Thách thức trong xây dựng và triển khai chiến lược kinh doanh
Trên thực tế, rất nhiều chủ doanh nghiệp đầu tư không ít thời gian, công sức, ý tưởng cũng như tiền bạc để đưa ra một chiến lược bài bản, mang tính đột phá trên thị trường. Nhưng theo thời gian, viễn cảnh ban đầu dần xám xịt trước thực tế khắc nghiệt và khó lường….
Thế nào là một bản chiến lược kinh doanh hoàn chỉnh? Và làm thế nào để lái cỗ máy DN đi đúng hướng trước “bão tố” thị trường là vấn đề gây đau đầu không ít chủ DN.
Đây cũng là chủ đề chính được thảo luận tại tọa đàm “Thiết lập và rà soát bản đồ bay” chương trình mở màn cho chuỗi sự kiện “Cất cánh thành công” do công ty CP Thương hiệu và Quản trị Thanhs chủ trì tổ chức cùng sự tham gia của các chuyên gia Nguyễn Huy Minh, Nguyễn Ngọc Hưng, Đoàn Đức Thuận, Đặng Thanh Vân, Đinh Khắc Tuấn.
Chuỗi sự kiện “Cất cánh thành công” trong năm 2018 gồm 4 toạ đàm hàng quý:
Chặng đầu tiên: Chiến lược kinh doanh và Gia cường năng lực cốt lõi là điều kiện tiên quyết.
Chặng thứ 2: Xây dựng các nguồn lực trong DN.
Chặng thứ 3: Chiến lược Thương hiệu và Truyền thông là đòn bẩy thành công.
Chặng thứ 4: Lãnh đạo và Xây dựng Văn hoá DN để phát triển bền vững.
Từ lập chiến lược tốt….
Xây dựng chiến lược kinh doanh tuy là công việc quen thuộc, nhưng vẫn luôn là bài toán khó cho mỗi DN, đặc biệt là DN SMEs.
Theo ông Huy Minh, người có nhiều năm đồng hành với DN SME trên vai trò tư vấn: “Chủ DN SME thường khởi sự kinh doanh bằng việc làm những điều mình thích, dựa trên lợi thế bẩm sinh.
Họ luôn sẵn sàng đón nhận các cơ hội mới nhưng không quyết tâm đi tới cùng, luôn khó khăn trong việc dự báo tình huống kinh doanh. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư học tập, làm chủ công cụ và form mẫu dùng cho thiết lập chiến lược, luôn nhớ phải không ngừng học hỏi, đọc nhiều, áp dụng thử và để ý quan sát các công ty cùng quy mô, họ xử lý vấn đề như thế nào, có hiệu quả không để rút kinh nghiệm.
… đến tránh “phốt” triển khai
Một bản chiến lược không chỉ là vẽ trên giấy, thực tế triển khai chiến lược kinh doanh có “muôn hình vạn trạng” những kiểu thách thức. Điển hình như vấn đề liên quan đến năng lực lãnh đạo, sự chuẩn bị cho nguồn lực và rủi ro, sự quyết tâm của lãnh đạo và đội ngũ và việc giám sát đo lường thực thi chiến lược…
Hay một câu chuyện khá thường gặp là việc đặt chỉ tiêu doanh số cho năm mới: chỉ tiêu tăng trưởng kinh doanh này đến từ đâu? Lý do gì đưa ra con số gấp 2, gấp 3 lần năm ngoái, áp xuống cho nhân viên?
Theo ông Đoàn Đức Thuận, vấn đề có thể được giải quyết nếu ngay từ khâu lập kế hoạch đã tìm hiểu chỉ số tăng trưởng đến từ đâu (từ thị trường nào, kênh nào, nhà phân phối nào, nguồn lực bổ sung…).
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, GĐ chiến lược của Thanhs đưa ra lời khuyên cho những người thực thi: “Nhân viên có thể đàm phán với sếp để tìm hiểu căn cứ áp chỉ tiêu. Trình bày rõ ràng những yêu cầu về nguồn lực (đối tác, quan hệ, tài chính,…) mình cần để thực thi”.
Hoạch định chiến lược trong thời đại 4.0 có nên làm từ 3- 5 năm?
Trước câu hỏi rằng liệu có nên xây dựng chiến lược dài hạn hay chỉ đưa ra những kế hoạch ngắn hạn, linh động, các chuyên gia đều có chung quan điểm rằng không nên chỉ chọn một trong hai mà cần kết hợp lại với nhau.
“Chủ DN nên xác định hướng đi và tầm nhìn dài hạn kèm theo đó là những mục tiêu ngắn hạn phụ thuộc theo sự biến đổi của thị trường”, ông Nguyễn Ngọc Hưng, GĐ chiến lược của Thanhs nói.
Ông Đoàn Đức Thuận bổ sung thêm: “Cần phân biệt giữa định hướng dài hạn và mục tiêu trước mắt. Chiến lược không thể cứng nhắc. Quá trình của chiến lược là liên tục chứ không phải lập ra là cứ nhất nhất theo như vậy.
Và theo ông Nguyễn Huy Minh, chiến lược là sự định hướng, chúng ta không nên linh hoạt trong chiến lược mà cần linh hoạt trong chiến thuật xử lý tình huống. “Linh động trong chiến lược là thay đổi con người bạn và điều đó là bất khả thi”.
Toạ đàm khép lại với kết luận của các chuyên gia về sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa định hướng dài hạn với những mục tiêu ngắn hạn. Thực thi chiến lược là một quá trình liên tục với vòng xoay: thiết lập - thực thi - rà soát, đánh giá điều chỉnh. Dù cho môi trường kinh doanh hay bản thân nguồn lực nội tại DN có biến động khó lường, chủ DN vẫn cần bám chắc vào định hướng dài hạn đã đề ra. Cần linh hoạt trong chiến thuật xử lý, chứ không phải chiến lược.
Bà Đặng Thanh Vân, TGĐ công ty Thương hiệu và Quản trị Thanhs đã chia sẻ kết thúc sự kiện: "Hơn 17 năm đồng hành tư vấn chiến lược thương hiệu, điều tôi trăn trở nhất là, DN SMEs vốn thiếu và yếu ở tất cả mọi nguồn lực, liệu có cách nào trợ giúp? Năm 2016, sau nhiều năm cùng nghiên cứu đúc rút kinh nghiệm, thực chiến cùng DN SMEs, công ty Thanhs đã chuẩn hoá xong bộ chiến lược và hệ thống công cụ hỗ trợ việc xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với nguồn lực của DN SMEs. Với hành trình 2018 cùng "Thanhs Airlines", chúng tôi quyết tâm cùng DN cất cánh".
Chặng thứ hai của hành trình “Cất cánh thành công”, toạ đàm “ Xây dựng nguồn lực trong DN” do công ty Thanhs tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 16/6.