Thất nghiệp gia tăng, thực phẩm bẩn đe dọa, người Việt Nam vẫn sống lạc quan nhất nhì Châu Á

06/04/2016 10:49 AM | Sống

Với chỉ số niềm tin người tiêu đùng dạt 94,2 điểm, tăng 7,3 điểm, người Việt Nam cực kỳ lạc quan về triển vọng thị trường trong vòng 6 tháng tới, cao thứ 2 trong khu vực Châu Á/Thái Bình Dương.

MasterCard vừa công bố chỉ số người tiêu dùng tại Châu Á/TBD. Chỉ số này được tính toán dựa trên 5 nhân tố bao gồm nền kinh tế, triển vọng việc làm, triển vọng thu nhập thường xuyên, thị trường chứng khoán và chất lượng cuộc sống.

Kết quả cho thấy, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2012, người tiêu dùng tại Châu Á/TBD không còn lạc quan về tương lai ngắn hạn, chỉ số đã rớt xuống dưới mốc lạc quan 60 điểm về mức trung lập, với 12 trong số 17 quốc gia ghi nhận sự suy giảm về niềm tin.

Tuy nhiên, trái lại với tâm lý chung, Myanmar, Việt Nam và Ấn Độ lại cực kỳ lạc quan về triển vọng thị trường trong vòng 6 tháng tới.

Trong đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đạt 94.2 điểm, tăng 7.3 điểm, cao thứ 2 trong khu vực Châu Á/TBD chỉ sau Myanmar với 95.7 điểm.

Đáng chú ý, nếu chỉ số dựa vào triển vọng việc làm và chất lượng cuộc sống thì cả hai tiêu chí trên của Việt Nam đều đang ở mức báo động.

Cụ thể, theo bản tin thị trường lao động do Bộ Lao động Thương binh Xã hội công bố, tính đến quý 3 của năm 2015 cả nước có 1 triệu 130 ngàn người ở độ tuổi lao động bị thất nghiệp.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, nhóm người có trình độ cao đẳng và đại học trở lên vẫn có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất và có xu hướng tăng. Cụ thể nhóm có trình độ cao đẳng nghề tăng từ 4,76% lên 7,95%; cao đẳng chuyên nghiệp tăng từ 6,79% lên 7,93%; đại học trở lên tăng từ 4,6% lên 4,88%.

Bên cạnh đó, thực phẩm bẩn đang hiện lên như là một "kẻ thù", đe dọa trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, theo MasterCard, tại Việt Nam, tâm lý lạc quan này được hỗ trợ bởi những cải thiện lớn trên thị trường chứng khoán, tăng 17.3 điểm.

Ông Eric Schneider, Trưởng Nhóm, Khu Vực Châu Á/TBD, Bộ Phận Tư Vấn MasterCard, chia sẻ: "Sự suy giảm niềm tin người tiêu dùng tại Châu Á/TBD phản ảnh sự bất ổn tiếp tục trong môi trường kinh tế toàn cầu. Cụ thể, sự biến động trên thị trường chứng khoán gần đây đã tác động lớn đến triển vọng của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, một số quốc gia mới nổi lại đi ngược xu hướng này, cụ thể là Myanmar, Việt Nam và Ấn Độ, tất cả đều tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Vì vậy, mặc dù niềm tin tổng thể của khu vực Châu Á/TBD đã bị suy yếu và tăng trưởng chậm lại, các quốc gia trong khu vực sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu trong năm 2016.”

Theo MasterCard, từ tháng 11 đến tháng 12/2015, 8.779 người trong độ tuổi từ 18 đến 64 tại 17 quốc gia Châu Á/TBD đã được hỏi về triển vọng thị trường trong 6 tháng tới.

Chỉ số này được tính theo thang điểm từ 0 – 100, trong đó 0 là bi quan nhất, 100 là lạc quan nhất và 50 là trung lập.

Tô Mạn

Cùng chuyên mục
XEM