Thị trường mẹ và bé: Doanh nghiệp ngoại muốn chia phần chiếc bánh 7 tỷ USD liệu có dễ?

08/08/2018 09:15 AM | Kinh doanh

Trong hội thảo về thị trường mẹ và bé diễn ra mới đây, các chuyên gia cho rằng, sau vụ việc nhà cung cấp sản phẩm mẹ và bé lớn tại Việt Nam bị điều tra gắn mác giả trên sản phẩm, các bà mẹ bỉm sữa Việt có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến việc mua hàng chính hãng, đảm bảo an toàn cho con mình. Tuy nhiên, liệu các NĐT ngoại có chinh phục được thị trường Việt Nam?

Nhà đầu tư ngoại "nhòm ngó"

Theo thống kê, ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,56 triệu trẻ em chào đời, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chăm sóc mẹ và bé tăng cao. Với các gia đình thành thị có mức sống trung bình, sản phẩm tiêu dùng cho mẹ và bé chính hãng, chất lượng cao đang là lựa chọn chiếm ưu thế.

Doanh thu của thị trường sản phẩm và dịch vụ dành cho trẻ em tại Việt Nam từng được dự báo có thể đạt quy mô 7 tỉ USD, với tốc độ tăng trưởng lên tới 30-40%.

Tại hội thảo, các chuyên gia trong ngành chỉ ra, nhu cầu của các bậc cha mẹ đối với những sản phẩm dành cho con sẽ ngày càng cao về cả số lượng và chất lượng. Tại các thị trường đang phát triển, nhu cầu gia tăng sẽ là động lực tăng trưởng lớn nhất.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường mẹ và bé trong những năm gần đây là nguyên nhân lý giải sức hấp dẫn của thị trường này trước các nhà đầu tư ngoại.

Mới đây nhất phải kể đến hoạt động thâm nhập thị trường Việt Nam của nhà bán lẻ Anh là mothercare. Hãng này chuyên về các dòng sản phẩm tiêu chuẩn Anh dành cho mẹ trong suốt thai kỳ lẫn giai đoạn ở cử và bé sơ sinh đến 5 tuổi. Hay, NĐT Đài Loan đang lấn sân thị trường mẹ và bé Việt Nam với sản phẩm Marrybaby…

Hồi đầu năm 2018, thị trường mẹ và bé cũng ghi nhận một số thương vụ rót vốn từ một số quỹ ngoại.

Sản phẩm ngành hàng mẹ và bé được mẹ Việt tin tưởng hiện nay là hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu… Tuy nhiên, nhiều mặt hàng nhập vào Việt Nam qua đường xách tay, không thông qua các tổ chức kiểm soát chất lượng.

Liệu có dễ dàng?

Bà Lih Fen Her - Đại diện Cục Thương Mại Quốc Tế, Bộ Kinh Tế Đài Loan cho rằng, thị trường mẹ và bé được đánh giá là hấp dẫn khi có tốc độ tăng trưởng tốt, tuy nhiên để chinh phục được thị trường này không phải là dễ. 

Tiềm năng thị trường lớn, tốc độ tăng trưởng cao, cho thấy sức hấp dẫn của ngành là hiển nhiên. Tuy nhiên, để "chiếm lĩnh" thị trường được dự báo sẽ tăng trưởng đạt con số 7 tỷ USD là không hề dễ dàng.

Minh chứng là không ít tên tuổi ngoại đã từng hiện hữu tại thị trường Việt Nam như Kids World, Deca, Beyeu, Babysol…nhưng "đến rồi đi" chỉ ra sự cạnh tranh khốc liệt của ngành này.

Ông Cung Vinh Nam - Đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Loan tại Việt Nam thừa nhận rằng: "Để chiếm lĩnh thị trường mẹ và bé là bài toán khó. Các doanh nghiệp ngoại phải đạt được chất lượng vượt trội nhưng giá thành phải hợp lý, có lợi cho người tiêu dùng thu nhập trung bình ở Việt Nam hơn.

Theo ghi nhận, chuỗi các cửa hàng mua sắm đồ dành cho mẹ và bé hiện nay chỉ mới đáp ứng được một đối tượng khách hàng nhất định, chưa đa dạng. Theo ông Nam, khách tiêu dùng hiện nay không hề dễ tính, đặc biệt sau vụ việc nhà cung cấp sản phẩm mẹ và bé lớn tại Việt Nam bị điều tra về nhãn mác gắn trên sản phẩm. "Khi người tiêu dùng mất lòng tin đồng nghĩa với việc tiếp cận sản phẩm đến với họ sẽ khó khăn hơn. Đây là một khó khăn mà cả doanh nghiệp nội và nhà đầu tư ngoại phải vượt qua trước khi tham vọng thống lĩnh thị trường", ông Nam khẳng định.

Chưa kể, theo bà Nguyễn Lê Chi – Đại diện Quatest 3, các sản phẩm nhập vào Việt Nam phải đảm bảo nhiều khâu kiểm duyệt, nhãn dán, công nhận QCVN cho từng loại sản phẩm…. Trong khi đó, không phải DN ngoại nào cũng đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe khi đưa sản phẩm vào thị trường Việt Nam.

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM