Thám tử tư của Jeff Bezos tin rằng có nhân vật chính phủ đã ăn trộm tin nhắn của CEO Amazon

09/02/2019 14:50 PM | Xã hội

Có thể đây chính là lý do làm rò rỉ các hình ảnh nhạy cảm của ông Bezos và bạn gái mới.

Hôm qua ông Jeff Bezos đã đăng tải công khai các email của tờ báo lá cải National Enquirer cho thấy tờ báo này đe dọa sẽ tung ra các bức ảnh nóng giữa ông Bezos với người bạn gái mới, phát thanh viên Lauren Sanchez.

Một trong những nghi vấn lớn của câu chuyện này là làm thế nào tờ National Enquirer có được các bức ảnh đó. Một khả năng rõ ràng là ai đó đã hack được điện thoại của ông Bezos – hoặc cũng có thể của Sanchez.

Nhưng trong một cuộc phỏng vấn trên MSNBC, phóng viên của tờ Washington Post, ông Manuel Roig-Franzia đã chỉ ra một khả năng khác. (Washington Post là một tờ báo thuộc sở hữu của ông Bezos). Trong khi Roig-Franzia cho biết, ông không nói chuyện trực tiếp với ông Bezos, nhưng ông đã nói chuyện với Gavin De Becker, thám tử tư huyền thoại hiện đang làm việc với CEO Amazon.

"Gavin De Becker nói rằng, ông không tin điện thoại của Jeff Bezos bị hack." Roig-Franzia cho biết. "Ông ấy nghĩ rằng có khả năng một nhân vật chính phủ đã thu giữ được tin nhắn văn bản của ông Bezos."

Tuần trước, trong khi trả lời phỏng vấn của The Daily Beast, ông De Becker cũng cho biết, ông tin rằng việc rò rỉ các hình ảnh và tin nhắn văn bản của Bezos cho báo chí có "động cơ chính trị."

Giả thuyết này còn mang lại nhiều nghi vấn hơn nữa. Câu hỏi rõ ràng nhất vào lúc này là cơ quan chính phủ nào có thể thu giữ được thông tin này. Cơ quan thực thi pháp luật và tình báo Mỹ có thể có được nội dung tin nhắn văn bản nhưng họ chỉ được làm vậy khi có sự giám sát của tòa án. Thật khó mà tin được một tòa án nào sẽ chấp nhận yêu cầu đó.

Thám tử tư của Jeff Bezos tin rằng có nhân vật chính phủ đã ăn trộm tin nhắn của CEO Amazon - Ảnh 1.

Bài đăng của ông Bezos công khai việc đe dọa và tống tiền của National Enquirer.

"Thực thể chính phủ" này cũng có thể liên quan đến một chính phủ nước ngoài. Trong bài đăng vào hôm qua, ông Bezos đã cáo buộc National Enquirer có mối quan hệ với chính phủ Saudi Arabia và rất "nhạy cảm" về thông tin đó. Ngoài ra, chính phủ Nga cũng có nghi vấn can thiệp vào thông tin liên lạc riêng của ông John Podesta, người phụ trách chiến dịch tranh cử của bà Clinton trong năm 2016.

Tuy nhiên, các chính phủ nước ngoài không được phép truy cập vào hệ thống thông tin liên lạc của Mỹ. Nếu họ giành được quyền truy cập, nhiều khả năng sẽ phải thông qua một số thủ thuật hack nào đó – như xâm nhập vào nhà cung cấp viễn thông, thay vì trực tiếp xâm nhập vào điện thoại của ông Bezos.

Trong khi đó, công ty mẹ của National Enquirer – American Media Inc – đã bác bỏ các tuyên bố của ông Bezos cho rằng, báo cáo của họ có động cơ chính trị. Công ty cho biết, họ "hành động một cách hợp pháp" khi đăng tải câu chuyện và hội đồng quản trị sẽ điều tra các tuyên bố của Bezos về việc ông bị tống tiền và đe dọa. Cho đến nay, chưa có bức ảnh nhạy cảm nào của ông Bezos được công bố.

Tham khảo Arstechnica, Business Insider


Theo NGUYỄN HẢI

Cùng chuyên mục
XEM