Thành công của Squid Game bộc lộ điểm yếu chí mạng của các dịch vụ phim trực tuyến toàn cầu

22/03/2022 21:15 PM | Kinh doanh

Sự phổ biến của Squid Game đang cho thấy tình trạng thiếu hụt nhân lực phiên dịch và làm phụ đề phim khi các dịch vụ streaming như Netflix bùng nổ trên toàn cầu.

Tháng trước, một người nổi tiếng trong giới dịch thuật Hàn – Mỹ, Youngmi Mayer đã lên TikTok và Twitter tthan thở rằng, các phụ đề tiếng Anh cho series phim đình đám Squid Game của Netflix quá tệ. Các sắc thái quan trọng nhất đã mất đi trong bản dịch tiếng Anh. Không chỉ vậy, bản dịch tiếng Hindi và tiếng Pháp cũng bị chê bai không kém và phần thuyết minh tiếng Anh như một trò đùa.

Cho dù nhiều chuyên gia dịch thuật nói rằng những lời nhận xét này không công bằng, nó cũng cho thấy một sự thiếu hụt không ngờ đang diễn ra song hành cùng với sự bùng nổ của các dịch vụ phim trực tuyến trên toàn cầu: các nhà cung cấp dịch vụ ngôn ngữ - hay các LSP, những công ty cung cấp dịch vụ phụ đề, lồng tiếng thông qua một mạng lưới các cộng tác viên phiên dịch trên toàn cầu.

"Squid Game là một dấu hiệu khác cho thấy nhu cầu nội dung truyền thông được sản xuất ở địa phương đang vượt ra ngoài phạm vi khán giả địa phương – nội dung từ Hàn Quốc đang vươn ra bên ngoài Hàn Quốc, nội dung từ Mexico đang vượt ra ngoài Mexico." Paolo Sigismondi, giáo sư tại Đại học Nam California cho biết.

 Thành công của Squid Game bộc lộ điểm yếu chí mạng của các dịch vụ phim trực tuyến toàn cầu  - Ảnh 1.

Không có ai dịch, không có ai lồng tiếng

Trong khi series Squid Game của Netflix thu hút đến hơn 111 triệu lượt người xem trên toàn cầu, đại đa số xem bằng phụ đề được dịch từ tiếng Hàn Quốc sang 31 ngôn ngữ khác nhau cùng 13 phiên bản lồng tiếng khác. Chính các LSP đã trở thành nòng cốt cho việc đưa bộ phim Hàn Quốc này ra toàn cầu.

Nhưng trong khi các dịch vụ streaming bùng nổ trên toàn cầu, ngành công nghiệp dịch thuật này lại đang đối mặt việc thiếu hụt nhân lực cũng như không có giải pháp công nghệ tự động nào để thay thế. Nói tóm lại, cả ngành công nghiệp này đang bị đẩy tới giới hạn của mình.

David Lee, CEO của Iyuno-SDI, một trong những hãng cung cấp dịch vụ dịch phụ đề và lồng tiếng lớn nhất trong ngành cho biết: "Không có ai dịch, không có ai lồng tiếng, không ai phối trộn – cả ngành đang không đủ nguồn lực cho việc này."

Trong khi dịch vụ của Netflix đã vươn tới 130 quốc gia trên toàn cầu, các đối thủ như Disney+ và HBO Max cũng đang cạnh tranh để có được quy mô tương tự. Điều này cũng kéo theo nhu cầu tăng vọt cho dịch vụ làm phụ đề và lồng tiếng cho kho tàng phim khổng lồ của họ.

Fetner, người từng làm giám đốc tại Netflix, cho biết, đến gần đây các nhà cung cấp dịch vụ dịch thuật vẫn bắt kịp nhu cầu này, nhưng mọi thứ đang thay đổi. "Giờ đây nó đã đạt tới điểm bão hòa, miếng bọt biển không thể hút thêm nước được nữa. Mỗi ngày tôi đều nghe ai đó nói về việc họ phải từ chối công việc này như thế nào."

 Thành công của Squid Game bộc lộ điểm yếu chí mạng của các dịch vụ phim trực tuyến toàn cầu  - Ảnh 2.

Khoảng trống nguồn cung nhân lực phiên dịch không dễ lấp đầy

Đào tạo một thế hệ người phiên dịch mới cần thời gian và quan trọng hơn là tiền lương. Lee cho biết, chỉ một người trong số 50 ứng viên vượt qua được bài thi kiểm tra trình độ phiên dịch của Iyuno-SDI, công ty đang dịch cho hơn 100 ngôn ngữ với 600.000 tập phim mỗi năm.

Tiền lương thấp và chế độ đãi ngộ kém cũng khiến việc tuyển dụng được người dịch thuật chuyên nghiệp trở nên khó khăn hơn. Trong khi Netflix trả 13 USD cho mỗi phút dịch lời thoại từ tiếng Hàn sang phụ đề tiếng Anh, chỉ một phần nhỏ trong số đó đến tay người dịch thuật. Năm ngoái, nhiều hiệp hội dịch thuật ở châu Âu đã đưa Iyuno-SDI vào danh sách đen, khuyến khích thành viên không làm việc cho công ty này vì ngày càng cắt giảm tiền công cho người dịch phụ đề tự do.

Dữ liệu cho thấy, ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng nguồn cung phiên dịch, chất lượng phụ đề đã trở thành vấn đề đối với người xem tại Châu Âu. Một khảo sát gần đây của Hiệp hội Toàn cầu hóa Giải trí EGA đối với 15.000 thuê bao dịch vụ streaming ở Tây Ban Nha, Đức, Pháp và Ý, cho biết, khoảng 61% người dùng gặp vấn đề về chất lượng phụ đề và lồng tiếng. Hậu quả là 70% người khảo sát cho biết đã dừng xem các show truyền hình hoặc bộ phim nào gặp vấn đề về ngôn ngữ.

 Thành công của Squid Game bộc lộ điểm yếu chí mạng của các dịch vụ phim trực tuyến toàn cầu  - Ảnh 3.

Để đối phó với vấn đề thiếu hụt nguồn cung, trong những năm gần đây, nhiều nỗ lực nhằm tự động hóa quá trình phiên dịch đã được thực hiện nhằm đối phó với một lượng lớn nội dung mới của các dịch vụ streaming. Bản thân Lyuno-SDI cũng đầu tư vào lĩnh vực phiên dịch bằng máy học và tự động kiểm tra chất lượng, nhưng các lãnh đạo công ty cho biết, chất lượng dịch của AI hiện vẫn kém xa so với con người.

Thông thường, máy học hiện đang được sử dụng để tạo ra bản dịch nháp, sau đó người dịch sẽ kiểm tra và chỉnh sửa lại. Điều này cũng có nghĩa khả năng của AI vẫn chưa thể so sánh với nghệ thuật phiên dịch phụ đề của con người, cũng như không phải cứu cánh khẩn cấp cho tình trạng thiếu hụt hiện nay.

Không chỉ các hãng phiên dịch, các dịch vụ streaming cũng bắt đầu chú ý đến tình trạng thiếu hụt này. Để đối phó với những lời chỉ trích nhắm vào phụ đề của Squid Game, Netflix còn tìm đến Sharon Choi, người phiên dịch nổi tiếng khi làm phụ đề cho bộ phim Parasite vào năm ngoái. Tên của cô thậm chí còn xuất hiện bên cạnh bản dịch gốc cho phiên bản phụ đề tiếng Anh của Squid Game.

Theo Nguyễn Hải

Cùng chuyên mục
XEM