Thâm nhập thế giới bán hack/cheat game ở Trung Quốc: Cuộc chiến của nhà phát hành và những kẻ kiếm lời bất chính

03/06/2018 15:33 PM | Công nghệ

Những cuộc đột kích bất ngờ của cảnh sát hay biện pháp của nhà phát hành chưa thể thể đẩy lùi được làn sóng hack/cheat trong game.

Tốt nghiệp chuyên ngành khoa học máy tính, Lí dành cả đêm để bán những năng lực siêu phàm: Từ đạn đuổi cho đến nhìn xuyên tường (dân dã gọi là hackwall)... Những thứ mà chuyên gia máy tính 29 tuổi rao bán giúp các game thủ không chân chính giành chiến thắng một cách dễ dàng.

Việc kinh doanh của Lí phát triển cực mạnh, anh ta có thể kiếm từ 10.000 - 30.000 tệ mỗi tháng (khoảng 35 - hơn 100 triệu đồng) từ việc bán hack/cheat, cao hơn hẳn mức lương 8000 tệ (28 triệu đồng) Lí nhận được hàng tháng.

Hack/cheat mà Lí bán ra chủ yếu dành cho "PlayerUnknown's Battlegrounds" (PUBG), trò chơi mang nặng tính chiến đấu và sinh tồn cực kỳ hot trong năm qua lẫn thời điểm hiện tại.

Lí từ chối cung cấp tên tuổi và nghề nghiệp do các khía cạnh nhạy cảm. Lí chỉ là một trong hàng nghìn "techies" đang kiếm lời nhờ bán hack/cheat cho thị trường game Trung Quốc.

Ở quốc gia này, việc sử dung hack/cheat không hẳn là bất hợp pháp, tuy nhiên lừa đảo trong giao dịch là việc phổ biến và dĩ nhiên là nó trái với pháp luật. Game, ngành công nghiệp tương đối "vô pháp vô thiên" ở Trung Quốc, nạn lừa đảo tràn lan đến nỗi chỉ cần bất cẩn là game thủ có thể mất trắng account game hoặc hụt tiền trong tài khoản.

Thường thì, hack/cheat sẽ do một số "ông lớn" cung cấp bí mật, người dùng sẽ mua chúng trên cơ sở thuê bao với giá khoảng 50 tệ/ngày. Phần mềm hack/cheat hoạt động như một dạng ứng dụng của bên thứ ba riêng biệt, người chơi chỉ cần nhập mã đăng ký để kích hoạt rồi đăng nhập vào game. Hack/cheat giúp nhân vật có khả năng tàng hình, chạy nhanh, tay dài... Kiểu gì cũng có.

Thuyền máy trong PUBG có thể phi như bay trên mặt đất nhờ hack/cheat

Vốn là một game thủ có tiềm năng, Lí lần đầu tiên lập trình hack/cheat để tự giải trí khi còn học Đại học. Sau khi tốt nghiệp, anh chàng làm việc trong quân đội trước khi tới định cư ở Thiên Tân với ý định kết hôn sớm.

Khoảng 1 năm trước, một số bạn học của Lí kiếm được bộn tiền nhờ bán hack/cheat cho các game online. Lí cảm thấy bồn chồn vì số lương còm cõi mỗi tháng chẳng thấm vào đâu so với tiền bán hack/cheat. Vì vậy, anh kỹ sư máy tính quyết định dấn thân vào con đường này.

Ban đầu, Lí gặp khó khăn vì không tìm được khách hàng nhưng chỉ 6 tháng sau, anh chàng đã có cơ sở dữ liệu khách hàng thường xuyên - từ đàn ông, phụ nữ cho tới trẻ nhỏ, họ sẵn sàng chi tiền để giành chiến thắng trong game. Khi được hỏi liệu anh ta có cảm thấy tội lỗi vì những gì mình làm không, Li trả lời: "Nếu bạn không làm điều đó, người khác vẫn sẽ làm thôi, đúng không?"

Số người gian lận cũng như những kẻ bán hack/cheat ở Trung Quốc vẫn là một con số bí ẩn. Tuy nhiên, khảo sát gần đây của hãng bảo mật Irdeto tại 6 quốc gia cho thấy: 55% game thủ Trung Quốc thừa nhận đã sử dụng công cụ gian lận của bên thứ ba vào các trò chơi trực tuyến - tỷ lệ cao nhất trong tất cả các quốc gia trong khảo sát. Thậm chí, cao hơn Hàn Quốc đến 43%.

Vào tháng 12 vừa qua, sau khi có quá nhiều người chơi PUBG bất bình về việc có quá nhiều hack/cheat trong game. Brandan Greene, cha đẻ của PUBG, tiết lộ rằng 99% "cheater" đến từ Trung Quốc. Thậm chí, một số top-player PUBG trên Steam còn ngang nhiên quảng cáo cho dịch vụ hack/cheat ngay trong profile của họ.

Các nhà phát hành không thể mãi làm ngơ vì hack/cheat đang khiến thị trường của họ chuyển sang màu... xám. PUBG cố gắng đánh bại hack/cheat bằng cách phát hành liên tục các bản vá lỗi (patch), buộc những kẻ bán hack/cheat phải liên tục cập nhật và lợi dụng các lỗ hổng khác.

Còn Steam thì mạnh tay hơn, cấm vĩnh viễn những tài khoản liên quan đến hack/cheat hoặc bị người chơi khác tố cáo. Việc này khiến một số top-player đột nhiên bị ban dù đang live-stream PUBG. Nói chung, vẫn chưa có biện pháp nào thực sự triệt để.

Trong khi một số kiểu cheat dễ phát hiện như ô tô, thuyền bay, tay dài... Thì những trường hợp khác lại khó phát hiện và dễ gây hiểu lầm.

Theo Lê Anh Phong, chủ tịch học viện Esport Hengyi Wenhua ở Nam Kinh, một viên đạn bắn trúng mục tiêu có thể là cheat, cũng có thể do khả năng của game thủ chuyên nghiệp. Phân tích từng khung hình của replay mới có thể phát hiện ra được.

Thâm nhập thế giới bán hack/cheat game ở Trung Quốc: Cuộc chiến của nhà phát hành và những kẻ kiếm lời bất chính - Ảnh 2.

Hack dài tay để ngắm bắn vượt địa hình trong PUBG

Những vụ bắt giữ gần đây của cảnh sát đã hé lộ quy mô của ngành công nghiệp hack/cheat.

Gần đây, 15 người đàn ông ở Liên Vân Cảng, Giang Tô đã bị bắt giữ vì bán hack/cheat có chứa trojan đánh cắp dữ liệu người dùng, khiến một "khách hàng" mất trắng 30 triệu tệ trong tài khoản.

Còn tháng 4 vừa qua, một người đàn ông sống ở vùng núi hẻo lánh phía nam Phúc Kiến đã bị bắt vì tổ chức mạng lưới bán hack/cheat gồm 30.000 nhà phân phối.

Một nhân viên trong bộ phận pháp lý của Tencent cho biết, việc bán hack/cheat được coi là "phá hoại hệ thống máy tính" theo luật của Trung Quốc, có thể cấu thành tội danh nếu gây ảnh hưởng đến hoạt động của trò chơi.

Thâm nhập thế giới bán hack/cheat game ở Trung Quốc: Cuộc chiến của nhà phát hành và những kẻ kiếm lời bất chính - Ảnh 3.

Một người chơi PUBG đang bay lơ lửng trên đầu người chơi khác nhờ hack/cheat

Hack/cheat đang phá hủy trải nghiệm chơi game trên toàn thế giới, nó không đơn giản là giải trí nữa. Cảm giác thua cuộc là điều không ai muốn, tuy nhiên, dù là trong game hay đời thực, trong một số trường hợp bạn phải học cách chấp nhận rằng mình đã thua và phải tiếp tục cố gắng vào lần sau.

Theo Long J

Cùng chuyên mục
XEM