Tham vọng hồi sinh ngành nuôi cấy ngọc trai Hong Kong của nhà khoa học 58 tuổi

09/06/2019 11:05 AM | Xã hội

Trên một chiếc bè ngoài khơi phía đông Hong Kong, cựu nhân viên ngân hàng, nhà khoa học Yan Wa-tat đang kiên trì cạy từng con hà ra khỏi 2.000 con trai – một công đoạn vất vả nhưng cần thiết trong sứ mệnh hồi sinh nghề nuôi cấy ngọc trai.

“Loài này từng rất phổ biến ở Hong Kong”, người đàn ông 58 tuổi nói.

“Chúng tôi có hơn 1.000 năm lịch sử với nghề nuôi cấy ngọc trai… nhưng do khai thác quá mức, đến giờ số lượng trai còn lại là rất ít”.

Ông Yan đang nuôi trai ngọc Akoya, loài trai được đánh giá cao trong ngành công nghiệp trang sức, hy vọng rằng nghiên cứu của ông sẽ giúp những ngư dân khác thấy được tiềm năng của loại hình kinh doanh này.

Đây là một nhiệm vụ đòi hỏi sự kiên nhẫn. Các viên ngọc trai cần khoảng một năm để hình thành, và cứ vài tuần Yan lại phải loại bỏ những con hà cạnh tranh thức ăn với đàn trai quý giá của ông.

Các kiến thức về nuôi trai ngọc từng vô cùng phổ biến trong khu vực. Xét cho cùng, dòng sông chảy qua vùng đất phía nam Trung Quốc này – một trong những khu vực đông dân nhất thế giới – được gọi là Châu Giang (dòng sông ngọc).

Tham vọng hồi sinh ngành nuôi cấy ngọc trai Hong Kong của nhà khoa học 58 tuổi - Ảnh 1.

Ảnh: AFP.


Viên ngọc trai lớn nhất thế giới, từng thuộc sở hữu của Catherine Đại đế với tên gọi “The Sleeping Lion” vì hình dáng độc đáo, được cho là có nguồn gốc từ vùng nước phía nam Trung Quốc khoảng những năm 1700 trước khi bị các thương nhân Hà Lan đưa đi.

Và Hong Kong – được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông khi còn là thuộc địa – vẫn là nhà xuất nhập khẩu ngọc trai hàng đầu thế giới, với xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD năm 2016, theo dữ liệu thương mại của Liên Hiệp Quốc.

Nhưng số ngọc trai này không được nuôi trồng tại địa phương. Đánh bắt quá mức và các đối thủ trên thị trường từ lâu đã tàn phá nghề nuôi trồng và buôn bán ngọc trai của thành phố này.

Nuôi ngọc trai là một ngành công nghiệp tương đối hiện đại, và một vài doanh nhân Hong Kong đã quyết định thử sức vào những năm 1950. Nhưng họ không cạnh tranh lại với đối thủ từ Nhật Bản, những người áp đảo về thương mại. Trang trại ngọc trai cuối cùng của thành phố đã bị đóng cửa vào năm 1981.

Tham vọng hồi sinh ngành nuôi cấy ngọc trai Hong Kong của nhà khoa học 58 tuổi - Ảnh 2.

Ảnh: AFP.


Ngọc trai và chip điện tử

Giờ đây Yan và một số ngư dân đang cố gắng thay đổi điều đó – bằng một mô hình kinh doanh nhỏ kết hợp giữa kiến thức truyền thống và công nghệ hiện đại.

Ông Yan từng làm việc trong lĩnh vực ngân hàng ở Hong Kong tới khoảng hơn 50 tuổi, khi ông quyết định muốn làm điều gì đó “thú vị hơn và có ích cho xã hội hơn”.

Ông lấy bằng tiến sĩ tại Trường Khoa học Sinh học của Đại học Hong Kong, tìm cách hồi sinh nghề nuôi ngọc trai ở thành phố, lĩnh vực ông chưa hề biết đến tới khi tình cờ đọc được trong một bài nghiên cứu.

Trong phòng thí nghiệm của ông tại Đại học Hong Kong, Yan đã nghiên cứu cách đưa chip nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) vào trong con trai, nơi ngọc trai được hình thành – mặc dù cơ chế chính xác vẫn là một bí mật.

Những con chip thuộc cùng một loại công nghệ giúp người dùng điện thoại, thẻ vận chuyển hoặc huy hiệu nhận dạng có thể ra vào một toàn nhà, hoặc thanh toán chỉ bằng cách quẹt thẻ đơn giản.

Yan quét thử một con trai và các thông số hiện lên một ứng dụng trên điện thoại thông minh của ông.

Công nghệ này có vô vàn lợi ích. Có khoảng 10-20% nhân cấy bị trai đào thải – nghĩa là viên ngọc sẽ không thể hình thành – nhưng điều này chỉ được phát hiện ra khi người ta mở vỏ trai để thu hoạch.

Dùng chip giúp người ngư dân có thể quét vỏ trai để biết liệu viên ngọc được hình thành hay chưa.

Những thông số này cũng cho phép người mua biết chính xác nguồn gốc của các viên ngọc, giúp giảm nguy cơ hàng giả, hàng kém chất lượng.

Tham vọng hồi sinh ngành nuôi cấy ngọc trai Hong Kong của nhà khoa học 58 tuổi - Ảnh 3.

Ảnh: AFP.


Mùa thu hoạch mới

Vào tháng 3, một nhóm ngư dân địa phương được truyền cảm hứng bởi dự án của Yan đã tiến hành thu hoạch ngọc trai Akoya, lần đầu tiên sau nhiều năm ở Hong Kong.

“Tôi nghĩ nghề nuôi trồng ngọc trai có triển vọng ở Hong Kong”, Leung Kam-ming, một trong những chủ thuyền nuôi trai ngọc Akoya tại vùng nông thông Sai Kung nói. “Tôi đã bắt đầu nuôi cấy ngọc trai để kiếm thêm thu nhập”.

Leung nuôi khoảng 30.000 con trai, bán mỗi viên ngọc với giá khoảng 100 HKD (17,3 USD). Những viên ngọc không đạt chuẩn trang sức sẽ được bán cùng với vỏ trai để làm bột ngọc trai cho ngành mỹ phẩm, dược phẩm Trung Quốc.

Trong khi nuôi trồng ngọc trai không còn phổ biến trong cộng đồng ngư dân Hong Kong, Leung hy vọng mùa gặt thành công của ông sẽ tạo tiền đề cho những ngư dân khác làm theo.

Và có rất nhiều chỗ cho những nông trường ngọc trai mới nơi Hong Kong đông đúc này.

Yan ước tính khoảng 90% trên tổng số 1.000 thuyền đánh cá tại vùng nước trong thành phố không được dùng đến, vì những người trẻ tuổi giờ đây không muốn theo nghề buôn bán cá.

“Nếu tôi có thể cho những ngư dân thấy họ có thể kiếm sống, đa dạng hóa nguồn thu nhập, tôi nghĩ họ sẽ có hứng thú với việc này”, ông Yan nói.

Theo Minh Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM