Thị dân... hạng hai

05/02/2017 16:48 PM | Xã hội

Hầu hết lao động nhập cư có công ăn việc làm ổn định đều đăng ký tạm trú nhưng họ không có được những quyền lợi như những người có hộ khẩu thường trú ở TP.

Họ sống trong những căn phòng thuê tạm bợ, chật chội, thiếu thốn tiện nghi, vệ sinh, tiền điện nước phải trả giá cao...

Sau những ngày về ăn Tết ở quê nhà, từ mọi miền đất nước, hàng triệu người lũ lượt trở lại các TP để bắt tay vào công việc khởi đầu một năm mới. Họ là những công nhân các khu công nghiệp, là những thợ xây dựng, lao động phổ thông trên các công trường, là những người buôn gánh bán bưng có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm trong TP… Bước vào năm mới, họ sẽ phải “cày” cật lực. Không chỉ cho bản thân và gia đình họ mà còn đóng góp vào sự phát triển của các đô thị… Nhưng họ vẫn bị coi là những “thị dân hạng hai”.

Sự quan trọng của những người bình thường

Nếu như nhiều công ty, nhà máy ở các khu công nghiệp Tết rồi đã phải chi một số tiền lớn thuê xe hỗ trợ công nhân về quê ăn Tết và qua năm đón họ trở lại làm việc đúng ngày thì một số công ty xây dựng từng gói thầu không thể làm như thế. Và hậu quả là sau Tết, nhiều công nhân vì nhiều lý do vào làm chậm vài ngày, công việc phải đình trệ không ít.

Giám đốc một công ty xây dựng đang thi công khu chung cư dành cho người có thu nhập thấp ở Bình Tân than trời vì đã mùng 8 Tết mà công nhân trở lại làm việc chỉ chừng một nửa. Mặc dù trước Tết công ty đã hỗ trợ một phần tiền tàu xe cho công nhân miền Trung về quê ăn Tết và thông báo sẽ khai trương làm lại vào mùng 6. Dĩ nhiên do thiếu xe vô là chính nhưng cũng có nhiều người “té nước theo Tết”, lấy lý do này để ở lại nhà thêm vài ba bữa.

Anh kỹ sư trẻ giám sát thi công công trình phụ họa: “Công trình dự kiến hoàn thành trước mùa mưa nhưng kiểu này chắc phải chạy tốc hành thôi”. Một anh công nhân vừa vào trình diện, được điều ngay lên tầng bốn đang xây dở. Tôi tranh thủ hỏi: “Đi xe chắc vất vả dữ?”, anh thợ vừa đi vừa nói: “Hết xe, gặp xe quen xin chui vào thùng chở hàng dưới gầm, còn phải trốn chui trong đống hàng khi có công an xét, ngộp thở muốn đứt hơi!”.

Đến những người tưởng là rất phụ

Đâu chỉ công nhân xây dựng các công trình trở lại công trường muộn mới làm các chủ thầu sốt vó mà ngay những người giúp việc nhà - mà nay ta hay gọi là ô sin - cũng làm các ông bà chủ nhà mệt bở hơi tai. Những ngày Tết vừa qua, nhiều gia đình ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM khá vất vả khi những người giúp việc xin về quê ăn Tết.

Nhiều người chọn giải pháp đi “du lịch trốn Tết” nhưng không phải ai cũng có điều kiện hay thích thú chuyện du xuân, bởi tốn kém và biết bao phiền toái phải chịu đựng. Nhiều gia đình phải ở lại TP đã phải gồng mình cáng đáng những việc không tên trong nhà đến “đầu bù tóc rối”. Họ mới thấy tầm quan trọng của những người giúp việc.

Đặc biệt, nhiều chủ nhà là công nhân viên chức phải đi làm từ mùng 6 nhưng nhiều chị em giúp việc còn nán lại ở dưới quê chơi thêm ít bữa cho… hết mùng mới trở lại TP làm việc. Bà trưởng phòng của tôi, chủ một căn chung cư cao cấp ở Thảo Điền, quận 2, mới đầu năm vô cơ quan thấy mặt mày bà bơ phờ. Bà than trời vì chị ô sin của bà gọi điện thoại bảo bị trúng độc thực phẩm, phải nhập viện mấy bữa, chắc qua rằm mới lên. Bà nghe tin như sét đánh ngang tai. Thế là lại phải tiếp tục gồng mình chuyện chợ búa, cơm nước, giặt giũ cho cả nhà mà ông chồng nếu có nhà còn có thể phụ giúp một tay lại phải đi công tác sớm ngoài Hà Nội…

Chỉ có những người nhập cư có trở lại TP trễ cũng chẳng sao. Đó là các bà, các cô buôn gánh bán bưng, bán hàng rong ở các quán nhậu. Nhưng mới đầu năm hàng đồng nát ve chai từ từ tính, còn nhiều quán nhậu chưa mở bán. “Tuy chẳng ảnh hưởng gì tới hòa bình thế giới nhưng cũng thấy nhớ mấy cô bán nem tré, đậu phộng vì mấy ngày Tết ăn nhậu toàn thịt chả, ngán tới cổ” - một dân nhậu ngồi ở quán bờ kè Trường Sa nói cà rỡn.

Theo P.Đ. Nguyễn Chương

Cùng chuyên mục
XEM