Thể dục là liều thuốc chữa ung thư: Bệnh nhân nên tập luyện thế nào là vừa phải?

23/10/2019 09:21 AM | Khoa học

Nhưng ngoài các bác sĩ, việc kê đơn tập thể dục cho bệnh nhân ung thư cũng đòi hỏi những động thái từ phía các bên liên quan. Chẳng hạn như cả bệnh nhân cũng phải nhận thức được vai trò của việc tập luyện với căn bệnh của mình. Các bác sĩ phục hồi chức năng, huấn luyện viên thể dục và chuyên gia tư vấn sức khỏe cũng phải vào cuộc.

Thể dục là một liều thuốc trị ung thư, vì vậy, các bác sĩ nên kê đơn tập thể dục cho bệnh nhân của mình. Đó là một tiếng nói đồng thuận của 40 chuyên gia đầu ngành ung thư học, đến từ 17 tổ chức uy tín trong lĩnh vực, dẫn đầu bởi Đại học Y học Thể thao Hoa Kỳ (ACSM).

Kê đơn tập thể dục nên trở thành một tiêu chuẩn chăm sóc cho tất cả các bệnh nhân ung thư, các tác giả báo cáo, dẫn đầu bởi Tiến sĩ Kathryn Schmitz thuộc Viện Ung thư Pennsylvania lập luận.

Họ đề xuất hoạt động thể chất nên được coi tương đương một chỉ dấu sinh học quan trọng. Các bác sĩ nên ghi lại hoạt động thể chất của bệnh nhân trong mỗi lần thăm khám, cẩn thận như cách họ đang theo dõi huyết áp người bệnh.

Thể dục là liều thuốc chữa ung thư: Bệnh nhân nên tập luyện thế nào là vừa phải? - Ảnh 1.

Cứ 3 bệnh nhân sống sót hoặc vượt qua ung thư thì có 1-2 người ít vận động

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 44 triệu người sống sót sau ung thư, thêm vào đó là 18,1 triệu người phải nhận chẩn đoán mới mỗi năm. Nhưng theo dữ liệu từ 3 nghiên cứu đoàn hệ lớn trên gần 13.000 người ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, tới một phần ba cho đến hai phần ba bệnh nhân sống sót hoặc vượt qua ung thư lại đang ít vận động.

Đó là một nghịch lý, bởi theo Schmitz: "Bây giờ chúng ta đang ở vào một thời điểm mà có nhiều bằng chứng cho thấy tập thể dục tốt cho bệnh ung thư hơn cả bệnh tim. Đã đến lúc chúng ta đồng thuận, đã đến lúc để thay đổi mô hình chăm sóc bệnh nhân ung thư".

Kể từ hội nghị gần nhất của ACSM cuối năm 2010, đã có hơn 2.500 nghiên cứu có kiểm soát trên các nhóm bệnh nhân ung thư ngẫu nhiên, theo dõi tác động của tập thể dục tới căn bệnh.

Các nghiên cứu này đi kèm với lời kêu gọi "tập thể dục là một loại thuốc" từ Mạng lưới Ung thư Toàn diện Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Phẫu thuật Hoa Kỳ, Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ, Hiệp hội Thể dục và Thể thao Australia (ESSA) và nhiều tổ chức khác.

Giữa bối cảnh này, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh dịch Hoa Kỳ, Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, Tổ chức Hỗ trợ Ung thư Macmillan của Anh, Hiệp hội Sinh lý học Thể dục Canada, ESSA, Hiệp hội Vật lý trị liệu Hoàng gia Hà Lan và Hiệp hội Trị liệu và Sức khỏe thể dục Đức đã cùng lên tiếng kêu gọi những thay đổi trên quy mô toàn cầu với nhận thức về tập thể dục trong ung thư.

Bắt đầu là từ phía các bác sĩ và hệ thống y tế, bản báo cáo của nhóm gợi ý một thủ tục "Đánh giá – Tư vấn – Tham khảo". Trong đó, các bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân hai câu hỏi đơn giản.

Đầu tiên là: "Trong tuần vừa qua, có bao nhiêu ngày bạn đã tập thể dục trên 30 phút, trong đó đảm bảo tim bạn đập nhanh hơn và nhịp thở của bạn gấp hơn bình thường?".

Và thứ hai là: "Trong tuần vừa qua, có bao nhiêu ngày bạn đã tập các bài tập tăng cường sức mạnh cơ bắp, chẳng hạn như nâng tạ?".

Sau đó, các bác sĩ lâm sàng phải tự hỏi bản thân mình: "Liệu bệnh nhân này có thể tự tập thể dục an toàn mà không cần đến cần đến giám sát y tế hay không?".

Nếu câu trả lời là có, bác sĩ lâm sàng nên khuyên bệnh nhân tập các bài tập thể dục hiếu khí ở cường độ vừa phải ba lần mỗi tuần, mỗi lần tối thiểu 30 phút, và các bài tập tăng cường cơ bắp hai lần một tuần, mỗi lần từ 20 đến 30 phút.

Cuối cùng, nếu có thể, bác sĩ lâm sàng nên giới thiệu những chương trình thể dục tốt nhất mà bệnh nhân có thể tham gia, họ nên tập thể dục tại nhà, tại cộng đồng, hay tập phục hồi chức năng tại bệnh viện?

Bệnh nhân ung thư khỏe mạnh nên tập các bài tập thể dục hiếu khí ở cường độ vừa phải ba lần mỗi tuần, mỗi lần tối thiểu 30 phút, và các bài tập tăng cường cơ bắp hai lần một tuần, mỗi lần từ 20 đến 30 phút.

Nhưng ngoài các bác sĩ, việc kê đơn tập thể dục cho bệnh nhân ung thư cũng đòi hỏi những động thái từ phía các bên liên quan. Chẳng hạn như cả bệnh nhân cũng phải nhận thức được vai trò của việc tập luyện với căn bệnh của mình. Các bác sĩ phục hồi chức năng, huấn luyện viên thể dục và chuyên gia tư vấn sức khỏe cũng phải vào cuộc.

Ngoài ra, Schmitz cho biết chúng ta sẽ cần đến cả những động lực lớn hơn để thúc đẩy cả thế giới quan tâm đến vấn đề thể dục trong ung thư, bao gồm cả những sự thay đổi về mặt chính sách.

Tuy nhiên, có hai điều đơn giản mà mọi bác sĩ ung thư có thể làm ngay bây giờ để khuyến khích bệnh nhân của mình tập thể dục. Một là hãy hỏi bệnh nhân về thói quen vận động, tập thể dục của họ, hai là hãy giúp họ đánh giá chúng, Schmitz nói.

Nếu chính các bác sĩ ung thư không đề cập đến việc tập thể dục, bệnh nhân sẽ cho rằng họ sẽ ổn khi ít vận động. Để giúp bệnh nhân nhận thức được sự thật ngược lại, các bác sĩ phải nói với họ về việc tập thể dục.

Toàn văn báo cáo được công bố trên tạp chí CA: A Cancer Magazine for Clinologists.

Theo ZKnight

Cùng chuyên mục
XEM