Lập chỉ số chứng khoán mới, vẫn còn nỗi lo cũ

20/09/2011 10:33 AM |

Được kỳ vọng sẽ đại diện tốt hơn cho TTCK Việt Nam nhưng kết quả giả định với dữ liệu quá khứ cho thấy VN-30 diễn biến khá tương đồng với Vn-Index - chỉ số được coi là đang có nhiều méo mó.

Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) đang gấp rút thực hiện những bước đi cuối cùng để đưa chỉ số VN-30 vào áp dụng vào đầu năm 2012. Không được thiết kế để thay thế Vn-Index nhưng VN-30 được kỳ vọng sẽ cũng cấp cho nhà đầu tư thông tin đầy đủ, chính xác hơn về thị trường cũng như tạo tiền đề cho các sản phẩm phái sinh ra đời.

Một cách tổng quát, VN-30 vẫn sẽ được tính toán dựa trên sự biến động giá của các cổ phiếu so với kỳ gốc, với tham số là tỷ trọng niêm yết của cổ phiếu đó trên thị trường. Tuy nhiên, thay vì lấy toàn bộ các cổ phiếu đang niêm yết, Hội đồng chỉ số của HOSE chỉ chọn ra 30 mã có ảnh hưởng lớn nhất trên thị trường để tính toán. Rổ cổ phiếu này sẽ được xem xét lại định kỳ 6 tháng một lần.

Các mã có thể được tính trong rổ cổ phiếu VN-30

(Căn cứ số liệu 6 tháng từ 1/1 - 30/6/2011)

STT

Tỷ lệ chuyển nhượng tự do (%) (*)

Tỷ trọng vốn hóa (%)

1

BVH

8

3.74

2

VCB

9

3.41

3

MSN

11

7.00

4

VIC

32

15.02

5

CTG

8

3.21

6

VNM

35

11.32

7

HAG

46

6.38

8

EIB

77

8.64

9

DPM

37

3.44

10

PVF

12

1.61

11

STB

73

6.17

12

HPG

52

4.03

13

PVD

61

4.06

14

FPT

67

4.54

15

SSI

63

3.02

16

KBC

24

1.02

17

KDC

64

2.21

18

OGC

37

0.90

19

SJS

63

1.53

20

ITA

71

2.03

21

PPC

26

0.55

22

GMD

98

1.79

23

DIG

35

0.50

24

QCG

39

0.67

25

REE

85

1.32

26

CII

38

0.51

27

KDH

19

0.23

28

SBT

36

0.42

29

PGD

50

0.52

30

HQC

29

0.19

(*): Số liệu chưa chính thức của SSI, Dragon Capital
Nguồn: HSX

Bên cạnh mức vốn hóa của cổ phiếu, điểm mới trong cách tính toán VN-30 là việc chỉ xét đến số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng cũng như giới hạn mức ảnh hưởng của mỗi mã chứng khoán trong công thức tính Index ở mức 10%. Điều này sẽ giúp hạn chế tình trạng những cổ phiếu có lượng chuyển nhượng thực tế nhỏ (cổ đông Nhà nước hoặc cổ đông sáng lập nắm giữ phần lớn) nhưng ảnh hưởng lớn tới Index, hoặc hầu hết các cổ phiếu giảm giá nhưng Index vẫn tăng do tác động của một số “trụ cột”.

VN-30 cũng được xem là sản phẩm đầu tay của Sở giao dịch chứng khoán TP HCM trong quá trình xây dựng lại bộ chỉ số mới cho HOSE. Trong vòng 3 năm tới, cơ quan này dự kiến sẽ cho ra đời hàng loạt chỉ số khác như VNComposite, VN-30 Foreign, VN Core 10, VN 100… để đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa thị trường chứng khoán cũng như phục vụ nhu cầu thông tin đa dạng của nhà đầu tư.

Kỳ vọng lớn như vậy nhưng ngay trong quá trình nghiên cứu và lấy ý kiến của thị trường, dấu hỏi về khả năng khắc phục những điểm yếu hiện tại của Vn-Index đối với VN-30 cũng đã được đặt ra.

Tồn tại đầu tiên là việc lựa chọn các cổ phiếu để tính toán VN-30 vẫn dựa quá nhiều vào yếu tố vốn hóa. Mặc dù chỉ chiếm một phần mười số cổ phiếu niêm yết tại HOSE nhưng 30 cổ phiếu hàng đầu, theo dự kiến sẽ chiếm xấp xỉ 80% vốn hóa toàn thị trường. Mặc dù theo bà Nguyễn Thị Việt Hà, Giám đốc phòng Nghiên cứu phát triển của HOSE, việc lựa chọn này giúp VN-30 đại diện tốt hơn cho thị trường nhưng nó cũng khiến chỉ số này diễn biến không khác xa so Vn-Index.

“Khi chạy các dữ liệu giả định trong giai đoạn từ đầu năm 2010 đến giữa 2011, VN-30 khá tương đồng với Vn-Index. Duy nhất trong giai đoạn tháng 4-8/2010 khi 2 mã lớn là BVH và MSN biến động ngược với thị trường thì khoảng cách giữa 2 chỉ số mới được nới rộng”, bà Lê Yến Quỳnh, Giám đốc Nghiệp vụ - Quản lý danh mục của Dragon Capital, đơn vị hỗ trợ HSX xây dựng VN-30 cho biết.

Diễn biến VN-30 và Vn-Index khá tương đồng nếu căn cứ vào dữ liệu của một năm rưỡi trở lại đây. Nguồn: D.C
Diễn biến VN-30 và Vn-Index khá tương đồng nếu căn cứ vào dữ liệu của một năm rưỡi trở lại đây. Nguồn: D.C

Một vấn đề khác đặt ra là mặc dù đã bị giới hạn quyền số ở mức 10% nhưng tầm ảnh hưởng của một số cổ phiếu lớn trong công thức tính VN-30 vẫn rất lớn. Theo tính toán của Công ty chứng khoán Dầu khí (PSI), tầm ảnh hưởng của “tứ trụ” trên sàn HOSE (BVH, MSN, VIC, VNM) trong công thức tính VN-30 vẫn ở mức xấp xỉ 40%.

“Như vậy vẫn có khả năng Index tăng trong khi phần lớn cổ phiếu trên thị trường giảm giá. Như vậy, việc xây dựng một chỉ số khác ngoài Vn-Index sẽ không có nhiều ý nghĩa”, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Phân tích của PSI nhận định.

Một hệ lụy khác nảy sinh khi cơ quan xây dựng chỉ số dự kiến phát triển VN-30 thành loại hàng hóa cơ bản để phát triển các sản phẩm phái sinh như giao dịch chỉ số, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn… là việc các “đội lái” vẫn có thể làm méo chỉ số thông qua tác động vào một nhóm cổ phiếu nhất định.

Thừa nhận những thực tế nêu trên, nhưng bà Nguyễn Thị Việt Hà cho rằng: “Không một chỉ số nào có khả năng cung cấp được bức tranh thực sự đầy đủ, toàn diện cho thị trường. Đây cũng chính là lý do khiến HOSE sẽ tiếp tục xây dựng thêm nhiều chỉ số, nhằm cung cấp các nhu cầu thông tin khác nhau của nhà đầu tư”, bà Hà chia sẻ.

Riêng về những méo mó của chỉ số do tác động của một vài cổ phiếu lớn, đại diện HOSE cho rằng đây là thực tế không thể tránh khỏi trong quá trình phát triển của chứng khoán và sẽ được thị trường tự điều chỉnh trong tương lai.

Chia sẻ quan điểm với bà Hà, bà Lê Yến Quỳnh cho rằng trong điều kiện thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, chưa thể phủ nhận vai trò dẫn dắt của các cổ phiếu lớn: “Thời gian gần đây, một số tổ chức thường tách các blue-chip như BVH, MSN, VIC… ra khỏi công thức tính Vn-Index để xác định mức tăng trưởng thật của thị trường. Như vậy theo tôi là chưa thực sự chính xác và công bằng”.

“Điểm quan trọng nhất người ta tìm thấy ở VN-30 là một chỉ số có thể trở thành hàng hóa, có thể đầu tư được. Điều này sẽ giúp thị trường chứng khoán thu hút được thêm nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, những người có tiền và muốn đầu tư vào một chỉ số tổng hợp, thay vì phải tìm hiểu đến từng doanh nghiệp tại Việt Nam”, đại diện của Dragon Capital nói thêm.

Theo Nhật Minh
VnExpress

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM