Thanh long Bình Thuận: Được giá người dân sắm Lexus, rớt giá thì không bù được công hái, vì sao thị trường mới là nơi quyết định?

17/04/2019 09:37 AM | Kinh doanh

Thanh long Bình Thuận là một sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cho câu chuyện "được mùa mất giá". Giá thanh long ở địa phương này có khi lên đến 30.000 đồng/kg, có khi giảm chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg. Mặc dù diễn biến giá cả khó lường, người nông dân nhiều lần thu hoạch trái đắng, nhưng không phải lúc nào cũng nghĩ đến giải pháp trợ giá vì thị trường mới là nơi quyết định.

Không thể trợ giá cho thanh long, thị trường mới là nơi quyết định chứ không phải yếu tố công nghệ cao

Trong buổi tọa đàm về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở TPHCM, ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chia sẻ rằng khi trái thanh long (nông sản trọng yếu của Bình Thuận) được mùa, giá bán có thể lên đến 30.000 đồng/kg, người dân sắm được cả xe Lexus.

Tuy nhiên, từ lúc các tỉnh bắt đầu chạy đua theo Bình Thuận, ồ ạt mở rộng diện tích trồng thanh long thì quy hoạch đã bị phá vỡ, 15.000 ha lập tức tăng đột biến lên đến 30.000 ha. Giá thanh long có thời điểm rớt thê thảm, chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg, không đủ tiền trả công cho người hái.

Một nguyên nhân nữa làm ảnh hưởng đến giá cả mặt hàng thanh long là hiện tượng thương lái Trung Quốc thu mua số lượng lớn nhưng ép giá.

Đại diện chính quyền tỉnh Bình Thuận cho rằng về nguyên tắc, cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp quá sâu vào thỏa thuận mua bán trên thị trường, các chủ thể kinh doanh nên được đối xử bình đẳng với nhau.

Bên cạnh đó, địa phương cũng không thể áp dụng chính sách trợ giá vì mặt hàng thanh long không thuộc nhóm hàng hóa chiến lược cần phải bình ổn. 

Ông Nguyễn Đức Hòa khẳng định tỉnh Bình Thuận đã áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và thắp sáng ban đêm trong quá trình trồng cây thanh long từ lâu. Tuy nhiên, thị trường mới là nơi quyết định chứ không phải yếu tố công nghệ cao.

"Mặc dù áp dụng công nghệ cao đem đến năng suất, chất lượng tốt nhưng thị trường có giới hạn của nó. Các hoạt động xuất khẩu đều phải khảo sát tình hình thị trường", ông Hòa nói.

Thanh long Bình Thuận: Được giá người dân sắm Lexus, rớt giá thì không bù được công hái, vì sao thị trường mới là nơi quyết định? - Ảnh 1.

Tỉnh Bình Thuận đã áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và thắp sáng ban đêm trong quá trình trồng cây thanh long từ lâu

Đại diện VCCI : Nếu không áp dụng công nghệ, sản xuất nông nghiệp chỉ mãi ở thị trường ngách

Nói về vấn đề ứng dụng công nghệ cao, TS Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định nếu như không áp dụng công nghệ cao thì nền sản xuất nông nghiệp mãi giậm chân ở thị trường ngách, không thể vươn ra thị trường lớn. Hiểu một cách đơn giản, áp dụng công nghệ cao thực chất là làm tăng giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp.

Công nghệ cao trả lời cho câu hỏi làm sao để mã hóa các sản phẩm nông nghiệp và theo dõi được tiêu chuẩn chất lượng. Hiện tại, theo ông Khương, chỉ có 5% các doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng VietGap (quy trình thực hành nông sản sạch tiêu chuẩn Việt Nam). Nếu không tăng tỉ lệ này lên thì không thể hội nhập trong thời gian tới.

"Một người nông dân ở ĐBSCL tiếp cận thông tin về thị trường Mỹ và châu Âu như thế nào, tìm hỗ trợ tín dụng ra sao? Thương mại điện tử có tác động hết sức mạnh mẽ, làm giảm bớt các khâu trung gian", ông Khương chia sẻ.

Đơn cử như vấn đề thanh toán, công nghệ fintech đang phát triển, hệ thống ngân hàng bắt đầu thực hiện các nền tảng số hóa để hỗ trợ nghiệp vụ tài chính, với chi phí rẻ hơn, tiện lợi hơn. 

Phương Danh

Cùng chuyên mục
XEM