Thái Lan đã trở thành “nạn nhân” của đồng nội tệ mạnh như thế nào?

13/11/2019 19:00 PM | Xã hội

Thành công của đồng Baht khi trở thành “vịnh tránh bão” không ngờ lại biến kinh tế Thái Lan thành “nạn nhân”...

Thái Lan đang cố gắng kéo tỷ giá đồng Baht khỏi vùng đỉnh của 6 năm, khi sức mạnh của đồng nội tệ đe dọa nghiêm trọng ngành sản xuất và du lịch - hai trụ cột của nền kinh tế nước này.

Theo tờ Nikkei Asian Review, những gì đang diễn ra với Thái Lan là một câu chuyện ngược lại so với những gì mà nước này từng trải qua vào năm 1997.

Cách đây 22 năm, Thái Lan là tâm điểm của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Các dòng vốn khi đó ồ ạt chảy khỏi nước này, khiến đồng Baht bị bán tháo và rớt giá thảm hại.

Sau khủng hoảng, Thái Lan đã có không ngừng nỗ lực để cải thiện nền tài khóa nước nhà. Tỷ lệ nợ công so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Thái Lan hiện ở mức 40%, thấp hơn nhiều so với ngưỡng khoảng 60% của một số nước trong khu vực như Malaysia.

Thái Lan hiện cũng duy trì được thặng dư tài khoản vãng lai ở mức cao, nhờ đà tăng trưởng tốt của xuất khẩu và du lịch, hai lĩnh vực chiếm tương ứng 50% và 20% GDP. Dự trữ ngoại hối của Thái Lan hiện ở mức khoảng 220 tỷ USD, cao khoảng gấp đôi so với mức dự trữ của Philippines hay Indonesia.

Chính nhờ những yếu tố này mà giới đầu tư xem Baht là một "vịnh tránh bão", nhưng cũng chính bởi thành công đó của đồng Baht mà kinh tế Thái Lan gặp khó.

Ứng phó với đồng Baht mạnh, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã hạ lãi suất và nới lỏng kiểm soát vốn, nhưng các biện pháp này cho tới nay hầu như chưa phát huy tác dụng đáng kể.

Cuối phiên giao dịch ngày thứ Ba, tỷ giá đồng Baht so với USD dao động quanh ngưỡng 30,3 Baht đổi 1 USD, gần như không thay đổi so với hôm 6/11 - phiên mà Baht giảm 0,4% sau khi Ngân hàng Trung ương Thái Lan hạ lãi suất về mức thấp kỷ lục.

Kể từ ngày 8/11, việc rút vốn khỏi Thái Lan cũng trở nên dễ dàng hơn trước nhờ kiểm soát vốn được nới lỏng.

Giới phân tích tỏ ra nghi ngờ về khả năng của những biện pháp này trong việc giải tỏa sức ép tăng giá đối với Baht. Năm nay, đồng tiền này đã tăng giá 7%, mạnh hơn bất kỳ đồng tiền nào của các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á.

"Nhiều khả năng đồng Baht còn mạnh lên", chuyên gia kinh tế cấp cao Kota Hirayama thuộc SMBC Nikko Securities nhận định, nhấn mạnh thặng dư tài khoản vãng lai ở mức cao của Thái Lan.

Đồng nội tệ mạnh khiến các công ty xuất khẩu của Thái Lan suy giảm năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Ngoài ra, đồng Baht mạnh cũng khiến Thái Lan trở thành một địa chỉ du lịch đắt đỏ hơn đối với du khách nước ngoài.

Dưới sức ép của đồng nội tệ mạnh và thương chiến Mỹ-Trung, giá trị xuất khẩu 9 tháng đầu năm của Thái Lan giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan đã phải cắt giảm dự báo số du khách nước ngoài tới nước này trong năm nay về 39-39,8 triệu lượt, từ mức 40,2 triệu lượt đưa ra trước đó.

Chưa kể, các biện pháp nới lỏng có thể sẽ khiến Thái Lan bị Mỹ cáo buộc thao túng tỷ giá vào thời điểm mà chính sách tỷ giá của một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á bị Washington theo dõi sát sao.

Nếu Ngân hàng Trung ương Thái Lan hành động mạnh tay để giảm nhiệt tỷ giá, không loại trừ khả năng Mỹ sẽ tung các biện pháp trừng phạt đối với nước này như một quốc gia thao túng tiền tệ. Trong bản báo cáo một năm ra hai lần về tỷ giá hối đoái hồi tháng 5, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Singapore, Malaysia và Việt Nam vào "danh sách theo dõi".

Năm 2018, thặng dư thương mại của Thái Lan với Mỹ tăng lên mức 19 tỷ USD. Cho tới khoảng 2017, Ngân hàng Trung ương Thái Lan mới phải can thiệp để hạn chế sự tăng giá của đồng Baht. Tuy nhiên, việc Mỹ giám sát tỷ giá chặt chẽ hơn kể từ khi ông Trump lên cầm quyền khiến việc can thiệp trở thành một hành động nhiều rủi ro.

Ông Boonsithi Chokwatana, Chủ tịch tập đoàn Thái Lan Saha Group, nói rằng để nước này duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tỷ giá đồng Baht nên nằm trong khoảng 32-34 Baht đổi 1 USD. Hội đồng Thương mại Thái Lan cho rằng đồng Baht mạnh đang khiến nước này thiệt hại mỗi năm 200-300 tỷ Baht doanh thu xuất khẩu, một tổn thất lớn cho nền kinh tế.

Ở một phương diện khác, đồng Baht mạnh mang lại lợi thế cho các công ty Thái Lan mang tiền ra nước ngoài đầu tư. Tập đoàn thực phẩm Charoen Pokphand Foods (CP) của Thái Lan dự định sẽ đầu tư khoảng 30 tỷ Baht trong năm nay để mở rộng hoạt động ở nước ngoài. CP có kế hoạch nâng tỷ trọng doanh thu ở nước ngoài trong tổng doanh thu lên 75%, từ mức 72% hiện nay, trong vong 3-5 năm tới.

Theo An Huy

Cùng chuyên mục
XEM