Thị trường chứng khoán cuối năm: Nhà đầu tư thận trọng vì... thua lỗ

08/12/2019 19:32 PM | Kinh doanh

Trong gần 1 tháng qua, chỉ số VN-Index giảm từ 1.025 điểm xuống dưới 960 điểm, mức giảm chung là hơn 6%, tài khoản của nhiều nhà đầu tư bị hao hụt gấp đôi, gấp ba. Tâm lý chung nhà đầu tư lúc này khá nản. Còn trên thị trường chứng khoán (TTCK), sự thận trọng lo lắng bao trùm bởi chưa biết giá cổ phiếu sẽ đi về đâu khi khối ngoại vẫn mạnh tay bán ròng.

Cách đây vài ngày, ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank chia sẻ thống kê, tính đến thời điểm này, chỉ khoảng 5% nhà đầu tư tại TTCK Việt Nam có lãi, 95% nhà đầu tư thua lỗ, hoặc hòa vốn.  Con số này cho thấy, hoạt động đầu tư kiếm lời ngắn hạn trên TTCK ngày càng khó khăn, thua lỗ xảy ra với những nhà đầu tư vào/ra sai thời điểm và sai mã cổ phiếu.

Thực ra, không phải khi VN-Index điều chỉnh, nhà đầu tư mới thua lỗ, mà giai đoạn cuối tháng 10, đầu tháng 11/2019, thị trường có sôi động, song không ít nhà đầu tư cũng lỗ. Giới phân  tích chỉ ra: Tình trạng này không khó hiểu, bởi VN-Index tăng điểm chủ yếu do nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn kéo lên, còn hầu hết cổ phiếu khác giảm giá. Với đợt điều chỉnh sau đó, nhiều cổ phiếu tiếp tục giảm giá, ngay cả những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu bluechip cũng chịu mất mát.

Trong 3 phiên giao dịch đầu tháng 12, TTCK có 2 phiên giảm điểm, 1 phiên  tăng  (kéo dài chuỗi giảm kể từ ngày 8/11). Nếu trong phiên 4/12, nhóm cổ phiếu bluechip là nhân tố giúp thị trường tăng vọt thì sang phiên 5/12, chính nhóm này “dìm” thị trường đi xuống. Tâm lý nhà đầu tư tỏ ra thận trọng và nghi ngờ, đã khiến giao dịch chùng lại.  Dòng tiền tham gia vẫn khá hạn chế và VN-Index khó bật cao.

Chốt phiên giao dịch sáng 6/12, sàn HOSE có 129 mã tăng và 136 mã giảm, VN-Index tăng 1,83 điểm (+0,19%), lên 965,1 điểm. Còn tại sàn HNX có 34 mã tăng và 50 mã giảm, HNX-Index tăng 0,21 điểm (+0,21%), lên 102,58 điểm. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, vùng 947-950 sẽ tiếp tục là vùng hỗ trợ tích cực giúp thị trường hồi phục trong trường hợp chỉ số giảm điểm.Ở chiều ngược lại, VN-Index cần phải vượt qua vùng kháng cự 990-995 để có thể phá vỡ xu hướng giảm điểm ngắn hạn.

Tiền ngoại có ở lại?

Theo thống kê từ Bloomberg, trong 10 năm trở lại đây, TTCK Việt Nam có 5 lần tăng và 5 lần giảm trong tháng 12, tỷ suất lợi nhuận bình quân là 0,79%. Trong 11 tháng của năm 2019, thị trường có 3 lần tăng và 8 lần giảm, tỷ suất lợi nhuận bình quân âm 2,15%.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Chiến lược và Vĩ mô, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, mặt bằng giá cổ phiếu trên TTCK Việt Nam hiện nay đã quay trở về vùng giá an toàn tương đối so với giai đoạn năm 2017 - 2018, nhất là khi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng nhờ các yếu tố vĩ mô thuận lợi. Đây là cơ sở quan trọng để nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu lên mức trung bình cao.

 Còn theo ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Tư vấn đầu tư, VNDIRECT, kết quả của VN-Index trong tháng 12 hằng năm bị chi phối bởi chu kỳ thị trường cổ phiếu.  Trong chu kỳ chứng khoán đi lên như ở giai đoạn 2004 - 2006 hay 2013 - 2017, vào tháng 12 chứng khoán thường tăng giá. Năm 2018 và 2019 là chu kỳ điều chỉnh của thị trường nên kết quả năm nay có thể giảm, như đã xảy ra trong tháng 12 năm ngoái.

 Theo ông Du, chu kỳ dòng tiền của các quỹ đầu tư lớn cũng tác động tới thị trường giai đoạn cuối năm. Hiện tại, dòng vốn quốc tế không mấy ưa chuộng tài sản nhiều rủi ro như cổ phiếu tại các thị trường mới nổi. Thay vào đó, nhà đầu tư ưa chuộng các tài sản có độ an toàn cao như trái phiếu chính phủ Mỹ, cổ phiếu của các doanh nghiệp hàng đầu ở Mỹ. Điều này có thể giải thích cho động thái nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường Việt Nam từ tháng 8/2019 đến nay để giảm tỷ trọng cổ phiếu và mua vào các tài sản phòng rủi ro.

 Thông tin đang được nhà đầu tư quan tâm là xu hướng giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài.Thống kê cho thấy, diễn biến của VN-Index có mối tương quan lớn với hoạt động mua - bán ròng của khối này.

Ở quy mô toàn cầu, báo cáo mới đây của CTCK SSI đã đem đến tin tức tích cực khi chỉ ra rằng, sau giai đoạn hàng trăm tỷ USD bị rút khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu và dịch chuyển sang quỹ trái phiếu từ cuối năm 2018 đến tháng 10/2019, thì từ cuối tháng 10 đến nay, dòng vốn đầu tư vào các quỹ cổ phiếu ghi nhận xu hướng dương trở lại.

Điều này có được nhờ các chính sách nới lỏng tiền tệ giúp tăng lượng vốn giá rẻ, chi phí thấp các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro khi phân bổ tài sản. Tại thị trường trong nước, trong những phiên giao dịch cuối tháng 11, khối ngoại mua ròng trở lại, dù giá trị chưa nhiều. Mấy ngày nay, tâm lý vừa mua vừa bán của khối này cũng đang hồi phục. 

Nhìn lại kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2019 đã đi qua, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho biết:  Tình hình chung, 80 doanh nghiệp niêm yết công bố tổng doanh thu đạt được gần 421.000 tỷ đồng trong quý 3/2019; Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 53.400 tỷ đồng, tăng 22,0% so với cùng kỳ năm trước. Riêng khối ngân hàng, dù chỉ đóng góp 20% doanh thu, nhưng chiếm tới 42,9% tổng lợi nhuận sau thuế, dẫn đầu là Vietcombank . Trong khi đó, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng (Coteccons, Hòa Bình) hay doanh nghiệp liên quan đến vật liệu xây dựng (thép) và ngành dầu khí (PVD, PVS) vẫn còn gặp khó khăn. Tuy nhiên, bức tranh doanh nghiệp niêm yết năm nay vẫn có  nhiều  điểm sáng.

Bản tin kinh tế vĩ mô cuối tháng 11/2019 do Viện Đào tạo và Nghiên cứu (BIDV) đưa ra nhận định: VN-Index giảm điểm trong tháng 11 là do các thị trường chủ chốt trên thế giới cũng giảm điểm; nhà đầu tư tỏ ra lo ngại thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc có thể không hoàn tất trong năm 2019. Trên TTCK Việt Nam, khối ngoại tiếp tục bán ròng 1.200 tỷ đồng trong tháng 11 (lũy kế từ đầu năm vẫn mua ròng khoảng 5.400 tỷ đồng).


Theo KHÁNH MINH

Từ khóa:  chứng khoán
Cùng chuyên mục
XEM