Thị trường này là một miếng bánh ngon nhưng Việt Nam đang để cho các hãng nước ngoài “nuốt” gần hết

24/02/2017 19:46 PM | Kinh doanh

Du lịch trực tuyến tăng trưởng mạnh ở Việt Nam nhưng tỷ lệ lớn khách ra vào Việt Nam sử dụng dịch vụ của các sàn du lịch trực tuyến nước ngoài. Thậm chí, tỷ lệ khách du lịch nội địa sử dụng dịch vụ của các sàn du lịch trực tuyến nước ngoài là không nhỏ.

Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2017. Theo đó du lịch trực tuyến là một lĩnh vực phát triển mạnh của thương mại điện tử (TMĐT) qua biên giới.

Số liệu của Liên Hợp quốc cho biết châu Á có tới 1,4 tỷ người ở độ tuổi dân số vàng tuổi từ 15 – 34, trong đó Ấn Độ có 459 triệu người, Trung Quốc có 414 triệu, Indonesia có 85 triệu, Philippines có 35 triệu và Việt Nam có 32 triệu người.

Năm 2016, Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UNWTO) cho rằng dân số vàng có vai trò lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch. Tổ chức này cũng nhận định cuộc cách mạng công nghệ và ảnh hưởng mạnh mẽ của truyền thông xã hội là yếu tố quan trọng tạo nên sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch trong những năm gần đây.

“Sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp khách lẻ sử dụng dịch vụ du lịch trực tuyến đã thay đổi đáng kể thị trường du lịch”, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết.

Điều này khiến cho các công ty du lịch phải đưa ra những giải pháp công nghệ tiên tiến đáp ứng nhu cầu của tầng lớp khách lẻ trong suốt thời gian du lịch của họ.

Ở Việt Nam, du lịch trực tuyến đang tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, VECOM nhận định tỷ lệ lớn khách ra vào Việt Nam sử dụng dịch vụ của các sàn nước ngoài. Thậm chí, tỷ lệ khác du lịch nội địa sử dụng dịch vụ của các sàn du lịch trực tuyến nước ngoài là không nhỏ.

Hãng máy bay và du lịch trực tuyến Gotadi.com nhận định, nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ, đang thống lĩnh thị trường này ở Việt Nam. Nguyên nhân là họ có lợi thế về công nghệ, nguồn vốn và đặc biệt không phải đóng thuế.

“Agoda và Booking là 2 OTAs dẫn đầu và chiếm hơn 80% thị phần đặt phòng trực tuyến. Họ áp đảo cả 2 mảng: khách du lịch Việt Nam đi trong nước và nước ngoài cũng như khách nước ngoài đến Việt Nam”, đơn vị này cho hay.

Thị phần đặt phòng trực tuyến tại các khách sạn ở Việt Nam đang tăng nhanh, thường chiếm từ 30 – 40% tổng lượng khách ở mỗi khách sạn. Thậm chí, tỷ lệ này có thể lên đến 80% ở một số khách sạn.

Theo tính toán của Gotadi, Agoda năm 2016 đã thu được hơn 4.000 tỷ đồng riêng tại các khách sạn ở Việt Nam.

Theo Nam Dương

Cùng chuyên mục
XEM