Thanh toán mà không cần dùng tiền mặt, nhóm ngân hàng như BIDV, Vietcombank sẽ là những người cười tươi nhất

06/01/2017 16:23 PM | Kinh doanh

Thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp các ngân hàng huy động được thêm tiền nhàn rỗi trong dân chúng, đồng thời giảm được các loại chi phí như kiểm đếm tiền, vận chuyển tiền, bảo quản tiền... Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu các ngân hàng đang tăng mạnh đầu năm 2017.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của đề án là giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông, thúc đẩy việc sử dụng thanh toán điện tử, giảm sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán giữa cá nhân, doanh nghiệp và Chính phủ.

Cụ thể, Đề án nêu rõ, mục tiêu đến cuối năm 2020 là tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Đồng thời, Đề án đặt mục tiêu thúc đẩy thanh toán điện tử, hướng tới 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm chấp nhận quẹt thẻ, cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng.

Các ngân hàng chắc chắn là những người hạnh phúc nhất với Đề án này. Giảm lưu thông tiền mặt trong nền kinh tế sẽ thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Từ chỗ tích trữ tiền mặt trong nhà, trong két để sử dụng khi đi chợ, đi siêu thị, người dân sẽ dần có thói quen để tiền vào các tài khoản ngân hàng để phục vụ thanh toán qua thẻ.

Khi đó, một mặt, tài sản của người dân được đảm bảo an toàn, và sinh lời theo thời gian. Mặt khác, các ngân hàng sẽ huy động được thêm lượng lớn tiền nhàn rỗi trong dân chúng vào hệ thống.

Với lượng tiền bổ sung này, ngân hàng có thêm nguồn lực để cho doanh nghiệp vay vốn sản xuất, lãi suất cho vay có thể giảm. Các doanh nghiệp khi vay được vốn rẻ sẽ hoạt động hiệu quả hơn.

Ngoài ra, khi người dân đã có thói quen thanh toán qua thẻ, ngân hàng sẽ giảm được lượng lớn các giao dịch tiền mặt tại quầy, giảm chi phí nhân viên, chi phí bảo quản tiền, chi phí vận chuyển tiền mặt từ nơi này sang nơi khác. Tiết kiệm chi phí hoạt động, lợi nhuận các ngân hàng sẽ còn lên cao hơn nữa.

Trên sàn chứng khoán, sau khi có thông tin về Đề án, cổ phiếu các ngân hàng từ đầu năm 2017 đến nay liên tục tăng giá, trong đó cổ phiếu của 3 ngân hàng top 1 là BIDV tăng 10,9%, VietinBank tăng 10,6%, Vietcombank tăng 6,9%. Đây cũng là 3 ngân hàng vừa được nới tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi lên mức tối đa 90%, cao hơn mức 80% của các ngân hàng khác.

Mới đây, BIDV đã bắt đầu công bố sơ bộ kết quả kinh doanh 2016, với tổng tài sản đến cuối năm là 1,007 triệu tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm 2015, tăng trưởng tín dụng 17,85%, lợi nhuận trước thuế hơn 7.500 tỷ đồng.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM