loạt diễn biến bất lợi từ bên ngoài, bao gồm việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) bất ngờ phá giá đồng Nhân dân tệ vào tháng 8 vừa qua. Bắc Kinh phá giá đồng nội tệ trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh, chứng khoán Trung Quốc ồ ạt lao dốc, và giới đầu tư toàn cầu lo ngại cao độ.

Vụ phá giá Nhân dân tệ và ảnh hưởng của nó được nhiều chuyên gia cho là nguyên nhân khiến FED quyết định hoãn tăng lãi suất USD trong cuộc họp diễn ra vào tháng 9.

Tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm chạp

Một lý do khác khiến FED giữ lãi suất siêu thấp trong suốt 7 năm là tăng trưởng kinh tế Mỹ trong khoảng thời gian đó chưa thực sự tốt.

Kinh tế Mỹ đã suy giảm mạnh, và sự phục hồi sau đó chưa tương xứng. Ngoài ra, các điều kiện tín dụng ở nước này vẫn ở trong tình trạng thắt chặt, cản trở sự truyền dẫn của chính sách tiền tệ nới lỏng tới nền kinh tế thực.

Dù khả quan hơn tình trạng suy thoái vài lần xảy ra với châu Âu và Nhật Bản trong 7 năm qua, sự phục hồi chậm chạp của kinh tế Mỹ đồng nghĩa nước này mất nhiều thời gian hơn để lấy lại được những gì đã mất trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Theo An Huy

Cùng chuyên mục
XEM