Thế giới thực hiện thu phí không dừng khác gì so với Việt Nam?

14/02/2019 09:00 AM | Kinh doanh

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đã và đang sử dụng hệ thống thu phí giao thông đường bộ tự động ETC (Electronic Toll Collection), nhưng cách thức hoạt động và mức độ hiệu quả thì cũng muôn hình vạn trạng.

Na Uy là quốc gia tiên phong trên thế giới trong việc ứng dụng ETC vào việc thu phí giao thông đường bộ. Nghiên cứu cho thấy hệ thống này cũng đã mang lại một số thành công nhất định cho Na Uy trong việc giảm chi phí nhân công và tăng doanh thu cho chủ đầu tư, nhưng không có tác động đáng kể đến việc giảm tắc nghẽn.

Điểm nổi bật của hệ thống ETC mang tên Q-FREE ở Na Uy chính là phân loại được các phương tiện tham gia giao thông và các khung giờ cao điểm để có các mức phí cho phù hợp. Xe tải trọng lớn vào giờ cao điểm phải trả mức phí cao gấp đôi thông thường, điều này góp phần làm giảm lưu lượng tham gia giao thông. Nhận dạng xe được ghi lại bằng điện tử bằng cách quét thẻ Q-FREE được gắn vào bên trong kính chắn gió phía trước.

Tuy nhiên, Na Uy cũng không áp dụng 100% hệ thống này mà vẫn duy trì cứ 6 trạm thì 1 trạm có bốt thu phí theo phương thức truyền thống. Hệ thống ETC ở đây thanh toán theo cả hai hình thức trả trước và trả sau tuy nhiên trả trước thì rẻ hơn một chút.

Phương thức thu phí này sau đó đã lan rộng ra trên toàn thế giới, nhưng mỗi quốc gia lại áp dụng theo một phương thức khác nhau tùy thuộc vào tình hình kinh tế và chính trị của quốc gia đó.

Châu Âu là nơi dịch vụ thu phí tự động phát triển mạnh mẽ nhất. Theo báo cáo Electronic Toll Collection in Europe được thực hiện bởi Hiệp hội Nhà điều hành cơ sở hạ tầng đường bộ châu Âu, hiệp hội có 20 quốc gia đang sử dụng hệ thống thu phí điện tử, với 18.500 làn ETC và 24 triệu người tham gia giao thông sử dụng. Doanh thu thuế năm 2011 của hệ thống này đã lên tới 25 tỷ EUR.

 Thế giới thực hiện thu phí không dừng khác gì so với Việt Nam?  - Ảnh 1.

Để đảm bảo sự cải cách hướng tới giá cả và chất lượng ngày càng tốt hơn của thị trường cung cấp hệ thống ETC, hầu hết các quốc gia EU duy trì thị trường cạnh tranh. Ví dụ như Pháp, để tránh sự độc quyền, chính đã áp dụng phương pháp đa nhà cung cấp, hạn chế các doanh nghiệp cung cấp hệ thống ETC từ 10-30% thị phần.

Tại châu Á, Nhật Bản áp dụng hệ thống thu phí tự động từ năm 2001. Đất nước phát triển nhờ ngành Cơ khí tự động hóa này ứng dụng ETC vào 90% quá trình thu phí đường bộ và đường hầm. Chính phủ khuyến khích người dân sử dụng ETC thay cho thanh toán phí đường bộ truyền thống bằng cách giảm phí cho các phương tiện nộp phí qua ETC, đồng thời nỗ lực giảm giá chi phí lắp đặt cho các chủ đầu tư.

 Thế giới thực hiện thu phí không dừng khác gì so với Việt Nam?  - Ảnh 2.

Cùng lúc với Nhật Bản, Hàn Quốc cho ra mắt ứng dụng thu phí đường bộ Hi-Pass năm 2001 và đến năm 2007 thì phổ biến hệ thống này trên toàn quốc. Không dừng lại ở đó, hiện tại Hàn Quốc đang trong quá trình phát triển hệ thông thu phí thông minh thế hệ mới.

Hệ thống ETC tiên tiến hơn cả chính là hệ thống có chức năng nhận dạng biển số (LPR). LPR-ETC thu thập dữ liệu đầy đủ về các phương tiện thông qua biển số mà không cần phải lắp đặt các thiết bị định vị trên phương tiện, sau đó phí sẽ trừ vào tài khoản của chủ phương tiện hoặc nghĩa vụ nộp phí sẽ được thông báo qua email. Công nghệ này đã xuất hiện tại trạm thu phí đường bộ ở một số quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu như Hoa Kỳ, Anh, Na Uy, Bồ Đào Nha,…

Đối với Việt Nam, rất nhiều nhà đầu tư còn băn khoăn về việc ứng dụng ETC vào các trạm thu phí BOT. Một điểm khác so với quốc tế là mức độ cạnh tranh của thị trường cung cấp ETC.

Hiện nay, VETC (Vietnam Electronic Toll Collection) là công ty duy nhất đang cung cấp hệ thống này nên không có được sự cạnh tranh về giá cả, đó cũng là một vấn đề quan trọng với doanh nghiệp vì nhà nước đang chủ trương yêu cầu chủ đầu tư tự lắp đặt hệ thống này. Cũng có một số ý kiến cho rằng nhà đầu tư không muốn có một bên thứ ba can thiệp vì ngại công khai minh bạch doanh thu.

Nếu kỳ vọng ETC mang lại sự minh bạch về vấn đề thu phí, không chỉ cơ quan vận hành hệ thống và nhà đầu tư, mà còn cần có cả sự tham gia của chủ phương tiện bằng cách đăng ký tài khoản thay thanh toán điện tử để có thể theo dõi doanh thu một cách chính xác thay vì trả phí bằng tiền mặt như trước đây.

Thêm vào đó, hệ thống thu phí điện tử Việt Nam mới chỉ chấp nhận hình thức thanh toán trả trước mà không có ghi nợ. Một số cá nhân và tổ chức liên quan đến vận tải tỏ ra khá lo ngại về việc phải trữ tiền trong tài khoản giao thông nhưng nếu khoản tiền đó không được sử dụng do không di chuyển trên các tuyến BOT thì không được tính lãi suất, sẽ trở thành "tiền chết".

Theo Nguyễn Thái Quỳnh Trang

Cùng chuyên mục
XEM