Thế hệ 9X thừa trí tuệ, thiếu vốn sống: Nhanh nhẹn, sáng tạo, tiếng Anh tốt nhưng khi gặp vấn đề gặp rắc rối, họ thường đổ thừa và phủi mông về sớm

09/07/2019 11:22 AM | Sống

9X - Họ, những người quả là năng động, thừa kiến thức, nhưng dường như đang thiếu một phẩm chất nào đó rất khó đặt tên…

Mẩu chuyện 1:

Trong một lần phỏng vấn tìm nhân sự cho vị trí biên tập viên, khi hỏi về nơi sinh sống của ứng viên, tôi hơi giật mình khi nghe cô bé 23 tuổi vừa tốt nghiệp đại học trả lời rằng nhà bố mẹ ở quận 7, còn bản thân cô đang ở quận 3, lâu lâu mới về thăm bố mẹ một lần. Tôi quan sát cô bé kỹ hơn một chút, như thể đang muốn kiếm tìm chứng cứ để biện minh cho cách suy nghĩ có phần chủ quan của mình, rằng chỉ những đứa trẻ nổi loạn và ngổ ngáo thường mới có xu hướng "cách ly" cha mẹ.

Thế nhưng, ánh mắt có phần xoi mói của tôi dường như không tìm thấy dấu vết khả nghi nào. Cô bé trắng trẻo, đeo kính cận, mái tóc dài mượt, đen nhánh, váy vintage kín cổng cao tường, những ngón tay thon dài, móng tay cắt ngắn. Cô bé cũng cho thấy khả năng giao tiếp tốt, ngôn ngữ mạch lạc, thuyết phục.

Thế hệ 9X thừa trí tuệ, thiếu vốn sống: Nhanh nhẹn, sáng tạo, tiếng Anh tốt nhưng khi gặp vấn đề gặp rắc rối, họ thường đổ thừa và phủi mông về sớm - Ảnh 1.

Tôi: Em ở riêng lâu chưa? Vì sao em không thích ở cùng bố mẹ? Tôi hỏi như muốn tìm ra câu trả lời ngay tắp lự cho mình.

Em: Dạ, từ năm 19 tuổi ạ, khi bắt đầu học năm thứ hai đại học. 

Tôi: Thế ba mẹ em không phản đối à? 

Em: Dạ, ban đầu ba mẹ em cũng hơi sốc, vì sợ em ra riêng sẽ hư. Nhưng em thuyết phục được ba mẹ. Em cũng thích được ở cùng ba mẹ, nhưng em muốn độc lập hơn, muốn có không gian tự do hơn. 

Tôi: Ở nhà với ba mẹ em cũng có phòng riêng chứ?

Em: Vâng, nhưng em muốn tự do hơn ạ. Nghĩa là em có thể ngủ dậy muộn, về khuya mà không bị ba mẹ la mắng. Và nếu em có tụ tập bạn bè ở nhà thuê thì cũng tự do hơn…

Tôi: Vậy sau mấy năm ở riêng, em thấy thế nào? 

Em: Em thấy thoải mái hơn ạ, và biết tiết kiệm hơn cho bản thân, độc lập hơn, trưởng thành hơn, và không còn ỷ lại ba mẹ nữa. Khi mua món đồ gì, em cũng phải tính toán kỹ hơn, vì bây giờ mình chỉ có bấy nhiêu tiền, trong khi còn phải chi tiền nhà, tiền ăn, tiền điện nước, tiền gửi xe máy các kiểu. Ngày trước ở với ba mẹ, cái gì cũng sẵn, nên em hay ỷ lại, bây giờ ra ở riêng mới thấy quý giá khoảng thời gian đó…

Tôi: Vậy mà em vẫn không muốn quay về ở chung với ba mẹ? 

Em: Ôi, lâu lâu em vẫn về thăm ba mẹ mà chị. Lâu lâu về thăm, mua quà cho ba mẹ, ăn cơm cùng họ, cảm giác ấy thật thích anh ạ…

Nhìn quanh mình, tôi cũng thấy có nhiều nhân viên trẻ tuổi hoặc khách hàng, đối tác đang chọn cách sống ấy, dù họ đang sống trong cùng một thành phố với cha mẹ. Một cách sống có vẻ hiện đại và thú vị. Hay mình lạc hậu thật?

Thế hệ 9X thừa trí tuệ, thiếu vốn sống: Nhanh nhẹn, sáng tạo, tiếng Anh tốt nhưng khi gặp vấn đề gặp rắc rối, họ thường đổ thừa và phủi mông về sớm - Ảnh 2.

Mẩu chuyện 2:

Hôm trước, nghe một bạn quản lý thuộc thế hệ 7X của một công ty than phiền về nhân viên 9X của mình:

Bạn: Các em ấy nhanh nhẹn, hoạt bát, tiếng Anh tốt, nhưng có vẻ như rất thiếu kỹ năng sống chị ạ. 

Tôi: Cụ thể là thế nào?

Bạn: Nghĩa là khá ảo tưởng về khả năng của mình. Làm gì cũng nhanh, nhưng ẩu, không nhìn trước nhìn sau, kỹ năng ứng xử với khách hàng kém. Có mỗi cái việc viết email cám ơn khách hàng mà nhắc mãi. Ai đời sau khi gặp khách hàng về, nhắc mãi mà mấy hôm sau mới viết cái thư cám ơn khách hàng, nhưng cái giọng văn thì ôi thôi, nghe lạnh lùng và trịch thượng lắm. Em góp ý thì bạn ấy biện bạch rằng "bây giờ thời đại 4.0 rồi, viết email bằng tiếng Anh là chuyện bình thường, xưng hô cho nó tiện sếp ơi. You, me là dễ nhất, chứ cứ phải thưa thưa bẩm bẩm, em không quen đâu".

Tôi: Viết email bằng tiếng Anh cũng bình thường mà? 

Bạn: Thế này, chị khách hàng là chủ một doanh nghiệp tư nhân lớn, hiện đại nhưng vẫn truyền thống. Em nghĩ, với người như vậy, một lá thư cảm ơn phải đủ tinh tế và chân thành. Nhưng email của bạn nhân viên em mở đầu bằng "Dear all…" thì chị nghĩ có hợp lý không, khi mình biết tên tuổi họ, và chỉ có mình họ trong cuộc họp. Sao không viết một câu đơn giản hơn: Chào chị Lý/Kính gửi chị Lý… Còn nếu dùng tiếng Anh, sao không viết cụ thể theo chuẩn thông thường Dear Ms. Ly… Không lẽ việc này khó thế sao? Đó là chưa kể việc gửi thư cám ơn sau cuộc gặp cũng là một nghi thức cần có trong giao tiếp với khách hàng.  

Tôi: Thì em nên chỉ dẫn cho các bạn ấy…

Bạn: Ôi, nhắc mãi đấy ạ. Chưa kể là đối với đồng nghiệp trong công ty, các bạn ấy còn không có kỹ năng giao tiếp tối thiểu ấy, dù tốt nghiệp từ các trường đại học uy tín hoặc đi du học ở nước ngoài về…

Tôi: Tức là các bạn ấy chảnh choẹ vì nghĩ mình giỏi hơn người khác?

Bạn: Một phần là vậy. Phần nữa là do thiếu kỹ năng sống, ít trải nghiệm, va vấp, nên khá chủ quan trong mọi việc, từ việc chung của công ty cho đến cách ứng nhân xử thế. 

Ví dụ, khi làm proposal cho khách hàng thì lên concept rất nhanh, ý tưởng sáng tạo, nhưng khi đi vào thực hiện, thì không lường hết mọi rủi ro, nên khi phát sinh vấn đề thì đổ thừa cho người khác và phủi đít về sớm, không chịu ở lại tìm cách giải quyết. Với cộng sự thì gần như không có giao tiếp theo kiểu xây dựng mối quan hệ. Tức là các bạn ấy chỉ chơi với một nhóm vài người giống mình, khi cần hợp tác với các nhóm khác thì chỉ quẳng email với giọng khá trịch thượng, chứ ít khi chủ động đối thoại cùng họ. 

Có một điều rất lạ là các bạn ấy có kiến thức, được tiếp cận với môi trường văn minh ở nước ngoài, nhưng một câu chào xã giao mỗi buổi sáng đến văn phòng cũng không có. Gặp ai cũng không chào hỏi, ai ốm đau cũng chẳng hỏi thăm lấy một câu, dù ngồi làm việc với nhau cả năm trời. Bọn em nhắc nhở nhưng đâu vẫn hoàn đó nên nản, nhiều khi không muốn tuyển người trẻ nữa. 

Thế hệ 9X thừa trí tuệ, thiếu vốn sống: Nhanh nhẹn, sáng tạo, tiếng Anh tốt nhưng khi gặp vấn đề gặp rắc rối, họ thường đổ thừa và phủi mông về sớm - Ảnh 3.

Mẩu chuyện 3:

Tuần trước, tôi nhận được cú điện thoại từ một cô gái trẻ 9X đang phụ trách mảng planning cho một agency của nước ngoài. Giọng cô bé chát chúa trong điện thoại:

Em: Chị có chỗ nào hay hay không, kiếm ngay cho em đi. Em điên mất ở chỗ này rồi. 

Tôi: Sao thế?

Em: Mấy bà 7, 8X chỗ em ấy. Tụm năm tụm ba buôn chuyện là giỏi, có mỗi cái proposal làm 3 tuần chưa xong. Khách hàng thì giục gấp, mà các bà ấy cứ bươi ra mãi không xong. Em cào một phát, 3 tiếng là xong mà sao phải sống chung với mấy mụ mất não ấy không biết… Riết rồi em đi hầu mấy bà ấy à? Em muốn kiếm chỗ nào năng động hơn, chuyên nghiệp hơn, chứ ngồi ở đây nhìn mấy mụ ấy tám chuyện, đi shopping, kéo từng đoàn đi thăm hết bà đẻ này đến ông nội, bà ngoại nhân viên khác ốm chắc em điên mất. 

Tôi: Từ từ đi, có gì mà nóng thế em? Thử tìm hiểu để thích nghi đi chứ chỗ nào cũng có vấn đề riêng của mình đấy em ạ…

Em: Không, điên lắm rồi. Em quẳng CV cho chị, tuần sau em nghỉ rồi. Em đi phượt để xả stress khoảng 1 tháng rồi về cày. Có chỗ nào hay thì hú em nha. 

Thế hệ 9X thừa trí tuệ, thiếu vốn sống: Nhanh nhẹn, sáng tạo, tiếng Anh tốt nhưng khi gặp vấn đề gặp rắc rối, họ thường đổ thừa và phủi mông về sớm - Ảnh 4.

Ôi, câu chuyện muôn thuở của người trẻ. Công ty hiện tại của cô gái này là nơi thứ 5 sau 2 năm làm việc…

Họ – những người quả là năng động, thừa kiến thức, nhưng dường như đang thiếu một phẩm chất nào đó rất khó đặt tên…

Thật hoang mang. 9X, bạn nghĩ sao?

(Barcoder, sohu) 

Nhật Anh

Cùng chuyên mục
XEM