Thị trường chứng khoán Mỹ sắp "ngủ đông"?

07/02/2018 19:45 PM | Kinh tế vĩ mô

Các chỉ số chứng khoán toàn cầu gần đây sụt giảm trở lại, trong đó đà bán tháo diễn ra liên tiếp trên thị trường chứng khoán Mỹ sau giai đoạn tăng mạnh gần đây.

Đạt đỉnh và bị bán tháo

Sau khi đạt đỉnh cao nhất ở mức 26.616 điểm vào ngày 26/1, chỉ số Dow Jones đã trải qua tuần giảm điểm mạnh ngay sau đó. Cụ thể, ngày 29/1 giảm 145 điểm, ngày 30/1 mở cửa tại 26.198 điểm, thấp hơn đến 241 điểm so với giá đóng cửa ngày trước đó, tạo thành khoảng chênh lệch giá lớn và trong ngày này tiếp tục giảm thêm 122 điểm.

Ngày 31/1 giảm 119 điểm, ngày 1/2 phục hồi chút ít khi tăng hơn 100 điểm, nhưng phiên ngày 2/2 lại giảm đến 666 điểm, xuống còn 25.521 điểm, tương đương mức giảm 2,54% và trở thành phiên giảm điểm mạnh nhất của Dow Jones kể từ tháng 12/2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tương tự, chỉ số S&P 500 cũng mất 59,85 điểm, tương đương 2,12%, xuống còn 2.762 điểm; chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm 144,92 điểm, tương đương 1,96%, xuống gần 7,241 điểm.

Nếu như cuộc họp của FED ngày 1/2 công bố tiếp tục giữ lãi suất cơ bản đồng USD từ 1,25 - 1,5% đã hỗ trợ cho các chỉ số chứng khoán phục hồi phần nào thì thông tin bảng lương phi nông nghiệp với 200.000 việc làm mới được tạo ra (cao hơn rất nhiều so với mức dự báo là 181.000 và của kỳ trước là 160.000) mà Bộ Lao động Mỹ công bố một ngày sau đó đã châm ngòi cho đợt bán tháo cổ phiếu.

Thị trường chứng khoán Mỹ sắp ngủ đông? - Ảnh 1.

Diễn biến chỉ số Dow Jones 10 năm qua (Nguồn: Investing.com)

Về cơ bản con số này cao và tốt hơn so với dự báo, tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, thông tin mức lương tăng cao nhất trong 8 năm qua sẽ làm lạm phát có thể tăng nhanh hơn và thúc đẩy FED sớm thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa, khiến giới đầu tư lo lắng. Lực bán trên thị trường càng trở nên mạnh mẽ khi Chủ tịch FED Dallas Robert Kaplan cho biết có thể FED sẽ cần nâng lãi suất nhiều hơn 3 lần trong năm 2018 để "hạ nhiệt" nền kinh tế.

Tổng cộng trong tuần trước, chỉ số S&P 500 đã giảm 3,9%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2016, trong khi chỉ số Nasdaq cũng rớt 3,7%, còn chỉ số Dow Jones mất gần 1.096 điểm, tương đương mức giảm 4,1%.

Trong khi đó, chỉ số đo lường trạng thái biến động (CBOE - Cboe Volatility Index) nhảy vọt 56%, lên 17,86, mức cao nhất kể từ tháng 11/2016 đến nay, cho thấy tâm lý nhà đầu tư ngày càng lo ngại.

Triển vọng

Sự sụt giảm chứng khoán trong tuần qua dường như chỉ mới là bắt đầu cho một "thị trường con gấu" đang hình thành. Biểu đồ thống kê cho thấy thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh trong 2 năm trở lại đây, bất chấp những dấu hiệu cho thấy FED thắt chặt tiền tệ.

Cụ thể, chỉ số S&P 500 tăng vọt gần 50% chỉ trong gần 2 năm qua, trong khi chỉ số Dow Jones đã tăng 2.000 điểm trong vòng 4 tuần trước đó và tăng đến 5.000 điểm kể từ tháng 9 năm ngoái - thời điểm FED tuyên bố bắt đầu thu hẹp bảng cân đối tài sản.

Phải chăng sự tăng vọt các chỉ số trong thời gian ngắn bất chấp những dữ liệu tiêu cực về thắt chặt chính sách tiền tệ được ngầm hiểu như là cú đẩy cuối cùng để thoát hàng?

Lãi suất tăng nhanh hơn sẽ làm hạn chế dòng tiền chảy vào các thị trường tài sản như chứng khoán, thậm chí còn bị rút ra. Trong khi đó, lợi suất trên thị trường trái phiếu Mỹ tăng khiến kênh đầu tư trái phiếu hấp dẫn hơn.

Thống kê gần đây cho thấy lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm vọt lên 2,845% - mức cao nhất kể từ tháng 1/2014, qua đó làm trái phiếu chính phủ trở nên hấp dẫn hơn so với cổ phiếu. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức cũng đã tăng lên mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây cùng với đà bán tháo trên thị trường cổ phiếu.

Sự sụt giảm mạnh mẽ của thị trường tiền mật mã từ nửa cuối tháng 1 đến nay đang gây ra tâm lý lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính sắp tới, nên những nhà đầu tư sợ rủi ro sẽ nhanh chóng rút vốn ra khỏi các thị trường tài sản nói chung và chứng khoán nói riêng là tất yếu.

Bitcoin - đồng tiền mạnh nhất và giá trị nhất trong các đồng tiền mật mã đã rơi từ 20.000 USD/BTC về 8.000 USD/BTC gần đây, tương ứng với mức giảm đến 60%, trong khi nhiều đồng tiền khác thậm chí giảm đến 80%.

Các gói nới lỏng định lượng của các chính phủ đã bơm một lượng lớn thanh khoản vào thị trường chứng khoán và đẩy giá các loại tài sản, nhưng đồng thời cũng làm tăng nợ công.

Viện Tài chính Quốc tế gần đây cảnh báo về nguy cơ tăng nợ của thế giới, khi đầu năm 2017 đã tăng lên mức 217.000 tỷ USD, chiếm 327% GDP toàn cầu và đến cuối quý III/2017, con số này đã đạt 233.000 tỷ đô la Mỹ. Nếu so sánh với số nợ 87.000 tỷ USD vào năm 2000 và 142.000 tỷ USD vào năm 2007 thì có thể thấy nợ công của các chính phủ đã tăng rất cao. Gần đây Chính phủ Mỹ đã phải tạm thời đóng cửa vì hết hạn gia hạn ngân sách.

Nhìn lại quá khứ, ngày 23/3/2000 đã trở thành đỉnh cao của chỉ số Nasdaq và thị trường "con bò" đã chuyển sang thị trường "con gấu". Ngày 11/10/2007 là đỉnh điểm của bong bóng tín dụng nhà đất Mỹ và cuộc suy thoái sau đó đã một lần nữa biến thị trường chứng khoán rơi vào thị trường "con gấu". Liệu ngày 26/1/2018 có trở thành đỉnh cao cuối cùng của các chỉ số chứng khoán Mỹ, sau xu hướng tăng mạnh suốt 9 năm qua?

Theo Lê Phan

Cùng chuyên mục
XEM