Thanh toán không dùng tiền mặt: Khi tương lai được kéo lại gần

16/10/2018 09:43 AM | Xã hội

Một cấu phần chủ chốt trong ngân hàng số - xu hướng chủ đạo hiện nay - là thanh toán số. Các NHTM Việt Nam đã nhận thức ra rằng, để chuyển đổi số thành công, các ngân hàng phải chiếm lĩnh thị trường thanh toán số.

Theo nghiên cứu của hãng tư vấn Capgemini và BNP Paribas (Pháp), chỉ 2% tổng giá trị giao dịch tại Thuỵ Điển được thực hiện bằng tiền mặt, con số này dự kiến tiếp tục giảm còn chưa đầy 0,5% vào năm 2020. Chính phủ Singapore hồi tháng 6 vừa qua đã công bố kế hoạch Digital Readiness Blueprint, đặt mục tiêu năm 2023 công dân nước này có thể thực hiện 90 - 95% giao dịch thông qua các website của Chính phủ...

Từ sự quyết liệt của nhà điều hành...


Những con số trên nếu đem ra so sánh với thực trạng Việt Nam hiện nay, quả thực có phần không phù hợp. Song trông xa để nhìn lại gần, Chính phủ Việt Nam nhiều năm qua đã có những nỗ lực đáng kể để dần đạt được mục tiêu nâng cao tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong nền kinh tế, dù thách thức và khó khăn vẫn hiện hữu. Trong nỗ lực đó có vai trò vô cùng quan trọng của NHNN.

Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) thông tin, qua thống kê trên các hệ thống thanh toán lớn thì tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và hệ thống chuyển mạch đều đạt trên 30% TTKDTM. Thanh toán qua internet tăng trưởng 81%, mobile tăng gần 70%. Năm 2017 cũng là năm thứ 3 liên tiếp tỷ lệ rút tiền mặt giảm so với năm trước, từ mức 15% xuống còn 10%.

Chỉ nhìn những con số trên cũng phần nào hình dung được bức tranh về TTKDTM thực sự đã có những tín hiệu đáng mừng. Giới chuyên gia và cả phía các TCTD đều đánh giá, hành lang pháp lý cho hoạt động TTKDTM đã được xác lập, ngày càng hoàn thiện; hệ thống văn bản từ luật, nghị định đến thông tư được ban hành, tạo sự đồng bộ để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh toán; thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong phát triển TTKDTM; tăng cường công tác quản lý thanh toán bằng tiền mặt và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.

Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Tính đến hết quý II/2018, toàn quốc có trên 18.280 ATM và trên 289.070 POS đang hoạt động (tăng tương ứng 4,2% và 7,5% so với cuối năm 2017). POS hiện đã được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn và đang mở rộng dần ra các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học. Các phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán phát triển mạnh, đa dạng, nhất là các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại ứng dụng CNTT và viễn thông.

NHNN đã nghiên cứu, xây dựng Dự thảo ban hành Tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR code trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam”, để làm cơ sở cho các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán triển khai theo một chuẩn kỹ thuật chung. “Điều này sẽ đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng dữ liệu, tránh việc lãng phí nguồn lực, thời gian, chi phí và giảm thiểu tối đa các rủi ro có thể phát sinh”, ông Dũng nhấn mạnh.

NHNN cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Chiến lược tài chính toàn diện nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tăng cường đổi mới sáng tạo trong thiết kế và phân phối sản phẩm theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của người dân và DN, đặc biệt là DNNVV, DN siêu nhỏ, dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp...

Bên cạnh đó, nhận thức được lợi ích tiềm tàng của lĩnh vực Fintech đối với việc thúc đẩy đổi mới, cạnh tranh, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và tăng cường an toàn bảo mật trong ngành Ngân hàng cũng như thúc đẩy phổ cập tài chính ở Việt Nam, NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc về lĩnh vực Fintech nhằm chủ động tiếp cận những vấn đề liên quan đến Fintech hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó có hoạt động thanh toán. Hiện có khoảng 80 DN Fintech đang hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán; 27 tổ chức đã được NHNN cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

... đến nỗ lực của các nhà băng

Một cấu phần chủ chốt trong ngân hàng số - xu hướng chủ đạo hiện nay - là thanh toán số. Các NHTM Việt Nam đã nhận thức ra rằng, để chuyển đổi số thành công, các ngân hàng phải chiếm lĩnh thị trường thanh toán số.

Không chỉ nỗ lực đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công, một số NHTM và công ty công nghệ thông tin, viễn thông tại Việt Nam đã nghiên cứu, học tập và đưa các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động, với việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, sử dụng QR code, Tokenization, thanh toán phi tiếp xúc... Đến nay đã có nhiều tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung cấp giải pháp thanh toán QR code qua thiết bị di động ra thị trường.

Dựa trên điều kiện đặc thù và những lợi thế riêng có, mỗi ngân hàng đều có những nỗ lực, giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ tài chính của người dân. Đơn cử như trường hợp Agribank, từ cuối năm 2017, ngân hàng này đã triển khai mô hình điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng có thể thực hiện nhiều nghiệp vụ như giải ngân, cho vay, thu nợ, nhận tiền gửi, chuyển tiền, mở tài khoản, phát hành thẻ... Năm 2018, điểm giao dịch lưu động được triển khai bằng ô tô chuyên dùng của Agribank tại 62 chi nhánh, phục vụ hơn 85 nghìn khách hàng ở phạm vi 198 xã.

Ông Nguyễn Việt Hải - Trưởng Ban nghiên cứu phát triển sản phẩm dịch vụ (Agribank) cho hay, với định hướng chuyển đổi từ kinh doanh chủ yếu dựa vào cấp tín dụng sang phát triển kinh doanh đa dạng về dịch vụ, ngân hàng đã đưa ra thị trường hơn 200 sản phẩm dịch vụ. Trong đó cung cấp hơn 50 sản phẩm dịch vụ mới trên các kênh phân phối hiện đại như ATM/POS/EDC, mobile banking, internet banking…

Hay với việc xây dựng, lắp đặt các phòng máy ATM+ (TPBank LiveBank), ngân hàng này đã tiên phong trong việc đưa mô hình máy TPBank LiveBank vào sử dụng trong thị trường Việt Nam. Với mô hình hoạt động 24/7 này, khách hàng có thể tự mình thực hiện các giao dịch rút/nộp tiền, đăng ký mở tài khoản và đăng ký tài khoản tiết kiệm… Sau hơn 1 năm triển khai, TPBank đã có trên 80 LiveBank trên toàn quốc với gần 740.000 lượt giao dịch thành công.

Trao đổi với phóng viên, CEO một NHTM cho rằng, cách hiệu quả nhất để người dân dần hạn chế sử dụng tiền mặt là ngân hàng phải tìm giải pháp tiếp cận bằng các phương thức thanh toán gắn liền với những nhu cầu thiết yếu hàng ngày của khách hàng. Như trung tuần tháng 9 vừa qua, VietinBank đã trở thành đối tác cung ứng giải pháp thanh toán cho GO-VIET, giúp TTKDTM của khách hàng trở nên thuận tiện hơn. Trước đó, Maritime Bank và CTCP Giải pháp Thanh toán Điện lực và Viễn thông (EC Pay) đã ký kết hợp tác toàn diện trong triển khai giải pháp thanh toán tiền điện thông qua mã QR.

Tới nay, có 50 ngân hàng đã thoả thuận phối hợp thu thuế điện tử với thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước; 26 ngân hàng thoả thuận với các công ty điện lực cung ứng dịch vụ thu hộ tiền điện trên phạm vi toàn quốc; 26 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền nước tại hơn 20 tỉnh, thành phố và 11 nhà băng triển khai phối hợp thu tiền học phí; 6 bệnh viện lớn cũng đã phối hợp triển khai dịch vụ thu hộ viện phí...

Theo Minh Khuê

Cùng chuyên mục
XEM