"Thái tử Lee" của Samsung đang đi vào vết xe đổ của Chủ tịch Lee Kun Hee

18/02/2017 20:27 PM | Kinh doanh

Trên con đường thừa kế tập đoàn Samsung, "thái tử" Lee Jae Yong đang gặp phải các sự cố pháp lý giống hệt người cha của mình, Chủ tịch Lee Kun Hee.

Ngày 17/2, tòa án chấp thuận yêu cầu bắt giữ ông Lee Jae Yong , người thừa kế thế hệ thứ ba của tập đoàn Samsung, với tội danh hối lộ trong bê bối tham nhũng lan rộng tại Hàn Quốc. Sự việc mang hơi hướng của vở bi kịch khi người con tham vọng đang cố gắng để xứng đáng với những gì cha mình để lại nhưng không được như ý.

Lee chính là “thái tử” của chaebol quyền lực nhất xứ sở kim chi. Gia đình của anh, thông qua mạng lưới sở hữu chéo phức tạp, kiểm soát tập đoàn Samsung, đế chế có doanh thu hơn 230 tỷ USD và hoạt động trong vô số lĩnh vực, từ tài chính, khách sạn, dược phẩm đến thời trang. Tuy nhiên, lễ đăng quang của Lee dường như đã bị gián đoạn với lệnh bắt giam mới nhất.

Ông Lee Jae Yong rời tòa án Seoul ngày 16/2. Ảnh: Bloomberg

Vị Giám đốc 48 tuổi đã dành cả cuộc đời để sẵn sàng tiếp quản Samsung từ Chủ tịch Lee Kun Hee. Ngài Lee, 75 tuổi, là người giàu nhất Hàn Quốc và là nhân vật huyền thoại, có công biến Samsung Electronics từ một nhà sản xuất đồ gia dụng chuyên bắt chước sang gã khổng lồ điện tử toàn cầu. Năm 2014, ông bị đau tim và từ đó đến nay không đóng vai trò chủ động nào trong hoạt động quản lý.

Cho đến gần đây, Lee Jae Yong, hay còn gọi là Jay Y., được xem là lựa chọn chắc chắn để kế nhiệm cha mình làm Chủ tịch. Kể từ khi gia nhập Samsung Electronics năm 2014, Lee đã kinh qua nhiều vị trí và hiện là Phó Chủ tịch công ty. Tháng 10/2016, anh trở thành thành viên thứ 9 trong ban quản trị và vạch ra lộ trình thúc đẩy Samsung Electronics vào các lĩnh vực tăng trưởng mới như phần mềm và công nghệ sinh học.

Shaun Cochran, Giám đốc nghiên cứu tại hãng môi giới CLSA (Hồng Kông”, gọi Chủ tịch Lee Kun Hee là “trái tim” của cỗ máy công nghiệp đáng kinh ngạc. “Trọng tâm của Jay Y. là hiện đại hóa cấu trúc và văn hóa trong khi bảo vệ di sản cốt lõi. Dù nó chắc chắn không hề dễ dàng, ông ấy ở vào vị tri độc nhất vô nhị để bắc cầu hai thế giới này”.

Trước các sự cố pháp lý mới nhất, Jay Y. luôn khuyến khích đổi mới tại Samsung Electronics. 3 năm qua, Samsung mua lại hàng tá doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có LoopPay, Viv Labs, Harman International nhằm tìm kiếm nguồn tăng trưởng mới. Anh cũng cố gắng tăng cường kỷ luật tài chính và bán máy bay riêng của công ty.

Lee còn là nhân tố quan trọng trong việc quản lý mối quan hệ giữa Samsung Electronics với đối thủ Apple. Dù hai bên va chạm không ít lần tại tòa án, Samsung đồng thời là nhà cung ứng lớn cho iPhone. Jay Y., người có mối quan hệ thân thiết với Steve Jobs, cũng tham dự lễ tang của nhà đồng sáng lập Apple năm 2011.

“Thảm họa” Note 7

Gần đây, uy tín của Jay Y. bị ảnh hưởng sau khi Galaxy Note 7 gặp sự cố cháy nổ, dẫn đến bị ngừng sản xuất và rút hoàn toàn khỏi thị trường năm 2016. “Thảm họa” đã khiến công ty mất hơn 6 tỷ USD.

Tuy nhiên, chúng chưa là gì so với những vết thương pháp lý hiện tại của ông. Tháng 12/2016, Lee là 1 trong 9 người đứng đầu chaebol bị nhà chức trách Hàn Quốc thẩm vấn vì liên hệ với bê bối chính trị của Tổng thống Park Geun Hye. Công tố viên tập trung vào Lee bởi hàng chục triệu USD Samsung quyên góp cho tổ chức của bạn thân bà Park. Họ cáo buộc Samsung dùng số tiền này, cùng với con ngựa trị giá 1 tỷ won, để Quỹ hưu trí quốc gia ủng hộ vụ sáp nhập gây tranh cãi giữa hai công ty con, giúp cho kế hoạch kế nhiệm của Lee.

Lee bác bỏ mọi hành vi sai trái và tháng trước, tòa án Seoul cũng bác đơn xin bắt giam từ công tố viên đặc biệt. Song, tuần này, ông bị gọi đến và thẩm vấn suốt 15 tiếng, trong khi công tố viên phát hiện thêm bằng chứng mới. Họ mở rộng tội danh chống lại Lee và tìm kiếm lệnh bắt giữ mới, đã được đồng ý vào thứ Sáu (17/2).

Nếu ông bị bắt, nó sẽ trì hoãn đáng kể đến cuộc chuyển giao lãnh đạo và giáng mạnh xuống tính hợp pháp của ông với tư cách nhà lãnh đạo tiếp theo của tập đoàn Samsung, Kim Sang Jo, Giáo sư Đại học Hansung đưa ý kiến.

Người biểu tình mang theo ảnh của hai cha con ông Lee trong cuộc biểu tình năm 2008. Ảnh: AFP

“Bộ phim” còn làm xới lên các ký ức không mấy vui vẻ của Chủ tịch Lee với công tố viên Hàn Quốc: trong quá khứ, ông chủ Samsung từng bị buộc tội trốn thuế, hối lộ cựu Tổng thống.

Ngoài khía cạnh luật pháp, câu chuyện hai cha con mang phong cách đối lập hoàn toàn: nếu Chủ tịch Lee từng gây kinh hoàng đối với cấp dưới, Jay Y. lại chinh phục được họ nhờ sự mềm mỏng, hợp tác và hiểu chuyện. Ông là sản phẩm của các trường đại học uy tín: Đại học quốc gia Seoul (Hàn Quốc), Đại học Keio (Nhật Bản) và Đại học kinh doanh Harvard (Mỹ). Ông thông thạo cả tiếng Nhật lẫn tiếng Anh.

Ban đầu, khi mới vào Samsung Electronics, ông tham dự các cuộc họp ban quản trị với tư cách người quan sát. Theo cựu thành viên ban giám đốc, tất cả mọi người trong phòng đều biết đây là một phần trong quá trình đào tạo để ông thừa kế cha mình sau này.

Phong cách đối lập

Ông Lee Jae Yong (áo đỏ) tại một hội thảo công nghệ năm 2008. Ảnh: Bloomberg

Doanh nhân người Thụy Điển Goran Malm nhận xét phong cách đối lập giữa hai cha con nhà Lee. Năm 1994, ông Malm, khi đó là CEO General Medical Systems Asia, cùng với CEO GE Jack Welch đến thăm tư dinh của Chủ tịch Lee tại Seoul với hi vọng bán được máy quét mô cho bệnh viện Samsung. Ngồi trong căn phòng trang hoàng phong cách Hàn Quốc với vô số kẻ hầu người hạ xung quanh, Chủ tịch Lee toát ra sức mạnh của mình. “Ông ấy rõ ràng là một ông chủ quyền lực”, Malm hồi tưởng. Sau cuộc họp, chúng tôi được đặt hàng và quan hệ cải thiện nhanh chóng.

Malm biết đến Jay Y. sau khi ban quản trị Samsung Electronics mời ông đến gia nhập như một giám đốc bên ngoài. Chủ tịch Lee chưa bao giờ có mặt tại các cuộc họp như vậy nhưng Jay Y. thì có, chỉ im lặng quan sát mọi thứ và dễ tiếp cận hơn rất nhiều so với cha mình.

“Anh ấy hiện đại và toàn cầu bởi sự giáo dục và kinh nghiệm. Anh lớn lên bên trong công ty và chứng kiến mọi vấn đề”.

Hiện tại, tương lai của Jay Y. không chắc chắn. Nếu bị kết tội và bỏ tù, lần đầu tiên trong hàng thập kỷ, Samsung phải cân nhắc người lãnh đạo khác. Ít nhất, anh sẽ bị thay thế tạm thời bởi một người đáng tin cậy, một giám đốc cao cấp hoặc em gái.

Tuy vậy, một số nhân vật thất sủng tại các chaebol Hàn Quốc đã có tiền lệ quay trở lại sau khi chấp hành pháp luật. Lee vẫn có thể trở về công ty sau này hoặc thậm chí điều hành từ sau song sắt, giống với lãnh đạo của Hyundai Motor hay SK Group. Chính Chủ tịch Lee cũng từng “sống sót” dù bị buộc tội hai lần nhờ ân xá của Tổng thống.

Chang Sea Jin, Giáo sư Đại học quốc gia Singapore, dự báo: “Jay Y. có thể sống sót qua cơn bão. Tuy nhiên, tai họa này sẽ làm suy yếu quyền hành lãnh đạo của ông”.

Theo Du Lam

Từ khóa:  samsung
Cùng chuyên mục
XEM