Thị trường Việt Nam trở thành "công thần" của tập đoàn SCG trong quý I/2019

06/05/2019 14:46 PM | Kinh doanh

Trong khi hoạt động kinh doanh của SCG ở gặp khó ở nhiều thị trường, thì tại Việt Nam, SCG vẫn tăng trưởng đều, doanh thu bán hàng của họ ở quý I/2019 tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Những diễn biến chính trị phức tạp trên khắp thế giới đang tác động xấu đến nền kinh tế toàn cầu cũng như các tập đoàn đa quốc gia, nhất là những ông lớn ở mảng xây dựng – hóa dầu. Kết quả kinh doanh trong quý I/2019 của Siam Cement Group (SCG) đã chứng minh đều đó.

Theo SCG, mặc dù ngành bao bì và xi măng – vật liệu xây dựng vẫn giữ được phong độ trong việc tăng trưởng, song ngành kinh doanh cốt lõi của họ - hóa dầu (chiếm 46% doanh thu và 65% lợi nhuận trong năm 2018) lại không được như thế, khiến doanh thu bán hàng của họ chỉ đạt 3,554 tỷ USD, giảm 4% so với quý trước và 5% so với cùng kỳ năm trước, kéo theo đó lợi nhuận cũng chỉ đạt 369 triệu USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, kết quả này không nằm ngoài dự đoán của Ban lãnh đạo của SCG. Do nhận định rằng, sự suy thoái kinh tế toàn cầu cộng với diễn biến phức tạp của giá dầu và nhu cầu về hóa chất giảm, khiến họ chỉ dám đặt mục tiêu doanh thu 2019 tăng từ 5% đến 10% so với năm 2018. Năm 2018, doanh thu của SCG khoảng 15 tỷ USD.

Cuối tháng 4/2019 vừa qua, Chủ tịch SCG Roongrote Rangsiyopash chia sẻ rằng, giá bán của ngành hóa chất toàn cầu sẽ giảm từ 10% đến 20% trong thời gian tới: "Bây giờ, mức giá hóa chất trung bình chỉ vào khoảng 573 USD/tấn, so với giá tầm 639 USD/tấn tại quý IV/2018". Bên cạnh đó, SCG cũng kỳ vọng dự án Hành lang kinh tế phương Đông sẽ giúp mảng xi măng – vật liệu xây dựng của họ tăng trưởng đáng kể, bù lại cho mảng hóa dầu. 

Tuy nhiên, không phải tất cả thị trường mà SCG đang hoạt động đều mang về kết quả không như ý, ví dụ như Việt Nam. Doanh thu bán hàng trong quý I/2019 của tập đoàn đến từ Thái Lan tại Việt Nam đạt 293 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu này đến từ việc bán hàng của các doanh nghiệp nội địa, hàng nhập khẩu Thái Lan và ngành hóa chất. Ngoài ra, tài sản của họ cũng tăng 37%, lên 2,158 tỷ USD, chủ yếu do tiến độ của dự án tổ hợp hoá dầu miền Nam – Long Sơn.

Thị trường Việt Nam trở thành công thần của tập đoàn SCG trong quý I/2019 - Ảnh 1.

Dự án hóa dầu miền Nam - Long Sơn là một trong những dự án đầu tư tiêu biểu của SCG ở Việt Nam. Ảnh: VIR

"Trong năm 2019, SCG vừa ra mắt thị trường miền Trung Việt Nam thương hiệu xi măng chất lượng quốc tế ‘SCG Super Xi Măng’ với công nghệ SCG Nano. Công nghệ SCG Nano là công nghệ độc quyền của SCG giúp tạo nên độ cứng và độ bền vượt trội cho các công trình dân dụng và công nghiệp.

Bên cạnh đó, dự án Tổ hợp Hoá dầu Miền Nam – tổ hợp hoá dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam đang được xây dựng đúng tiến độ", Giám đốc điều hành SCG Việt Nam Dhep Vongvanich, cho biết.

SCG bắt đầu hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ năm 1992 và đang từng bước mở rộng đầu tư vào các doanh nghiệp trong ngành xi măng - vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì. Tại Việt Nam, hiện SCG có 23 công ty đang hoạt động kinh doanh với hơn 8.000 nhân viên, mang đến nhiều dòng sản phẩm và dịch vụ cao cấp cho thị trường.

Có thể nói, SCG là một hạt nhân quan trọng trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam – Thái Lan. Tháng 3 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc gặp gỡ với ông Dhep Vongvanich. Nhân đó, Phó thủ tướng đã kêu gọi SCG đẩy nhanh tổ hợp hóa dầu miền Nam - Long Sơn và đảm bảo rằng nó được thực hiện một cách hiệu quả, phù hợp với các quy định của Việt Nam về an toàn lao động và bảo vệ môi trường. 

Dù hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam đang tốt, nhưng chắc chắn điều đó không đủ để kéo cả tập đoàn đi lên, thế nên SCG đang tìm rất nhiều phương cách khác nhau nhằm có thể lèo lái 57 ngàn nhân viên đi qua thời gian khó. 

SCG vừa đổi tên công ty SCG Trading thành SCG International, tăng cường thương mại quốc tế với các công nghệ hiện đại nhằm tạo ra các giải pháp tổng thể, đồng thời nâng cấp dịch vụ hậu cần nhằm tấn công thị trường logistics béo bở ở châu Á. Tại Thái Lan, họ cũng ký hợp đồng với Chính phủ để nghiên cứu và phát triển nhà máy điện mặt trời trên mặt nước tại Ryong – cách thủ đô Bangkok 170km.

Trong năm 2019, SCG sẽ tăng 23% mức vốn đầu tư so vào các dự án so với năm 2018 – khoảng 1,9 tỷ USD. Cụ thể, ½ trong số này sẽ đầu tư cho tổ hợp hóa dầu miền Nam - Long Sơn (tổng đầu tư khoảng 4,5 tỷ USD), mở rộng dự án Map Ta Phut Olefins tại Thái Lan - nâng tổng công suất từ 1,7 triệu tấn hoá chất/năm lên 2,05 triệu tấn/năm. Mặt khác, SCG cũng đang tiềm kiếm các công ty bao bì và xi măng – vật liệu xây dựng tiềm năng trong Thái Lan lẫn quốc ngoại để tiến hành M&A. 

SCG cũng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Lần đầu tiên trên thế giới, SCG đã đưa vào ứng dụng nền tảng kỹ thuật số Blockchain Corda R3 để đồng bộ hệ thống Procure-to-Pay (từ mua hàng tới thanh toán) với các nhà cung cấp. 

Động thái này là một bước tiến dài của doanh nghiệp này, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất hoá dầu và bao bì, nền tảng cho phép tiết kiệm tới 70% chi phí của toàn bộ quá trình thu mua và thanh toán. 

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM