TGĐ ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông: Càng có nhiều kỹ năng thu nhập sẽ ngày càng tăng, và đây là kỹ năng quan trọng của nhân sự mà các DN đang nhắm đến

18/09/2019 16:44 PM | Kinh doanh

"Trên thị trường toàn cầu, chúng tôi đang bàn về "khả năng học hỏi" (learnability). Các doanh nghiệp nên tuyển những người có khả năng học hỏi và giúp họ liên tục học hỏi", ông Simon Matthews - Tổng Giám Đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông - chia sẻ.

Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA) không chỉ mang đến lợi ích xuất khẩu khi xóa bỏ đến 99% thuế quan, mà còn được kỳ vọng mang đến nhiều cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập cho người lao động Việt Nam, đặc biệt là các ngành sản xuất như dệt may, giày dép, đồ gỗ và thủy sản.

Tuy nhiên, cũng từ đây, EVFTA có thể sẽ đặt các doanh nghiệp trước những cạnh tranh về nguồn lao động cũng như thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng các đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn về chất lượng hàng hóa, dịch vụ của thị trường Châu Âu.

Nhân lực thời kỳ mới sẽ cần những kỹ năng gì?

Nhận xét về lực lượng lao động Việt Nam, ông Simon Matthews - Tổng Giám Đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông - cho biết Việt Nam có một lực lượng lao động dồi dào, trên 57 triệu lao động so với dân số gần 100 triệu dân. Đồng thời, lực lượng lao động Việt Nam là lực lượng trẻ.

ManpowerGroup (MAN) là tập đoàn cung cấp các giải pháp nhân sự hàng đầu thế giới, giúp các tổ chức phát triển trong thế giới việc làm thay đổi nhanh chóng bằng cách tìm kiếm, đánh giá, phát triển và quản lý nhân tài.

"Tôi cho rằng thách thức tại thời điểm này là về kỹ năng và sự phát triển kỹ năng. Đặc biệt việc ký kết EVFTA vào tháng 6 vừa qua, chắc chắn thị trường sẽ có nhu cầu rất lớn về lực lượng có kỹ năng cao. Để phát triển thị trường lao động, họ cần phải phát triển kỹ năng", ông Simon cho biết tại Hội thảo EVFTA: Cơ hội và thách thức đối với nguồn nhân lực Việt Nam mới đây.

Một trong những kỹ năng ông Simon nêu ra là "khả năng học hỏi" (learnability).

TGĐ ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông: Càng có nhiều kỹ năng thu nhập sẽ ngày càng tăng, và đây là kỹ năng quan trọng của nhân sự mà các DN đang nhắm đến - Ảnh 1.

"Các doanh nghiệp nên tuyển những người có khả năng học hỏi và giúp họ liên tục học hỏi. Ngoài ra, người ta thường tập trung nói về việc học các kỹ năng chuyên môn như IT, kỹ thuật, nhưng tôi cho rằng kỹ năng mềm quan trọng không kém, đó là các kỹ năng như: giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề…", ông Simon cho hay.

EVFTA được xem là một FTA thế hệ mới bởi một trong những nội dung là về bảo vệ các tiêu chuẩn về lao động và môi trường. Việt Nam và EU đã nhất trí về một chương trình với các cam kết tái khẳng định việc tôn trọng, thúc đẩy hiệu quả bốn tiêu chuẩn lao động cơ bản theo Tuyên bố năm 1998 của ILO (bao gồm quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động, chấm dứt lao động cưỡng bức, xóa bỏ lao động trẻ em và xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử trong lao động).

Những cam kết này yêu cầu chính phủ Việt Nam xem xét các chính sách và pháp luật lao động cũng như các thông lệ lao động tại doanh nghiệp để từ đó tiếp tục thực hiện các điều chỉnh thích hợp. Điều này mở ra đồng thời các cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp trong khi phải thay đổi để thực hiện các cam kết. Tuy nhiên, cũng bằng việc thực hiện các cam kết này, Việt Nam có cơ hội để phát triển thị trường lao động bền vững, hài hòa, mang lại lợi ích đồng thời cho cả người lao động và doanh nghiệp trong lâu dài.

EVFTA sẽ mang đến nhiều cơ hội để lực lượng lao động phát triển, nhiều công việc hơn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra tại đây là nguồn nhân lực đã có được kỹ năng phù hợp hay chưa?

"Tôi cho rằng, khả năng ngôn ngữ rất quan trọng, người lao động phải phát triển khả năng tiếng Anh, kỹ năng mềm và cả kỹ năng chuyên môn", ông Simon nói. Việc có nhiều cơ hội để phát triển lực lượng lao động lại nảy sinh vấn đề mới cho doanh nghiệp trong việc thu hút và giữ chân nhân tài.

Chiến lược 4Bs trong phát triển nhân tài

TGĐ ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông: Càng có nhiều kỹ năng thu nhập sẽ ngày càng tăng, và đây là kỹ năng quan trọng của nhân sự mà các DN đang nhắm đến - Ảnh 2.

Để có thể phát triển lên tầm cao mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển nhân tài cần là một trong những ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp tại Việt Nam.

"Để thành công, các doanh nghiệp cần vạch ra những chiến lược nhân tài phù hợp, trong đó phát triển và đào tạo nhân tài nội bộ đóng vai trò cực kỳ quan trọng để thu hút và giữ chân lực lượng lao động 4.0 trong thời đại số hiện nay", ông Simon cho biết.

Theo nghiên cứu Cuộc Cách Mạng Kỹ Năng 4.0 – Robot Cần Bạn của ManpowerGroup, vào năm 2020 khoảng 84% doanh nghiệp toàn cầu sẽ đầu tư đào tạo và nâng cấp kỹ năng cho người lao động.

Tại hội thảo, ông Simon Matthews cũng chia sẻ những gợi ý thiết thực về việc phát triển nhân tài tương lai thông qua bộ chiến lược 4Bs gồm:

- Build: Xây dựng nguồn nhân lực;

- Buy: Săn nhân tài;

- Borrow: Mở rộng nguồn nhân lực. Khi không có được nhân lực có kỹ năng chuyên môn cần thiết, doanh nghiệp cần tìm đến các nguồn nhân lực bên ngoài tổ chức của mình

- Bridge: Chuyển đổi cơ cấu nhân lực phù hợp.

TGĐ ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông: Càng có nhiều kỹ năng thu nhập sẽ ngày càng tăng, và đây là kỹ năng quan trọng của nhân sự mà các DN đang nhắm đến - Ảnh 3.

Nguồn: ManpowerGroup.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng lựa chọn phương án tăng gói phúc lợi để thu hút và giữ chân nhân tài. Đây cũng chính là lý do thu nhập của những người có kỹ năng sẽ ngày càng tăng. Tổng Giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông cũng cho rằng Việt Nam cần cải thiện năng suất lao động để có thể cạnh tranh được với các quốc gia khác.

"Tóm lại, để đối phó với tình trạng thiếu hụt nhân tài, doanh nghiệp cần những phương pháp thu hút, giữ chân, phát triển nhân tài, cung cấp các mô hình lao động mới, đồng thời tìm kiếm nhân tài từ những nguồn nhân lực chưa được khai thác tại Việt Nam. Tôi thấy GDP Việt Nam tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây, và đây là tín hiệu cho thấy Việt Nam đang là thị trường phát triển mạnh tại Châu Á", ông Simon nhìn nhận.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM