Thị trường quản lý dịch vụ lưu trú Việt Nam: Các ông lớn ngoại chiếm hết thị phần trung - cao cấp, người Việt chỉ quản lý dịch vụ homestay

27/06/2019 08:30 AM | Kinh doanh

Trong tương lai, chỉ mỗi quản lý dịch vụ lưu trú mảng homestay là nằm trong tay người Việt, còn mảng khách sạn ở cả phân khúc cao cấp lẫn trung bình và thấp đều nằm trong tay những doanh nghiệp ngoại.

Với những chuyển động gần đây trên thị trường quản lý dịch vụ lưu trú của Việt Nam, chúng ta có thể tưởng tượng ra được bức tranh về thị trường này trong tương lai theo ngành dọc thế này: mảng dịch vụ quản lý khách sạn – resort cao cấp sẽ là cuộc chơi của các tập đoàn lớn như AccorHotels, InterContinetal Hotels Group, Marriott International, Hilton Worldwide; phân khách sạn hạng trung – từ 3 sao trở xuống sẽ là đấu trường giữa 2 startup nước ngoài là RedDoorz và OYO; chỉ mỗi mảng homestay là còn có sự tham gia của người Việt, với sự xuất hiện của startup Ecohost.

Dịch vụ quản lý khách sạn và resort cao cấp đang là cuộc chơi của các tập đoàn lớn quốc tế

Dạo một vòng Việt Nam, chúng ta có thể thấy hầu hết các khách sạn – resort cao cấp đều được quản lý bởi các công ty nước ngoài, trừ một vài trường hợp đặc biệt như VinPearl và Mường Thanh, khi họ tự quản lý.

Tại Việt Nam, tập đoàn InterContinental Hotels Group đang quản lý hơn 12 khách sạn và resort với 2 thương hiệu chính là InterContinental và Crowne; Hilton Worldwide có 11 khách sạn trong đó có 8 của nhà đầu tư BRG; Marriott International sau khi sáp nhập cùng Starwood Hotels & Resort hiện đang điều hành thương hiệu Sheraton, JW Marriott và Renaissance Riverside Saigon thêm Le Meridien Saigon.

Trong tất cả, AccorHotels đang dẫn đầu thị trường với 28 khách sạn trong đó có 12 khách sạn hạng sang, chiếm 40% thị phần với 30.000 phòng. Tại Việt Nam, AccorHotels quản lý các thương hiệu khách sạn như Sofitel, MGallery, Pullman, Grand Mercure, The Sebel, Novotel, Movenpick… với 7 khách sạn hạng sang được đầu tư bởi Tập đoàn Sun Group. Trong năm 2019-2020, AccorHotels dự định sẽ tăng thêm 19 khách sạn – resort nữa tại Việt Nam.

Bức tranh về thị trường quản lý dịch vụ lưu trú Việt Nam trong tương lai - Ảnh 1.

Khách sạn Sofitel Saigon đang được quản lý bởi AccorHotels.

Thật ra, không phải các doanh nghiệp trong nước không nhận ra sự hấp dẫn của thị trường này, nhưng giám đốc một khách sạn từng chia sẻ phạm vi cạnh tranh giữa các khách sạn không chỉ gói gọn ở thị trường trong nước mà đã mở rộng ra khu vực. Chẳng hạn với những đoàn khách kết hợp du lịch với hội nghị (MICE), họ nhìn vào thương hiệu để mua sự yên tâm về chất lượng dịch vụ. Chính vì vậy những công ty quản lý có thương hiệu quốc tế luôn được chọn mặt gửi vàng.

Một vấn đề lớn khác trong lĩnh vực này không chỉ ở kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm phát triển thương hiệu và hệ thống bán phòng hiệu quả mà còn là nguồn nhân lực. Một số công ty muốn kinh doanh mảng này nhưng không thể tìm đủ nhân sự. "Doanh nghiệp không thể vận hành có hiệu quả nếu thiếu nhân sự tốt, đặc biệt là những nhân sự chủ chốt để có thể đi quản lý thuê", một giám đốc làm trong ngành cho hay.

Vì thế, các công ty quản lý khác sạn trong nước đành nhắm đến phân khúc khách sạn 3 sao và tương đương. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của 2 startup RedDoorz và OYO đến từ nước ngoài, trong tương lai, cơ may sống sót của những doanh nghiệp kể trên cũng không lớn.

RedDoorz và OYO sẽ khuynh đảo phân khúc khách sạn tầm trung trở xuống

Vào tháng 4/2019, RedDoorz cho chúng tôi biết là họ đã có 700 khách sạn trải dài ở 40 tỉnh thành của 4 nước Đông Nam Á, mục tiêu của startup có trụ sở tại Singapore là "khách sạn RedDoorz sẽ hiện diện ở mọi góc phố quan trọng trên thế giới". Vào giữa tháng 3/2019, họ vừa nhận được 50 triệu USD từ vòng gọi vốn Series B.

RedDoorz bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam vào gần cuối năm 2018 và vừa làm lễ ra mắt chính thức người dùng Việt Nam vào tháng 3/2019. Sau 6 tháng gây dựng cơ sở, họ đã có 40 khách sạn trải dài khắp các quận nội thành TP. HCM. Kế hoạch của họ là sẽ mở rộng ra Hà Nội, Đà Nẵng và Vũng Tàu trong năm nay.

Bức tranh về thị trường quản lý dịch vụ lưu trú Việt Nam trong tương lai - Ảnh 2.

Một khách sạn RedDoorz tại Việt Nam.

Để không bị RedDoorz chiếm hết thị phần, năm ngoái OYO cũng cấp tập chạy đua ở khu vực Đông Nam Á, đầu tiên là Indonesia, Malaysia và giờ đến Việt Nam. Hiện tại, trên website của OYO Việt Nam đã có 62 khách sạn mang thương hiệu của họ tại 6 thành phố lớn tại Việt Nam. Ngoài ra, OYO cũng đang ồ ạt tuyển nhân sự trên các nền tảng tìm việc online ở Việt Nam.

Với tài lực của mình, dù đến sau song OYO không hề ‘nể mặt’ RedDoorz, trong khi đối thủ vẫn quẩn quanh mở rộng thị trường ngoài TP. HCM thì OYO đã kịp có mặt ở 6 tỉnh thành: TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Phú Quốc và Nha Trang.

OYO đang là một trong những startup nổi bật nhất của Ấn Độ. Vào tháng 9/2018, họ đã quyên được 1 tỷ USD từ các công ty và quỹ đầu tư như SoftBank, Lightspeed, Sequoia và Greenoaks Capital. Theo đó, OYO được định giá tới 5 tỷ USD.

Có thể bạn không tin, nhưng RedDoorz đang sở hữu hơn 13.600 phòng trên 35 thành phố ở Indonesia. Thế nên, không có nguyên do gì mà 2 startup đến từ Singapore và Ấn Độ này lại không thành công tại Việt Nam.


Ecohost cô đơn giữa quê nhà

Trong tất cả, chỉ mỗi mảng quản lý dịch vụ homestay là có sự góp mặt của người Việt. Ecohost đang là một startup nổi bật của Việt Nam trong lĩnh vực du lịch. Họ từng dành ngôi vị Á quân trong cuộc thi Startup đổi mới sáng tạo năm 2018 do Tổ chức khởi nghiệp du lịch đổi mới – sáng tạo vùng Mê Kông (MIST) tổ chức.

"Tiểu vùng sông Mê Kông của chúng ta có nhiều điểm đến rất hấp dẫn, nhưng homestay lại đơn điệu về dịch vụ cũng như không đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Nhiều du khách muốn trải nghiệm những dịch vụ mang tính địa phương và muốn chia sẻ những giá trị mà họ có, song lại không có nhiều sự lựa chọn.

Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều du khách muốn được trải nghiệm việc sinh hoạt chung với người dân địa phương trong chính ngôi nhà của họ. Mỗi năm, trên Airbnb có thêm 20.000 homestay đăng ký làm thành viên. Ngoài ra, chúng tôi muốn xây dựng một mô hình phát triển du lịch bền vững", chị Nguyễn Thị Thu Hà – đồng sáng lập, tiết lộ nguyên do xuất hiện của Ecohost.

Bức tranh về thị trường quản lý dịch vụ lưu trú Việt Nam trong tương lai - Ảnh 3.

Trang web của Ecohost.

Tình trạng yếu kém của các homestay không chỉ diễn ra ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà trên khắp cả nước. Và, nhằm góp phần thay đổi hiện trạng đó, Ecohost đã xây dựng những platform để giới thiệu homestay của người dân theo đúng chuẩn cách mạng công nghệ 4.0, thông qua các website, mobile app…; chạy các chương trình marketing online cho các homestay.

Ecohost cũng cung cấp cho các chủ hộ những khóa đào tạo nhằm giúp họ nâng cao kỹ năng đón tiếp khách, cách làm du lịch bền vững, huấn luyện cả các công việc chi tiết hàng hàng như dọn dẹp nhà cửa - trải chăn nệm - phục vụ du khách….

Đồng thời, Ecohost còn đến khảo sát từng địa phương, để tìm những danh lam – thắng cảnh, làng nghề, gia đình làm thủ công mỹ nghệ; liên kết tất cả để họ trở thành những tuyến điểm, kết nối với các homestay Ecohost ở địa phương. Bên cạnh đó, Ecohost còn cố gắng thúc đẩy phát triển những sản phẩm mà chủ hộ có thể tự làm ra để phục vụ du khách.

Dự kiến, trong vòng 2 năm tới, trên hệ thống Ecohost sẽ có khoảng 300 hộ gia đình với 300 homestay tham gia cùng slogan ‘một trải nghiệm du lịch homestay hoàn toàn khác biệt".

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM