Thắng thầu 175 nghìn tấn gạo: Cuộc cạnh tranh "nghẹt thở"

27/07/2017 10:11 AM | Kinh tế vĩ mô

Cơ chế đấu thầu mới của Philippines sẽ tác động đến xuất khẩu gạo của Việt Nam...

Ngày 25/7/2017, tại Thủ đô Manila, Cơ quan lương thực quốc gia Philippines (NFA) đã mở gói thầu 250 ngàn tấn gạo 25% tấm. Kết quả, phía Việt Nam thắng thầu 175 ngàn tấn gạo với nhiều mức giá khác nhau. Tại lần đấu thầu này, NFA đã áp dụng phương thức đấu thầu tự do, nếu cơ chế đấu thầu mới này tiếp tục được thực hiện, tương lai sẽ có những thay đổi sâu sắc trong hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Kết thúc đấu thầu gạo Philippines lần này, có 2 vấn đề nổi lên. Một là, giá trúng thầu gạo của doanh nghiệp khá thấp so với giá trần NFA đưa ra là 451,08 USD/tấn. Hai là, phản ảnh năng lực đấu thầu quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam.

Có lợi cho nhà nhập khẩu

Việt Nam có 9 doanh nghiệp nộp đơn nhưng chỉ có 8 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia và một doanh nghiệp bỏ không tham gia, còn lại 7 doanh nghiệp thì trong đó có 4 doanh nghiệp trúng thầu.

Các doanh nghiệp trúng thầu bao gồm: Tổng công ty lương thực miền Nam 50.000 tấn, mức giá 424,45 USD/tấn; Công ty cổ phần quốc tế Gia trúng thầu 50.000 tấn với 2 mức giá (25 ngàn tấn giá 421,64 USD/tấn và 25 ngàn tấn giá 415,65 USD/tấn); Công ty cổ phần Tân Long trúng thầu 50.000 tấn, cũng có 2 mức giá (25 ngàn tấn giá 414 USD/tấn và 25 ngàn tấn giá 409 USD/tấn); Công ty Hiệp Lợi trúng thầu 25.000 tấn, giá 425,9 USD/tấn.

Tổng cộng phía Việt Nam trúng 175.000 tấn trong gói thầu 250 ngàn tấn gạo của Philippines.

Số còn lại, các Công ty Olam Internationnal Ltd. (Singapore) trúng thầu 50.000 tấn, giá 413,89 USD/tấn; Công ty Capital Cereals Co Ltd. (Thái Lan) trúng thầu 25.000 tấn, giá 431,7USD/tấn.

Ông Trương Thanh Phong, cố vấn Tập đoàn Golden Resources Development International. Ltd. H.K nhận xét, hiện nay giá gạo Việt Nam đang cao hơn giá gạo Thái Lan. Cụ thể, giá gạo 25% tấm của Việt Nam dao động từ 370 – 375 thậm chí 380/USD/tấn, gạo 5% tấm là 400 USD/tấn. Trong khi đó, gạo 25% tấm của Thái Lan giá 365 - 370 USD/tấn, gạo 5% tấm giá 390 USD/tấn.

Như vậy, giá trúng thầu của Công ty Tân Long khá thấp so với giá thị trường nên lô thầu này có khả năng lỗ, nếu không có hàng tồn kho thì mức lỗ sẽ nhiều hơn.

“Tuy có nhiều mức giá trúng thầu khác nhau nhưng nhìn chung tất cả các mức giá này đều dưới mức giá trần mà NFA đưa ra là 451,08 USD/tấn. Đây là mức giá có lợi cho bên mua”, ông Phong khẳng định.

Theo các nhà quan sát, Philippines với hình thức mở thầu tự do giúp họ mua được gạo sát giá mức thị trường, tương đương giá 370 USD/tấn (FOB). Còn các doanh nghiệp Việt Nam bán gạo với giá này tuy không cao nhưng có thể chấp nhận được, vì nếu họ cố gắng tiết kiệm các khoảng chi phí thì có thể hòa thậm chí lãi ít, nhưng được 2 điều lợi là giữ được mặt bằng giá gạo trong nước và làm cơ sở cho gói thầu tiếp theo Philippines chuẩn bị mở tới đây, dự kiến 250 ngàn tấn hoặc 500 ngàn tấn (tuỳ nhu cầu).

Cạnh tranh nghẹt thở

Những người chứng kiến cho biết, không khí tại buổi đấu thầu gạo rất căng thẳng, trong danh sách có 18 đơn vị tham gia nhưng giờ chót có 2 đơn vị rút lui, chỉ còn 16 đơn vị đấu thầu và phía Thái Lan chỉ có một công ty duy nhất trúng thầu với số lượng khá thấp. Thật ra, phía Thái Lan cũng muốn trúng thầu với số lượng lớn nên họ đưa ra giá bỏ thầu rất căng, vì hiện nay giá gạo Thái Lan đang xuống thấp so với giá gạo Việt Nam.

Lần này mở thầu này do NFA thay đổi và áp dụng cơ chế đấu tự do nên tính chất cạnh tranh của buổi đấu giá được đẩy lên rất cao, và giá trúng thầu của các doanh nghiệp cũng khá thấp so với giá trần của NFA đưa ra. Nếu trong tương lai, NFA vẫn duy trì hình thức đấu thầu này, chắc chắn sẽ có những thay đổi sâu sắc đối với cơ chế nhập khẩu gạo của Philippines cũng như cơ chế xuất khẩu gạo của Việt Nam.

“Đã rất lâu rồi, bây giờ Philippines mới quay trở lại áp dụng phương thức đấu thầu tự do, qua đó sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có dịp cọ sát nhiều hơn phương thức đấu thầu quốc tế, và dù mới tham gia đấu thầu quốc tế nhưng họ đã thể hiện khá tốt. Nếu Philippines tiếp tục mở thầu gạo quốc tế theo cơ chế này thì đương nhiên sẽ có lợi cho họ về giá mua, song đối với doanh nghiệp Việt Nam cũng có sự cọ sát tốt hơn trên đấu trường quốc tế và giá bán gạo của các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ cạnh tranh mạnh mẽ hơn”, ông Phong nhận xét.

Sáu tháng đầu năm 2016, xuất khẩu của cả nước ước đạt 2,8 triệu tấn và 1,2 tỷ USD, tăng 6,3% về lượng và tăng 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Philippines vẫn duy trì là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam (sau Trung Quốc) với 8,6% thị phần.

Cùng với 175 ngàn tấn gạo vừa trúng thầu hôm 25/7, Philippines sẽ giúp củng cố vững chắc hơn vị trí này của Việt Nam. Và với tình hình lúa gạo hiện nay, việc trúng 175 ngàn tấn gạo sẽ giúp cho thị trường lúa gạo nội địa ổn định tốt, và làm cơ sở để doanh nghiệp tiếp tục tham gia gói thầu Philippines sắp mở. Như vậy, từ nay đến cuối năm, lúa gạo Việt Nam có thể đầu ra sẽ thuận lợi hơn.

Theo Nguyễn Huyền

Cùng chuyên mục
XEM