Thị trường màu mỡ trị giá hàng chục nghìn tỷ ngày càng phình to nhờ "túi tiền" của Vinamilk, Masan

13/05/2016 11:07 AM | Kinh doanh

Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp đang khiến họ ngày càng bạo chi cho công tác quảng cáo và công ty quảng cáo chính là đối tượng hưởng lợi trực tiếp.

Lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) được đánh giá là mảnh đất màu mỡ nhưng mức độ cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Nếu các doanh nghiệp không đầu tư quảng bá thương hiệu liên tục cũng đồng nghĩa với việc nhường sân chơi cho đối thủ.

Do đó, sẽ không quá bất ngờ nếu các doanh nghiệp top đầu dành hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho công tác quảng cáo, tiếp thị hình ảnh.

Như trường hợp Vinamilk, dù là tên tuổi hàng đầu Việt Nam trong ngành sữa nhưng doanh nghiệp này đang gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ trong và ngoài nước như TH True Milk, Abbott, Mead Johnson, Nestle, Friesland Campina (Cô gái Hà Lan)…. cũng như một doanh nghiệp đang tăng tốc rất nhanh là Nutifood.

Có thể thấy, quảng cáo của các hãng sữa cạnh tranh đang xuất hiện khắp mọi nơi và rõ ràng Vinamilk không thể đứng ngoài “cuộc đua” này, nhất là trong bối cảnh tâm lý người tiêu dùng Việt vẫn khá ưa chuộng các dòng sản phẩm sữa ngoại. Năm 2015, số tiền quảng cáo Vinamilk bỏ ra lên tới 1.777 tỷ đồng.

Còn với Sabeco , hay Habeco, 2 “ông lớn” ngành bia trong nước đang bị các đối thủ ngoại như Carlsberg, VBL (cung cấp Heineken, Tiger, Larue…), Sapporo phả hơi nóng phía sau. Tập đoàn bia lớn nhất thế giới AB Inbev bắt đầu khai phá thị trường Việt Nam với át chủ bài Budweiser.

Dù đã chi ra 1.269 tỷ đồng cho công tác quảng cáo trong năm 2015, tuy nhiên vẫn có cảm giác sức hút của Sabeco thấp hơn các đối thủ ngoại, đặc biệt là Heineken khi tần suất quảng cáo sản phẩm này dày đặc trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là tại các trận đấu bóng đá Champions League.

Với Masan Consumer, có lẽ áp lực cạnh tranh còn lớn hơn rất nhiều bởi lĩnh vực mỳ gói, nước chấm, đồ uống có sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp như Kido, Vina Acecook, Asia Foods, Vifon….

Báo cáo tài chính năm 2015 được công bố cho thấy doanh thu Masan Consumer đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng, gần như không tăng trưởng so với năm trước đó dù đã chi gần 1.500 tỷ đồng cho công tác quảng cáo. Điều này cho thấy không ít khó khăn mà Masan Consumer đang gặp phải trước các đối thủ cạnh tranh.

Đường Quảng Ngãi là doanh nghiệp hiếm hoi trong ngành FMCG không đầu tư quá nhiều cho quảng cáo nhưng vẫn đạt hiệu quả khá tích cực với doanh thu năm 2015 đạt gần 7.800 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước.


Hiệu quả từ quảng cáo ngày càng thấp do áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tăng cao

Hiệu quả từ quảng cáo ngày càng thấp do áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tăng cao

Doanh nghiệp cạnh tranh, công ty quảng cáo hưởng lợi

Cùng với bất động sản, dược phẩm thì FMCG là một trong những lĩnh vực bạo chi nhất cho hoạt động quảng cáo. Năm 2015, tổng số tiền mà 5 “ông lớn” FMCG gồm Vinamilk, Sabeco, Habeco, Masan Consumer và Đường Quảng Ngãi chi ra cho hoạt động quảng cáo đã lên tới gần 5.000 tỷ đồng.

Trong đó riêng Vinamilk, Sabeco, Masan Consumer, mỗi doanh nghiệp đã phải bỏ ra khoảng 4 tỷ đồng/ ngày cho hoạt động quảng cáo và đây thực sự là con số không hề nhỏ.

So với cách đây 3 năm, số tiền mà Vinamilk, Sabeco dành cho hoạt động quảng cáo đã tăng gấp 3 lần. Trong khi ngân sách quảng cáo năm 2015 của Masan Consumer cũng tăng tới 13%, Habeco tăng 50% so với năm trước đó.

Có thể thấy, các doanh nghiệp đang ngày càng tỏ ra bạo chi cho hoạt động quảng cáo và đối tượng hưởng lợi trực tiếp chính là các công ty quảng cáo với hàng chục nghìn tỷ đồng thu về mỗi năm.


Doanh nghiệp ngày càng bạo chi cho hoạt động quảng cáo

Doanh nghiệp ngày càng bạo chi cho hoạt động quảng cáo

Theo Hoàng Anh

Cùng chuyên mục
XEM