1% người giàu nhất nắm giữ một nửa tài sản thế giới

19/01/2015 22:39 PM |

Bất bình đẳng được cho là đe doạ đến tiến trình chống nghèo đói trên thế giới, làm ảnh hưởng đến đoàn kết dân tộc và chế độ dân chủ.

Bất bình đẳng là một vấn đề nổi cộm được cả thế giới quan tâm. Năm 2014 đánh dấu sự bùng nổ về hiện tượng bất bình đẳng qua những sự kiện như Chiếm lấy phố Wall tại Mỹ và lan rộng ra các nước châu Á.

Bất bình đẳng được cho là đe doạ đến tiến trình chống nghèo đói trên thế giới, làm ảnh hưởng đến đoàn kết dân tộc và chế độ dân chủ, nên nhiều biện pháp đã được cân nhắc và thực hiện với mục đích giảm thiểu hiện tượng này. Tuy nhiên, trước thềm hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2015 tại Davos, Tổ chức Oxfam đã công bố một báo cáo mới về hiện tượng bất bình đẳng và cho thấy sự gia tăng không ngờ của nó. Thực trạng bất bình đẳng được khái quát qua 4 vấn đề như sau:

1. Phần lớn tài sản trên toàn thế giới tập trung vào một nhóm nhỏ

Theo báo cáo của Credit Suisse được trích dẫn trong báo cáo mới nhất của Oxfam, năm 2010 đánh dấu hiện tượng một phần lớn tài sản toàn cầu tăng lên mạnh mẽ tập trung trong 1% người giàu nhất.

Báo cáo mới nhất của Oxfam cũng chỉ ra rằng, trong năm 2014, 1% những người giàu nhất trong dân số toàn cầu sở hữu 48% tổng giá trị tài sản. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng không chỉ dừng lại ở 1% và 99%, mà nó còn xảy ra trong nhóm 99%. 20% người giàu nhất trong nhóm 99% được cho là sở hữu 46,5% tổng giá trị tài sản và kết quả là 80% người trong số 99% còn lại chia sẻ chỉ 5,5% giá trị tổng tài sản trên toàn cầu.

Nếu xu hướng này tiếp tục, Oxfam dự báo cho đến năm 2016 sở hữu tài sản toàn cầu của 1% những người giàu nhất sẽ vượt qua 50% giá trị tài sản toàn cầu.

 

2. Chỉ số ít lĩnh vực kinh tế quan trọng mang lại giá trị tài sản vượt bậc gây nên hiện tượng bất bình đẳng

Chỉ có một số ngành kinh tế quan trọng góp phần tích lũy của cải của các tỷ phú trên toàn thế giới. Theo thống kê vào tháng 3 năm 2014, 20% trong số các tỷ phú đã thu nhận giá trị tài sản vượt bậc đã tham gia hoạt động, hoặc liên quan đến các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm. Kể từ tháng Ba năm 2013, đã có 37 tỷ phú mới từ các lĩnh vực này. Sự giàu có về của cải tích lũy của các tỷ phú từ các lĩnh vực tài chính và bảo hiểm tăng từ 1 nghìn tỷ USD đến 1,16 nghìn tỷ USD trong một năm, mức tăng danh nghĩa là 150 tỷ USD, tương đương 15%.

Bên cạnh đó, thời gian từ giữa năm 2013 đến 2014 các hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm và y tế mang lại sự gia tăng lớn nhất về của cải của nhóm giàu nhất. Sự giàu có của nhóm tỷ phú trong lĩnh vực này tăng từ 170 tỷ USD đến 250 tỷ USD, tăng 47% và đây là tỷ lệ gia tăng lớn nhất về giá trị tài sản trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau trên danh sách của Forbes.

3. Các hành vi trục lợi như vận động hành lang hay bóp méo chính sách là nguyên nhân làm trầm trọng hơn sự bất bình đẳng

Các công ty trong ngành tài chính và dược phẩm đã chi hàng triệu USD trong năm 2013 để vận động hành lang cho các chính sách mang lại lợi ích cho họ.

Các công ty trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm và dược phẩm/y tế được cho là có nhiều hoạt động sử dụng các nguồn lực cho ảnh hưởng về kinh tế và chính trị biểu hiện qua việc vận động hành lang chính phủ, về các vấn đề chính sách có lợi cho họ.

Trong khi các tập đoàn từ các lĩnh vực tài chính và bảo hiểm dành nguồn lực vận động hành lang để theo đuổi lợi ích riêng của họ, và kết quả lợi nhuận của họ gia tăng cùng với sự giàu lên của các cá nhân tham gia vào lĩnh vực này, thì những người bình thường phải tiếp tục trả giá của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Các công ty từ các lĩnh vực dược phẩm và y tế đã chi hơn 500 triệu USD vào việc vận động các nhà hoạch định chính sách ở Washington và Brussels.

Trong cuộc khủng hoảng Ebola, ba công ty dược phẩm lớn là thành viên của Liên đoàn quốc tế các nhà sản xuất dược phẩm (IFPMA) đã thực hiện việc đóng góp lớn nhất cho nỗ lực cứu trợ Ebola, họ quyên góp được hơn 3 triệu USD bằng tiền mặt và thiết bị y tế. Trong khi đó, cũng chính ba công ty này được cho là đã chi trả hơn 18 triệu USD cho hoạt động vận động hành lang tại Mỹ trong năm 2013.

Như vậy, việc đầu tư chi phí tài chính khổng lồ vào các hoạt động vận động hành lang chỉ mang lại lợi ích cho nhóm 1% người giàu nhất trong khi những người còn lại phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt chi phí cho các hoạt động cơ bản trong cuộc sống như giáo dục và y tế.

Các hoạt động kinh tế vận động hành lang nhiều nhất ở Mỹ thường tập trung vào chính sách phân bổ ngân sách và thuế. Các quyết định đầu tư được tính toán bằng cách chi hàng tỉ USD cho việc vận động hành lang thông qua tiếp cận trực tiếp với các nhà hoạch định chính sách và pháp luật ở Washington và Brussels. Các doanh nghiệp thực hiện hành vi này với hi vọng lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh thuận lợi sẽ bù đắp chi phí vận động hành lang. Các chiến dịch vận động hành lang mang lại lợi ích cho doanh nghiệp nhưng gây nên nhiều hậu quả xấu cho xã hội. Đặc biệt vận động về các vấn đề thuế có thể trực tiếp làm suy yếu lợi ích công cộng.

4. Khuyến nghị về mặt chính sách làm giảm bất bình đẳng

Những năm tiếp theo theo dự đoán của tổ chức Oxfam vấn đề bất bình đẳng về thu nhập sẽ khó có thể thuyên giảm, bên cạnh đó chúng còn mang xu hướng gia tăng không ngừng đe doạ đến hoạt động chống lại đói nghèo, đoàn kết dân tộc và chế độ dân chủ trên toàn thế thới. Do đó, Oxfam cũng đã đưa ra 9 khuyến nghị đến các quốc gia trên thế giới nhằm làm giảm bất bình đẳng.

Thứ nhất, các chính phủ phải đưa ra các chính sách có lợi cho công dân của mình và làm giảm bất bình đẳng.

Thứ hai, tăng cường bình đẳng kinh tế và các quyền cho phụ nữ.

Thứ ba, đảm bảo một mức lương đủ tiêu chuẩn sống cho người lao động và thu hẹp khoảng cách về lương.

Thứ tư, chia sẻ gánh nặng thuế một cách công bằng.

Thứ năm, ngăn chặn hành vi trốn thuế quốc tế và tăng cường quản lí hệ thống thuế tốt hơn.

Thứ sáu, đến năm 2020 đạt được mục tiêu về các dịch vụ công cơ bản miễn phí.

Thứ bảy, thay đổi hệ thống nghiên cứu và phát triển từ đó bình ổn giá các loại thuốc để mọi người có nhu cầu đều có thể tiếp cận.

Thứ tám, thực hiện cách chính sachs bảo trợ xã hội cho người già, trẻ em và những người khó khăn trong xã hội.

Thứ chín, xây dựng hệ thống tài chính phát triển để làm giảm bất bình đẳng, xoá đói nghèo và nâng cao sự gắn kết giữa công dân và chính phủ.

Bất bình đẳng là một vấn đề nghiêm trọng đòi hỏi một sự phối hợp giữa các quốc gia trên thế giới và sự phối hợp chặc chẽ giữa chính phủ và công dân trong mỗi quốc gia, cải thiện tình trạng bất bình đẳng hiện nay sẽ góp phần xây dựng nguồn lực để giảm thiểu đói nghèo, tăng tinh thần đoàn kết dân tộc và củng cố nền dân chủ trên thế giới.

Bài cùng tác giả:

>> Biến đổi khí hậu làm giảm 50% diện tích trồng cà phê toàn cầu

>> Biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đối với ngành cà phê Việt Nam

Phương Huỳnh

Phương Huỳnh

Cùng chuyên mục
XEM