Thị trường đồ chơi trẻ em Việt Nam: Có đến 70% không có thương hiệu

23/03/2019 18:45 PM | Xã hội

“Bên cạnh những tiềm năng sẵn có của thị trường đồ chơi Việt Nam, thì loại hình sản phẩm này còn gặp những thách thức nhất định về mở rộng nhu cầu cũng như sự cạnh tranh khá lớn từ thị trường”, ông Benjamin, Giám Đốc Điều Hành Phân Phối N KID Group chia sẻ tại sự kiện “N KID Group chính thức ra mắt thương hiệu đồ chơi tiNiToy” vào ngày 22/3/2019.

Miếng bánh lớn tiềm năng tại thị trường Việt Nam

Trước đó, Công ty cổ phần thương mại dịch vụ N KID nghiên cứu, dung lượng thị trường cho trẻ em bao gồm hàng hóa, dịch vụ giáo dục, y tế, giải trí ước tính lên đến 5,2 tỷ đô la Mỹ/năm. Nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp trong nước chưa khai thác hết tiềm năng mà mảng thị trường này có thể mang lại.

Tại sự kiện ra mắt thương hiệu đồ chơi tiNiToy, đại diện N KID Group cho hay, Việt Nam hiện có khoảng hơn 20% dân số là trẻ em trong độ tuổi từ 0-14. Đây là phân khúc tiêu dùng đầy tiềm năng, đặc biệt cho thị trường đồ chơi. Tuy nhiên, hiện các sản phẩm đồ chơi bình dân có nguồn gốc không rõ ràng, chất lượng không bảo đảm an toàn cho trẻ đang chiếm hơn 70% thị phần. Còn lại là các thương hiệu đồ chơi cao cấp được nhập khẩu từ các nước phát triển nhưng có giá thành khá cao. Do đó, những sản phẩm đồ chơi có thương hiệu, xuất sứ rõ ràng, chất lượng và an toàn, giá phải chăng đang bị bỏ ngõ, là sân chơi cho các doanh nghiệp khai thác.

Thị trường đồ chơi trẻ em Việt Nam: Có đến 70% không có thương hiệu - Ảnh 1.

Ông Benjamin, Giám Đốc Điều Hành Phân Phối N KID Group cho rằng, hiện tại thị trường đồ chơi trẻ em Việt Nam có đến 70% là không có thương hiệu, chỉ 30% có thương hiệu và đảm bảo độ an toàn

Theo ghi nhận, Việt Nam hiện có khoảng 20,8 triệu trẻ em độ tuổi từ 0-12. Đây là phân khúc tiêu dùng đầy tiềm năng mà các doanh nghiệp chưa khai thác hết. Thị trường này chia làm ba nhóm chính: (1) giáo dục, (2) y tế và (3) nhóm tất cả các sản phẩm và dịch vụ khác. Nhóm (3) chiếm khoảng 3,1 tỉ đô la Mỹ/năm, trong đó, chỉ riêng các sản phẩm sữa và thực phẩm dinh dưỡng đã chiếm đến 1,2 tỉ đô la Mỹ/năm; các sản phẩm khác bao gồm đồ chơi, quần áo, tã lót, mũ nó... chiếm khoảng 1,1 tỉ đô la Mỹ; dịch vụ vui chợi giải trí cho bé cũng lên đến 700 triệu đô la Mỹ/năm. Tính trung bình trong cả nước, mỗi phụ huynh chi tiêu cho một trẻ khoảng 500.000 đồng/tháng. Riêng ở Tp.HCM, mức nào cao gấp ba lần, khoảng 1,5 triệu đồng/tháng.

Thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm chất lượng, an toàn

Nói về sự khác biệt giữa thị trường đồ chơi nước ngoài và Việt Nam, ông Benjamin, Giám Đốc Điều Hành Phân Phối N KID Group cho rằng, hiện tại thị trường đồ chơi trẻ em Việt Nam có đến 70% là không có thương hiệu, chỉ 30% có thương hiệu và đảm bảo độ an toàn. Trong khi đó, ở Indonesia và một số quốc gia khác thì khoảng 60% sản phẩm có thương hiệu, 40% không có thương hiệu. Như vậy để thấy việc các doanh nghiệp làm sản phẩm chất lượng, an toàn và giá hợp lý sẽ làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. “Tôi nghĩ trong vòng 5-10 năm nữa, xu hướng của người tiêu dùng Việt Nam sẽ thay đổi trong nhận thức khi mua đồ chơi cho trẻ em. Theo đó, tỉ lệ giữa sản phẩm có thương hiệu và không thương hiệu tại Việt Nam dự báo sẽ là 50:50”, ông Benjamin nhấn mạnh.

Thị trường đồ chơi trẻ em Việt Nam: Có đến 70% không có thương hiệu - Ảnh 2.

Thị trường đồ chơi trẻ em Việt Nam vẫn là miếng bánh ngon tiềm năng

Theo ông Benjamin, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng Việt là một hành trình khi mà các doanh nghiệp tham gia thị trường đồ chơi phải thực sự làm nên những sản phẩm chất lượng nhưng giá cả hợp lý, độ an toàn cho trẻ cao. Hiện nay, tâm lý tiêu dùng của phụ huynh đã thay đổi, họ sẵn sàng bỏ thêm tiền để sở hữu sản phẩm chất lượng thay vì lựa chọn sản phẩm không thương hiệu.

Tuy vậy, thách thức lớn của thị trường đồ chơi trẻ em Việt Nam theo ông Benjamin đó là các doanh nghiệp không chỉ bán hàng cho các em bé mà còn bán hàng cho cả phụ huynh và thậm chí cả thế hệ sau này khi mỗi em bé sẽ sinh ra những em bé khác. Do đó, việc đáp ứng đúng được nhu cầu của cả phụ huynh và em bé là một thách thức không hề nhỏ.

Ngoài ra, sự cạnh tranh về giá cả, sản phẩm với sản phẩm đồ chơi nước ngoài cũng là một thách thức hiện nay. Đa số những đồ chơi có thương hiệu, sản xuất cho trẻ em Việt Nam chỉ xuất hiện ở các điểm siêu thị, nhà sách, chưa thâm nhập sâu vào các thị trường bán lẻ lớn.

Mặc dù Việt Nam có nhiều cơ hội để bán hàng đồ chơi Việt Nam nhưng theo các chuyên gia, thực tế đồ chơi nhập ngoại vẫn khá lấn lướt khi mà chúng hấp dẫn về màu sắc, đa dạng về chủng loại, giá thành lại rẻ hơn. Do đó, việc thay đổi nhận thức của người tiêu dùng Việt với những sản phẩm có thương hiệu, chất lượng vừa là cơ hội, vừa là bài toán thách thức đối với các doanh nghiệp tham gia ở lĩnh vực này.

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM