Thị trường dịch vụ không gian: Cá lớn "bắt tay" cá bé

28/09/2017 08:50 AM | Kinh doanh

Quy luật cá lớn nuốt cá bé không còn phù hợp trên thị trường dịch vụ không gian khi các "ông lớn" giờ đây phải bắt tay với các startup công nghệ non trẻ để "dắt tay nhau" cùng tiến.

Không gian vũ trụ hiện là một trong những ngành được dự đoán sẽ "làm chủ” tương lai. Tại Nhật Bản, ngày càng nhiều công ty chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực trên, liên quan đến vệ tinh truyền thông, phóng tên lửa... Điều này khiến một số tổ chức lớn như Sony, ANA Holdings của All Nippon Airways và Tập đoàn Airbus của châu Âu sớm đặt vấn đề hợp tác, mà theo Nikkei, "nhằm thu lượm kiến thức chuẩn bị cho việc tự thành lập các doanh nghiệp vũ trụ sau này".

Những khoản đầu tư lớn

Ngày càng nhiều quốc gia và tổ chức lớn trên thế giới đặt tham vọng phóng vệ tinh lên quỹ đạo. Xu hướng này đồng nghĩa với việc thu thập dữ liệu càng trở nên quan trọng trong khi nguồn cung ăng-ten dùng cho việc thu - phát không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Trước tình hình này, startup không gian Infostellar (có trụ sở đặt tại Tokyo) đã sớm ra mắt dịch vụ chia sẻ ăng-ten, cho phép các nhà khai thác vệ tinh thương mại có thể sử dụng ăng-ten của nhiều tổ chức khác nhau.

Mới được thành lập hồi tháng 1/2016 nhưng startup này hiện đã nhận được 7,27 triệu USD từ Sony, Airbus và một số nhà tài trợ khác. Được biết, Infostellar là startup đầu tiên tại Nhật được Airbus chọn bơm vốn thông qua quỹ Airbus Ventures. Bản thân Airbus cũng đưa người của mình đảm nhận vị trí thành viên trong ban điều hành của Infostellar. Pinault - nhân viên nói trên, từng là nhà khoa học làm việc cho NASA và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh không gian.

Trang công nghệ Tech In Asia nhận định, việc hợp tác với "gã khổng lồ" có bề dày lịch sử trong thiết kế, xây dựng vệ tinh và thiết bị ăng-ten là điều vô cùng thuận lợi đối với startup không gian Nhật Bản. Chưa kể, khoản "đầu tư" tại Infostellar còn làm tăng sự tin tưởng của các nhà khai thác vệ tinh vào dịch vụ. Sắp tới, Infostellar đang phát triển độc lập thiết bị ăng-ten lắp ráp, và sẽ dùng các quỹ mới để mở rộng kinh doanh sản phẩm từ Nhật Bản sang tới châu Á và châu Phi.

Nối gót Airbus, tập đoàn điện tử Sony mới đây cho biết vừa đầu tư vốn vào Infostellar thông qua một chi nhánh con là Sony Innovation Fund. Quỹ đầu tư mạo hiểm này chuyên nhắm đến các công ty khởi nghiệp táo bạo và tiềm năng, với nguồn ngân sách được rót khoảng 10 tỷ yen. Ngoài hỗ trợ tài chính, Sony cũng được cho đang nắm giữ những bí mật công nghệ liên lạc không dây có thể giúp đỡ Inforstellar phát triển xa hơn trong tương lai.

Cuộc đua vào không gian

Đầu tư vào các startup không gian đang trở thành xu hướng nổi bật hiện nay. Bản thân tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản ANA Holding Inc. gần đây đã rót vốn cho Astroscale, một startup tại Singapore cung cấp dịch vụ xử lý rác thải ngoài không gian. Chia sẻ với CNBC, ông Tom Barton - Giám đốc điều hành Planet, hãng có 190 vệ tinh hình ảnh trên không gian thu thập 7 terabyte hình ảnh mới về Trái Đất mỗi ngày, nhận định: "Về cơ bản, các nhà đầu tư đang đi theo cơ hội và tôi cho rằng đây là một trong những thị trường biên cuối cùng".

Nikkei nhìn nhận, việc đầu tư một khoản tiền nhỏ vào các startup không gian cho phép các công ty lớn phần nào cảm nhận được những xu hướng liên quan đến ngành nghề kinh doanh của mình. Chưa kể, đó cũng là một cách giúp các "ông lớn" hợp lực với những tay chơi mới nhằm trang bị sẵn nguồn lực trước khi đá lấn sân sang thị trường mới.

Cuối tháng 6 vừa qua, Airbus thông báo sẽ phát triển 900 vệ tinh cung cấp internet giá rẻ trên toàn cầu. Theo CNN, các vệ tinh này là một phần của dự án hợp tác giữa Airbus và hãng công nghệ OneWeb – vốn được rót vốn bởi tập đoàn Virgin của tỷ phú Richard Branson và Qualcomm. Đây là một ví dụ điển hình cho cuộc chạy đua vào không gian kết hợp từ các hãng công nghệ và hàng không vũ trụ.

CNBC dẫn thống kê hồi tháng 7 của hãng tư vấn ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Bryce Space and Technology cho thấy, trong năm nay, đã có khoản 25 thương vụ đầu tư mạo hiểm vào ngành này, trong đó có khoản đầu tư 351 triệu USD vào hãng SpaceX của tỷ phú Elon Musk.

Trước đó, các startup hàng không vũ trụ đã nhận khoản đầu tư kỷ lục lên đến 2,8 tỷ USD từ các nhà đầu tư chỉ trong năm 2016 - nhiều hơn 400 triệu so với năm trước đó. Theo tính toán, giá trị trung bình của các thương vụ đầu tư mạo hiểm vào ngành trong năm 2016 đã tăng hơn 20 triệu USD lên mức 80,7 triệu USD.

Nhà phân tích hàng không vũ trụ Rphael Perrino dự báo vài năm tới, sẽ có hàng loạt hệ thống vệ tinh ngoài không gian sẵn sàng đi vào hoạt động. Và khi giới đầu tư nhìn thấy tiềm năng lớn của các startup không gian, cuộc đua vào vũ trụ sẽ trở nên gay cấn hơn bao giờ hết.

Theo VÂN THẢO

Cùng chuyên mục
XEM