Thị trường sữa “em bé” Việt Nam hấp dẫn đại gia Nhật?

14/01/2019 15:14 PM | Kinh doanh

Mỗi năm có gần 1,6 triệu trẻ em Việt Nam sinh ra được xem là thị trường kinh doanh màu mỡ cho các sản phẩm mẹ và bé, trong đó có các sản phẩm về sữa cho trẻ em.

Đại gia Nhận đánh giá cao tiềm năng của ngành sữa trẻ em Việt Nam

Ông Shoyama Katsuo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Asahi Group Food (thuộc Tập đoàn Asahi, sở hữu thương hiệu Wakodo nổi tiếng) cho hay: "Tôi đánh giá thị trường kinh doanh sản phẩm mẹ và bé tại Việt Nam rất tiềm năng khi mỗi năm có đến 1,6 triệu trẻ em được sinh ra, trong khi con số này tại Nhật Bản chỉ 920.000 trẻ. Riêng mảng sản phẩm liên quan đến bé như: sữa bột, thực phẩm ăn liền dành cho bé, đồ dùng trẻ em, hiện tại đang chiếm vị trí số 1 tại thị trường Nhật Bản. Riêng tại thị trường Việt Nam, do tỉ lệ người mẹ đi làm cao hơn hẳn Nhật Bản nên sản phẩm sẽ có tính tiện lợi cao, giúp cho người mẹ có nhiều thời gian hơn bên bé".

Được đánh giá là quốc gia có tỷ lệ hộ gia đình có trẻ cao nhất Đông Nam Á với 12% hộ gia đình có con dưới 1 tuổi và 20% hộ gia đình có con từ 1 – 2 tuổi, Việt Nam được cho là thị trường đầy tiềm năng cho các công ty cung cấp dịch vụ, sản phẩm liên quan đến bà mẹ và trẻ em, trong đó có sữa trẻ em.

Theo Nielsen, với tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng mạnh tại Việt Nam, nhu cầu của các bậc cha mẹ đối với những sản phẩm dành cho con sẽ ngày càng cao về cả số lượng và chất lượng. Tại các thị trường phát triển, nơi mà tỉ lệ sinh thấp và các loại sản phẩm chăm sóc em bé đang bão hòa thì các thị trường đang phát triển, nhu cầu gia tăng sẽ là động lực tăng trưởng lớn nhất.

Ngoài ra, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã dịch chuyển từ mô hình truyền thống là các chợ, các siêu thị sang chuỗi bán hàng sản phẩm dành tiêng cho mẹ và bé một cách rõ rệt những năm gần đây.

Chính sự tăng trưởng mạnh mẽ này của thị trường mẹ và bé là nguyên nhân hấp dẫn nhà đầu tư ngoại.

Hàng loạt hoạt động thâm nhập thị trường Việt Nam của các "ông lớn" như Nhật Bản, hàn Quốc, Thái Lan....diễn ra sôi động thời gian qua. Phải kể đến nhà bán lẻ Anh là mothercare - sản phẩm dành cho mẹ trong suốt thai kỳ lẫn giai đoạn ở cử và bé sơ sinh đến 5 tuổi; NĐT Đài Loan cũng lấn sân thị trường mẹ và bé Việt Nam với sản phẩm Marrybaby hay mới đây nhất, Công ty CP thực phẩm dinh dưỡng NutiFood và Tập đoàn Asahi Nhật Bản công bố thành lập liên doanh Asahi – NutiFood (mỗi bên 50% vốn nhưng không tiết lộ số vốn cụ thể ) để cung cấp các dòng sản phẩm dành cho mẹ và bé thuộc phân khúc hàng cao cấp theo chuẩn Nhật cho thị trường Việt Nam.

Liệu có bị xí thị phần?

Sự hiện diện của ngày càng nhiều các nhà đầu tư ngoại, các quỹ ngoại đổ vào thị trường hay những cái bắt tay hợp tác với các "ông lớn" ở thị trường sữa cho thấy sự hấp dẫn của thị trường này là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, bên cạnh câu chuyện chất lượng thì câu chuyện cạnh tranh cũng được bàn nhiều hơn bao giờ hết.

Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, để chiếm lĩnh thị trường mẹ và bé là bài toán không hề dễ. Theo tìm hiểu, nếu người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu tới 10 triêu đồng khi mua sắm ở nước ngoài hàng tiêu dùng cho mẹ và bé thì họ chỉ chi khoảng 500 ngàn đồng để mua tại các của hàng sản phẩm chuyên dụng cho mẹ và bé. Điều này đã phần nào chỉ ra, khách hàng tiêu dùng không phải là dễ tính.

Thị trường sữa “em bé” Việt Nam hấp dẫn đại gia Nhật? - Ảnh 1.

Sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường khiến việc chiếm lĩnh thị trường của các DN trong nước và nước ngoài không hề dễ dàng

Riêng đối với ngành sữa sự cạnh tranh còn khốc liệt hơn. Theo ghi nhận, sữa bột chủ yếu là sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là dòng sản phẩm cạnh tranh gay gắt nhất. Hiện Vinamilk (VNM) dẫn đầu thị trường với thị phần khoảng 27% (mảng sữa bột đóng góp khoảng 26% doanh thu và 28% lợi nhuận gộp cho VNM trong năm 2017); Abbott đứng thứ 2 với 17%; tiếp theo là Friesland Campina với 12% thị phần. Trong khi thị phần của cả Abbott và Friesland Campania vẫn giữ nguyên hoặc giảm nhẹ trong 3 năm qua, thì Nutifood nổi lên thành một nguy cơ lớn đối với VNM ở phân khúc bình dân.

Trước bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, nhiều sản phẩm sữa trong nước sẵn sàng chấp nhận biên lợi nhuận thấp để giành lấy thị phần từ đối thủ.

Bên cạnh đó, các hãng sữa quốc tế như Abbott, Friesland Campina, Mead Johnson, Nestle và nhiều hãng sữa nhỏ hơn khác đều có năng lực tốt về marketing và nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Do vậy những doanh nghiệp này luôn luôn là nguy cơ cạnh tranh với sản phẩm nội địa.

Những hợp tác hay những cái bắt tay giữa ngành sữa Việt Nam với các nhà đầu tư ngoại trước bối cảnh cạnh tranh cũng dấy lên lo ngại "cõng rắn cắn gà nhà", liệu miếng bánh thị phần của các doanh nghiệp nội có bị thu hẹp?

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM