Thà chơi với chân tiểu nhân còn hơn kết bạn cùng ngụy quân tử: Kẻ trước dễ dò, kẻ sau như bom nổ chậm

28/10/2019 20:16 PM | Sống

Gặp chân tiểu nhân ít ra còn biết ai hại mình, chơi với kẻ ngụy quân tử thì đến chết cũng chẳng biết kẻ thù là ai.

Trong các câu chuyện văn học từ xưa đến nay, chúng ta đã không còn xa lạ với một hình tượng nhân vật có tính chất ngụy quân tử, bên ngoài khoác áo nhân nghĩa để che đậy hết sức tinh vi tính cách ti tiện, tiểu nhân và bại hoại bên trong của mình. Những kiểu người này thường phải chịu kết cục bị nhân vật chính bóc mẽ mọi âm mưu và thủ đoạn, dẫn tới người người xa lánh.

Tuy nhiên, trong cuộc sống thực, ngụy quân tử rất dễ gặp được nhưng không phải ai cũng đủ thông minh và tài trí được sắp đặt sẵn như các nhân vật chính để phát hiện âm mưu nham hiểm xung quanh. Do đó, ngoại trừ việc hết sức cảnh giác, chúng ta bắt buộc phải quen với nguy cơ tiềm tàng của những quả bom nổ chậm xung quanh, không biết chúng sẽ gây nguy hại cho bản thân vào lúc nào.

Đó cũng là lý do mà người ta nói rằng: "Chân tiểu nhân còn hơn ngụy quân tử." Vì ai mà không có thời dại dột và thiển cận, ai mà chẳng có những dục vọng thấp hèn bất chính? Thế nhưng, người xưa cũng đã nói, "Phi tiểu nhân bất thành quân tử". Nếu có thể vượt qua giai đoạn tiểu nhân để trưởng thành và đủ bản lĩnh hơn, chúng ta mới có thể trở thành người quân tử đầy bản lĩnh.

Thà chơi với chân tiểu nhân còn hơn kết bạn cùng ngụy quân tử: Kẻ trước dễ dò, kẻ sau như bom nổ chậm  - Ảnh 1.

Những ai không đủ sức để vượt qua giai đoạn đó nhưng dám phơi bày khuyết điểm của bản thân, dám làm việc một cách quang minh chính đại cho chính mình thì được gọi là chân tiểu nhân. Còn những kẻ không những không vượt qua được mà còn tìm cách trau dồi thêm bản tính quỷ quyệt bằng một lớp mặt nạ đạo đức bên ngoài thì chính là kẻ ngụy quân tử cần hết sức cẩn trọng. Tuy ngoại hình được tô vôi đẹp đẽ là thế, nhưng bên trong lại chứa toàn những suy nghĩ ác độc và xấu xa.

Cuộc đời giống như một tuồng kịch mà mỗi người đều có vai diễn riêng cho mình. Có kẻ thích ra vẻ nhiệt tình với bất cứ ai, vừa gặp như đã quen từ lâu, tay bắt mặt mừng tâm sự đủ chuyện trên trời dưới đất. Có những kẻ trông có vẻ rất hoạt bát năng động, lạc quan tươi vui, lúc nào cũng niềm nở tươi cười nhưng sau lưng lại hoàn toàn xa cách bởi những nỗi niềm riêng.

Chúng ta sống ngày càng cảnh giác, không dám để lộ bộ mặt thật của mình cho những người xung quanh. Tuy nó cũng là một chiếc mặt nạ giả tạo nhưng sự giả tạo này chỉ để bảo vệ bản thân mà không mang tính gây hại đến những người khác.

Thế nhưng, vỏ bọc hoàn mỹ đến mấy thì cũng chỉ là vỏ bọc, luôn có ngày để lộ ra những vết nứt. Con người sống trên đời không ai có thể hoàn mỹ tuyệt vời mà không có ít nhiều khuyết điểm chẳng hay ho gì. Chính những mối quan hệ xây dựng dựa trên các khuyết điểm đó, tạo cơ hội cho các cá thể trong xã hội bổ sung tính cách cho nhau, thay đổi những khuyết điểm của nhau mới có thể tồn tại lâu dài. Khi có khuyết điểm, chúng ta mới là một con người thực thụ. Hoàn hảo đẹp đẽ đến mấy cũng chỉ là một hình tượng búp bê hư ảo mà thôi.

Thay vì tự tìm cách bóp méo tính cách và nhân sinh của mình, hãy sống chân thật và giản đơn, đủ dũng cảm để tự thừa nhận những sai lầm của mình mà chẳng ngại ngần chi. Cuộc sống càng giản đơn, tâm trí của chúng ta mới càng thanh thản và ổn định.

Tiểu nhân dù là bên trong, hay bên ngoài, thì đều không có gì đáng để tự hào và khoe khoang, vì đó đều là biểu hiện của sự ích kỷ, tham lam, của những thói hư tật xấu được nuôi dưỡng lâu ngày. Nhưng ít ra, chân tiểu nhân còn có thể sống hết mình với bản ngã, trong khi ngụy quân tử chỉ biết ôm khư khư những tư tưởng cao siêu đẹp đẽ bề ngoài, để mặc bên trong đang dần dần mục ruỗng. Đó cũng là lý do người ta cho rằng chân tiểu nhân dễ phòng, có bị hại thì cũng biết được là ai hại mình. Không giống như ngụy quân tử khó tránh, đến chết rồi cũng chẳng biết mình đã đắc tội với ai.

Theo Phương Thúy

Cùng chuyên mục
XEM