Thị trường đồ chơi: Doanh nghiệp nội gặp khó

28/03/2016 22:00 PM | Kinh tế vĩ mô

Đủ năng lực về sản xuất và đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các đơn hàng gia công và xuất khẩu, nhưng các doanh nghiệp (DN) sản xuất đồ chơi trong nước vẫn chưa xây dựng được thương hiệu đồ chơi made in Vietnam.

thị trường đồ chơi ước tính tăng trưởng 15-20% mỗi năm nhưng tới 95% sản phẩm của các DN trong nước sản xuất được xuất khẩu và chỉ có 5% được bán ở trong nước. Nghịch lý này được các DN lý giải do thị trường trong nước có nhiều cái khó, trong đó cái khó nhất là khó cạnh tranh về giá với đồ chơi giá rẻ, kém chất lượng của Trung Quốc.

Ông Trịnh Chí Cường, Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Đại Đồng Tiến, cho biết: "Nhiều năm qua, Đại Đồng Tiến nhận gia công đồ chơi cho một công ty của Thụy Điển, doanh thu từ mảng này đóng góp rất lớn vào doanh số của Công ty.

Tuy nhiên, lĩnh vực đồ chơi trẻ em là sân chơi toàn cầu vì hiện nay, hầu hết các thương hiệu đồ chơi có tên tuổi trên thế giới đều có bề dày kinh nghiệm lâu năm, nếu gia nhập sân chơi này, đồng nghĩa phải đủ mạnh từ chuỗi sản xuất đến phân phối và khó nhất là làm sao phải đẩy được thương hiệu lên quy mô quốc tế.

Đây là cả một sự đầu tư không đơn giản và cần rất nhiều thời gian. Vì vậy, dù đủ năng lực sản xuất nhưng chúng tôi cũng phải cân nhắc".

Ở lĩnh vực đồ chơi bằng gỗ, mặc dù được xem là có lợi thế về gỗ và đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm đồ chơi gỗ thông minh, mang tính giáo dục được đánh giá cao, nhưng hầu hết các DN sản xuất trong nước cũng chỉ chú trọng xuất khẩu.

Hơn 20 năm qua, một công ty gia công cho thương hiệu Tahuky đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý gỗ không dùng hóa chất để cho ra những sản phẩm đồ gỗ có giá trị cao bằng gỗ xoài, gỗ sầu riêng và gỗ xà cừ được nhiều khách hàng trong nước cũng như quốc tế đón nhận.

Tuy nhiên, đại diện của công ty này cũng chia sẻ: "Đặc thù của đồ chơi là thay đổi rất nhanh, thậm chí từng tháng, từng quý, nhưng phải mất đến hai tháng mới cho ra một mẫu mới, trong khi nếu số lượng không đủ lớn, nhà sản xuất sẽ rất khó cạnh tranh, chưa kể kinh phí đầu tư cho việc nghiên cứu sản phẩm mới, tiếp thị sản phẩm rất lớn, nhất là tình trạng thiếu các loại phụ liệu. Đó là lý do nhiều năm qua, chúng tôi chỉ tập trung làm hàng xuất khẩu".

95%

Dù thị trường đồ chơi ước tính tăng trưởng 15-20% mỗi năm nhưng tới 95% sản phẩm của các DN trong nước sản xuất được xuất khẩu

Nằm trong số 10 DN ít ỏi đầu tư nghiêm túc vào sản xuất đồ chơi gỗ và đang được thị trường biết đến với thương hiệu Winwintoys với các sản phẩm dành cho bé từ 1 tuổi trở lên, có thể vừa học vừa chơi, sáng tạo nhưng doanh số thị trường nội địa của Công ty CP Chế biến gỗ Đức Thành cũng vẫn còn khiêm tốn.

Tương tự, Công ty Nhựa Chợ Lớn đã bỏ ra hàng trăm ngàn USD đầu tư thêm máy móc, thiết bị để sản xuất 500 chủng loại xe trẻ em với giá bán rẻ hơn 20 - 30% so với hàng Trung Quốc và rẻ hơn 59 - 70% so với các loại xe nhập khẩu từ Nhật, Hàn Quốc hoặc Đài Loan, đồng thời sản xuất gần 200 chủng loại đồ chơi xếp hình thông minh làm bằng nhựa PP, nhưng vẫn nhận gia công xuất khẩu để lấy ngắn nuôi dài.

Tự tin với thị trường đồ chơi tiềm năng và mạnh dạn đặt gia công, xây dựng thương hiệu đồ chơi Tahuky phân phối thị trường nội địa nhưng Giám đốc Công ty N2T Nam Thành cũng thừa nhận: "Sau khi khảo sát thị trường, thấy đồ chơi ngoại có giá cao hơn gấp 4 lần đồ chơi trong nước nên tôi quyết định ra mắt thương hiệu đồ chơi thông minh Tahuky với giá... nội địa. Tuy nhiên, đồ chơi nội với thương hiệu mới, còn lạ với người dùng nên trong suốt 6 tháng đầu, kinh doanh khá khó khăn".

Đại diện của công ty nhận gia công cho Tahuky, cũng cho hay: "Một loại đồ chơi thường có chu kỳ sống rất ngắn nên nhà sản xuất phải liên tục thay đổi, nếu nghiên cứu thiết kế ra một mẫu mới thì kéo theo hàng loạt khó khăn về nguyên phụ liệu, song do số lượng sản xuất chưa nhiều nên giá nguyên phụ liệu cao khiến giá thành cao.

Chưa kể một sản phẩm cần đến vài chục, thậm chí cả trăm chi tiết nên phải có quy mô sản xuất và vốn đầu tư lớn. Hiện nay, 90% đồ chơi trên thế giới được sản xuất từ Trung Quốc nên họ sản xuất hàng loạt với số lượng nhiều, vì vậy giá thành rất cạnh tranh.

Bên cạnh đó, sản xuất đồ chơi cho trẻ em rất phức tạp, nhiều tiêu chuẩn khắt khe, trong khi năng lực vốn, khả năng tự chủ nguồn cung phụ liệu, thiết kế mẫu của các DN trong nước còn rất hạn chế. Đó là lý do chúng tôi chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng xuất khẩu, dù có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề”.

Theo LỮ Ý NHI

Cùng chuyên mục
XEM