6 đại gia điện lực lớn nhất nước Anh bị cáo buộc làm giàu bất chính

06/01/2014 10:54 AM |

6 đại gia cung ứng điện lớn nhất Anh Quốc đã bị cáo buộc “cố tình thổi phồng” mức giá trả cho các nhà máy điện để làm giàu bất chính, đẩy giá bán lẻ cho người dân và doanh nghiệp lên cao.

Nội dung nổi bật:

- Đảng Lao Động Anh cáo buộc 6 đại gia ngành điện của nước này cố tình thổi phồng mức giá, để kiếm lợi. Theo tính toán của Đảng này, hàng năm mỗi gia đình ở Anh mất thêm 82,1 USD vì hành vi này. 

- Phân tích dựa trên so sánh giá điện bán lẻ và giá điện trung bình một năm trước do các doanh nghiệp nhỏ cung cấp. Trong giá ở Anh tăng kỷ lục, thì giá điện ở Đức giảm những hơn 32%.

- Vấn đề đặt ra cho Việt Nam: EVN báo doanh thu tăng so với năm ngoái mà giá điện cũng tăng để đảm bảo lãi cho doanh nghiệp nhà nước. Nhưng rõ ràng khách hàng không có nghĩa vụ bảo đảm tạo ra lợi nhuận cho công ty hay ngành điện!



Caroline Flint - nghị sĩ Đảng Lao động - cáo buộc 6 đại gia này (hay còn được gọi là Big Six), gồm British Gas, SSE, E.ON, EDF, npower, và Scottish Power, đã trả hơn 4 tỷ bảng Anh (6,5 tỷ USD) so với giá trị thực tế của thị trường, hòng gia tăng lợi nhuận cho các đơn vị con, hoặc “bòn rút” túi tiền của người tiêu dùng - thường đứng ở thế yếu hơn do thông tin không hoàn hảo. 

Theo đó, hàng năm, mỗi hộ gia đình mất oan thêm 50 bảng Anh (82,1 USD) vì hành vi làm loạn giá này. “Đã đến lúc nước Anh cần một cuộc đại cải tổ ngành năng lượng. Chúng tôi sẽ không để các công ty lớn thao túng thị trường, chấm dứt các hoạt động giao dịch bí mật và buộc họ phải minh bạch tất cả các giao dịch trên thị trường mở”, bà nói.
 
Phân tích của Đảng Lao động dựa trên so sánh về giá điện bán lẻ và giá điện trung bình một năm trước do các doanh nghiệp điện nhỏ hơn như First Utility cung cấp.

Tuy nhiên, Hiệp hội Năng lượng Anh đã phản bác so sánh này, bởi họ biện luận rằng chúng không tính đến các chi phí phát sinh và chi phí bổ sung do các công ty giao dịch ở những thời điểm khác nhau, từ những nhà cung cấp khác nhau, nhu cầu thị trường, dự báo và một loạt yếu tố khác.
 
Tuy nhiên, Đảng Lao động đã phản bác lập luận này. Họ cho rằng các chi phí phụ trội – có thể phát sinh theo từng thời điểm giao dịch – không đủ để giải thích sự khác biệt quá lớn về mức giá bán lẻ điện hiện nay. “Công chúng đã chán ngấy phải nghe những lời biện bạch cũ rích rồi”, bà Flint nói.
 
Trong khi giá điện bán lẻ ở Anh tăng cao đến mức kỷ lục thì Đức - thị trường điện lực lớn nhất châu Âu, giá điện trung bình lại đang đi xuống. 

Theo Bloomberg, kể từ năm 2010 đến nay, giá bán điện ở nền kinh tế lớn nhất EU này đã giảm 32%, và xu hướng này sẽ còn tiếp tục khi các chuyên gia ước tính giá bán điện năm 2014 sẽ còn thấp hơn khoảng 6% so với năm 2013.

Còn ở Bulgari, trước sức ép từ phía dư luận, ngày 30/12/2013, Ủy ban điều tiết Năng lượng và Nguồn nước đã ra quyết định có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 về việc giảm giá điện thông qua giảm thuế cho các doanh nghiệp.
 
Còn ở Việt Nam, câu chuyện giá điện cũng hết sức rộn ràng những ngày đầu năm. Nhưng không phải tin vui như ở Bulgari hay lời cam kết của Chính phủ về việc minh hóa thị trường điện như ở Anh, mà là doanh thu bán điện EVN năm 2013 tăng 19,85% so với năm 2012, song lại quyết tâm tăng giá điện thêm ít nhất 34 đồng/kWh để đảm bảo mục tiêu có lãi, cũng như trả nợ gốc và lãi vay gần 33.000 tỷ đồng trong năm 2014, chưa tính đến thua lỗ từ một loạt các khoản đầu tư ngoài ngành chẳng liên qua gì đến sản phẩm điện năng của doanh nghiệp cả.
 
Nhà kinh tế Peter Drucker đã từng chỉ ra rằng: Khách hàng không có nghĩa vụ bảo đảm tạo ra lợi nhuận cho công ty. Công ty phải nghĩ cách làm thế nào để không những tăng doanh thu mà còn có được khách hàng tiếp tục mua hàng.

Đây mới chính là khoản lợi nhuận lớn nhất của doanh nghiệp. Nhưng điều đó chỉ có được ở một thị trường thực sự cạnh tranh, trong khi thị trường năng lượng Việt Nam vẫn còn đang ở dạng độc quyền. Minh chứng rõ ràng nhất chính là đề án Thị trường bán buôn điện và bán lẻ điện cạnh tranh hiện vẫn còn đang nằm ở dạng… đề xuất.

Theo Lục Kiếm

thuydtt

Cùng chuyên mục
XEM