The Guardian: Tạo ra một phong cách "Paris thu nhỏ", Đà Lạt đang nắm giữ một vị trí độc nhất trong văn hóa Việt Nam

09/04/2019 14:25 PM | Xã hội

Tờ báo của Anh cũng lo ngại việc lượng du khách quá đông và các dự án mở rộng khu biệt thự sẽ làm ảnh hưởng đến cảnh quan tự nhiên của Đà Lạt.

Những vết sẹo chiến tranh đã mờ dần đi. Đà Lạt đang nắm giữ một vị trí độc nhất trong văn hóa Việt Nam. Đà Lạt cao 1.500 mét so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình là 17,8 độ C, sở hữu một khu nghỉ mát với thời tiết ôn hòa quanh năm từ thời Đông Dương, nơi đây đã được mệnh danh là "thành phố mùa xuân vĩnh cửu".

Thành phố mờ sương đón 6,5 triệu lượt khách năm 2018 và được trang website du lịch Touropia.com của Mỹ xếp hạng đứng thứ 5 trong 17 thành phố là điểm đến tốt nhất Việt Nam. Trung bình, một du khách đến Đà Lạt sẽ nán lại đây trong khoảng 4 ngày.

 The Guardian: Tạo ra một phong cách Paris thu nhỏ, Đà Lạt đang nắm giữ một vị trí độc nhất trong văn hóa Việt Nam  - Ảnh 1.

Năm 1890, Đà Lạt được xây dựng bởi người Pháp, cùng với sự góp mặt của nhà vi khuẩn học – bác sĩ y khoa nổi tiếng Alexandre Yersin. Nơi đây vốn là một trạm nghiên cứu nông nghiệp, sau đó được tu sửa để trở thành một thành phố dành riêng cho tầng lớp thống trị theo phong cách châu Âu, với đầy đủ khách sạn, spa và trường nội trú.

Đà Lạt đang tạo ra một phong cách "Paris thu nhỏ" và được du khách trong và ngoài nước vô cùng ưa chuộng. Cảnh quan Đà Lạt được bao quanh bởi rừng và thác nước. Khí hậu và đất đai cũng là một điều kiện thuận lợi giúp Đà Lạt nổi tiếng với những trang trại trồng rau như bông cải xanh, măng tây và atisô,… và một loạt các loại hoa được lấy giống từ châu Âu.

Sống trong một khung cảnh thiên nhiên quanh năm tĩnh lặng, khí hậu mát lạnh, những biến động lớn về chiến tranh hầu như chỉ là tiếng vọng với người Đà Lạt. Chúng không ảnh hưởng trực tiếp và làm xáo động đời sống vốn rất đỗi êm đềm của một vùng cao nguyên hẻo lánh. Người Đà Lạt hiền lành, thật thà, sớm thích nghi để hòa nhập vào môi trường sống.

Từ những ngôi nhà với vườn rau xanh ngát đến những con đường quanh co lẩn khuất sau đồi núi, những ngôi biệt thự xinh xắn giấu mình dưới rặng thông, vẻ đẹp tự nhiên của hồ Xuân Hương ngay giữa trung tâm thành phố... tất cả đều thể hiện nét hài hòa giữa con người chân chất với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.

 The Guardian: Tạo ra một phong cách Paris thu nhỏ, Đà Lạt đang nắm giữ một vị trí độc nhất trong văn hóa Việt Nam  - Ảnh 2.

Người Đà Lạt chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa và đời sống tinh thần phương Đông, nhưng cũng sớm tiếp xúc với nền văn minh hiện đại phương Tây. Việc xử lý hài hòa các yếu tố văn hóa truyền thống và văn minh hiện đại đã hiện diện trong phong cách của người dân Đà Lạt. Từ đó, họ phát triển những thú tiêu khiển tinh thần thanh cao như thú trồng hoa, chơi cây cảnh, chơi lan... rất phong phú và đa dạng.

Người dân Đà Lạt rất biết cách tổ chức những bữa tiệc sắc màu, đặc biệt là lễ hội hoa. Lễ hội hoa được tổ chức hai năm một lần đã thu hút lượng lớn đều đặn khách du lịch kể từ 14 năm trước.

Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã từng nói: "Có quá nhiều điều để nói về thành phố này. Một thành phố dễ ở và dễ thương. Những con người hiếu khách và độ lượng. Không ai nổi giận với ai. Chỉ có nụ cười và một cách sống dễ dàng ngoạn mục hơi thoáng vẻ bohémien.

Một điều rất hay là khi hòa nhập với cuộc sống nơi này rồi thì mọi nỗi buồn tan biến. Sự tử tế giữa con người với con người làm mình tin rằng điều tốt là một cái gì có thể thực hiện được giữa cuộc đời này. Không có gì quan trọng cả và vì thế cũng không có gì đáng phải nản lòng".

Đà Lạt nổi tiếng với Biệt thự Hằng Nga, hay còn được gọi là Ngôi nhà quái dị (tên tiếng Anh: Crazy House). Ngôi nhà này được thiết kế bởi kiến trúc sư Đặng Việt Nga. Bà là con gái của cố Tổng bí thư Trường Chinh. Thuở bé, bà học trường tiểu học dành cho thiếu nhi Việt Nam tại Trung Quốc và học trung học tại Liên Xô. Bà tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Mátxcơva, sau đó từ tiếp tục trở lại học và lấy bằng tiến sĩ của Liên Xô. Năm 1983, bà rời Hà Nội đến sống tại Đà Lạt và dựng xây tòa nhà này.

Bà Nga cho biết, tòa nhà 5 tầng này thể hiện sự trân trọng của bà đối với thiên nhiên xung quanh Đà Lạt theo phong cách của kiến trúc sư Tây Ban Nha nổi tiếng Antoni Gaudí. Sau khi được xây dựng vào cuối những năm 1990, nó được điều hành bởi Nga với tư cách là một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng. Biệt thự này đã được tạp chí Trung Quốc People’s Daily bình chọn là một trong những tòa nhà kỳ lạ nhất thế giới.

Tuy nhiên, dân số Đà Lạt đang tăng nhanh hơn dự kiến và ​​sẽ tăng gấp đôi lên gần 1 triệu vào năm 2050. Với việc Việt Nam đang bùng nổ trong ngành du lịch, khả năng môi trường sinh thái cũng sẽ tăng lên rất nhiều. Việc nâng cấp cơ sở hạ tầng vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn.

Một trong những thực tế đáng buồn nhất xảy ra khi các chủ đầu tư xây những ngôi nhà trong rừng, là họ đã sử dụng axit để bão hòa rễ cây, khiến chúng chết hàng loạt. Một khi cây đã chết, họ sẽ xin cấp phép để được loại bỏ các cây đó, lấy đất xây khu nghỉ dưỡng. Thực hành này vẫn diễn ra cho tới tháng 10 năm 2017, có nguy cơ làm suy yếu nghiêm trọng vẻ đẹp tự nhiên của Đà Lạt.

Theo Thái Trang

Cùng chuyên mục
XEM