Thế giới Nếu: London và trận chiến hậu Brexit

28/09/2017 09:51 AM | Kinh tế vĩ mô

Sau cuộc chia tay lâm ly bi đát với Liên minh Châu Âu (EU), chính quyền London đang tìm kiếm một hướng đi mới cho nền kinh tế Anh và nhiều khả năng người dân nước này sẽ phải chịu đau đớn từ những cải cách này.

Hãy tưởng tượng bạn đang ở năm 2021 và nước Anh đã rời EU. Công cuộc đàm phán giữa Anh và EU không thực sự đem lại kết quả gì do bất đồng giữa các nước và nền chính trị Anh lầm vào rối ren do không có một đảng phái nào đủ mạnh để thuyết phục được cử tri.

Mặc dù việc ở lại EU khiến nhiều người dân Anh bất mãn nhưng ngoài những lời chỉ trích, chưa một chính trị gia nào đề ra được đường lối đúng đắn cho xứ sở sương mù. Sự tháo chạy của các tập đoàn cũng như niềm tin của cử tri đi xuống ảnh hưởng nặng đến kinh tế Anh, đẩy thị trường này ra khỏi nhóm các nước phát triển vào năm 2019.

Tại thời điểm này, cử tri Anh bắt đầu cảm thấy áp lực. Các hãng hàng không của nước này không thể hoạt động tự do trên thị trường EU do không còn là thành viên, trong khi mảng xuất khẩu lớn thứ 2 là ô tô cũng chịu 10% thuế nhập khẩu. Tồi tệ hơn, đồng Bảng Anh mất giá do không còn là nơi trú ẩn an toàn nữa.

Các ngân hàng và tổ chức tài chính tại Anh thì chuyển tới Đức hay Pháp, trong khi những dấu hiệu về một cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng rõ ràng. Trước tính hình đó, chính quyền London buộc phải có những động thái nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh như hạ thuế, đồng thời cắt giảm chi tiêu công để chống thâm hụt ngân sách.

Cựu Bộ trưởng tài chính Anh, ông George Osborne đã từng thực hiện đúng những điều trên trong khoảng 2010-2016 khi giảm chi tiêu công từ 45% GDP xuống còn 40% GDP, đồng thời hạ thuế cho các doanh nghiệp.

Quay trở lại tương lai, chính quyền London có thể sẽ mạnh tay cắt giảm thuế nhiều hơn, từ 17% xuống còn 10% với thuế doanh nghiệp và 40% xuống 25% thuế thu nhập cá nhân cho những người có thu nhập cao.

Với đồng Bảng yếu, các sản phẩm xuất khẩu của Anh sẽ được lợi hơn, đồng thời thúc đẩy những nhà đầu cơ và doanh nghiệp chuyển đến thị trường này.

Tuy nhiên, những nghiên cứu của chính phủ cho thấy việc cắt giảm thuế không hoàn toàn tỷ lệ thuận với tốc độ gia tăng việc làm và sản lượng bởi các doanh nghiệp vẫn gặp khó khi tiếp cận thị trường chính là Châu Âu. Báo cáo lạc quan nhất của chính phủ Anh cho thấy thậm chí với mức cắt giảm thuế lớn để gia tăng đầu tư thì nền kinh tế này cũng phải mất 20 năm để lấy lại được 50% những lợi ích đã mất khi rời EU.

Nói tóm lại, nền kinh tế Anh dù cố gắng ra sao cũng không còn đủ hấp dẫn như khi còn ở trong EU. Những quy định chặt chẽ về người nhập cư cũng như sự tách biệt với thị trường EU khiến các công ty gặp khó để tuyển nhân viên.

Thêm vào đó, việc cắt giảm thuế cho những người có thu nhập cao sẽ không đem lại mấy hiệu quả bởi họ chỉ chiếm 15% tổng số người nộp thuế và thay vì đem đi chi tiêu đầu tư, những người này sẽ đem tiền cất vào ngân hàng hoặc để ở nơi khác an toàn hơn.

Tồi tệ hơn, nghiên cứu của Viện Fiscal Studies cho thấy mỗi điểm phần trăm cắt giảm thuế cho người thu nhập cao tại Anh sẽ khiến nền kinh tế này mất 1 tỷ Bảng. Hơn nữa, việc rời EU khiến hàng loạt các đại gia cùng chuyển khỏi nước này để sinh sống tại các quốc gia thành viên Châu Âu.

Trong khi chương trình cắt giảm thuế không đem lại nhiều hiệu quả thì việc cắt giảm chi tiêu công lại khiến cử tri bất bình. Nghiên cứu của NHS cho thấy hàng năm nước Anh có khoảng 30.000 người thương tật và tử vong sau mỗi mùa đông và con số này có thể lên đến 60.000 người nếu chính phủ cắt giảm các chương trình trợ cấp y tế.

Ngoài ra, số liệu chính thức cũng cho thấy từ thập niên 2010, khoảng 1/3 số bác sĩ tại Anh là người nhập cư và việc siết chặt quản lý lao động nước ngoài đi kèm cắt giảm trợ cấp sẽ khiến chất lượng y tế giảm sút mạnh.

Đến tận đây, khi những hậu quả của việc rời EU bắt đầu bộc lộ rõ ràng, người dân cảm thấy bất bình thì những chính trị gia ủng hộ gia nhập EU bắt đầu trỗi dậy. Những cuộc biểu tình, những bài diễn thuyết về việc tái gia nhập EU lan tràn trên các phương tiện truyền thông và một cuộc trưng cầu dân ý nữa có thể sẽ lại được tổ chức.

*THE WORLD IF (tạm dịch: Thế giới nếu…) là chùm bài viết của tạp chí The Economist về những kịch bản có thể xảy ra trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học công nghệ… sẽ ảnh hưởng đến thế giới. Các giả định được đưa ra dựa trên chính những diễn biến của thế giới ở thời điểm hiện tại.

AB

Cùng chuyên mục
XEM