img
Tết của người lớn là... - Ảnh 1.

ôi vẫn nhớ một trong những ký ức rực rỡ nhất của mình về ngày Tết. Buổi chiều mùng 1, bao giờ tôi và đám anh em họ cũng cùng nhau đi dạo một vòng các con phố nhỏ quanh nhà bà nội. Phố xá rất vắng, trời thì lạnh và lúc nào cũng ảm đạm một màu ghi xám. Lác đác những gia đình đi chúc Tết bước ra từ những căn nhà nhỏ ven đường. Thỉnh thoảng, một tiếng pháo giấy nổ giòn giã kéo theo những xác giấy bóng kính lấp lánh rơi xuống mặt đường. Tiếng nhạc Happy New Year văng vẳng từ đài cát xét trên ban công một ngôi nhà trong phố cổ. Tết lúc ấy rất đơn giản, rất bình yên. Đôi khi chỉ mùi quần áo mới cũng làm một đứa trẻ thấy phấn khích.

Cho đến sau này, tôi vẫn không tìm lại được cảm giác hân hoan như thế vào ngày Tết nữa. Sát Tết, văng vẳng xung quanh chỉ luôn nghe: “Chán thế, lại sắp Tết rồi” hay “Mong Tết qua mau mau cho đỡ mệt”, chứ tuyệt nhiên chẳng có chút mong chờ, háo hức nào. Cùng lắm chỉ là tiếng thở dài: “Năm nay, chẳng có không khí Tết mấy”.

Tôi cứ mơ hồ nhận ra, hình như càng lớn, người ta càng chờ đợi đến Tết chỉ để được nghỉ dài, chứ không phải để tận hưởng những cảm giác ấm áp ngày xưa nữa. Tết của người lớn không đơn thuần là những lấp lánh vui tươi, Tết là tiền nong, là đong đếm. Người lớn sợ Tết, người lớn chỉ muốn Tết qua thật chóng cho đỡ nặng đầu.

Tết của người lớn là... - Ảnh 3.

Chẳng ở đâu xa, chỉ cần nhìn quanh khu nhà tôi, cũng có được cho mình những câu chuyện về nỗi lo âu của người lớn về ngày Tết. Đi một vòng nghe chuyện, cũng tự dưng thấy buồn hết cả lòng.

Có một gia đình lao động khá nghèo. Ông chú làm thợ xây, vợ thì bán hàng bún ở đầu ngõ, có hai đứa con nhỏ đều đi học. Nhà chỉ khoảng 10m2 và thêm cái gác xép. Tết là lúc 2 vợ chồng “áp lực” nhất. Vừa lo tiền trả mấy món nợ lắt nhắt trong năm. Vừa lo phải sắm Tết. Mà đồ Tết thì không có rẻ. Con gà, đĩa xôi, khoanh giò với nồi măng, bộ đồ cúng Giao thừa, ít bánh mứt hay cành hoa nếu tằn tiện mua cũng đã mất gần một triệu. Có hôm, cô thở dài nói với tôi: “Tết nhất tiêu tiền cứ vèo vèo. Cố mãi mới tiết kiệm được một tí, đi mua tí đồ đã gần hết rồi. Chỉ mong còn dư ra ít ít, đủ tiền mua cho 2 đứa cái áo mới mặc đi diện Tết, không cũng khổ thân”.

Chị hàng xóm nhà tôi đón Tết từ trước Tết hẳn… 1 tháng. Mỗi ngày tay xách nách mang hàng chục lượt túi to túi nhỏ. Phải về chỗ này lấy gà, phải mua giò ở chỗ kia, rồi rau thịt cá và cả gạo nữa. Chưa kể, quà cho nhà nội nhà ngoại, nhà nội của nhà ngoại và nhà ngoại của nhà nội, nói thêm tí nữa là tôi cũng lú. Rồi đến Tết thì chính thức là một cuộc chiến. Ngày nào cũng tất bật với những mâm cỗ với lượng bát đĩa lên đến hàng trăm chiếc. Và cũng chị hàng xóm ấy ( cộng thêm vài người chị em khác cùng nhà) sẽ lao ra rửa bát, bằng một sự tỉ mỉ, kỳ cạch và nụ cười gượng gạo vất vả. Thế mà có khi, mọi thứ công cốc chỉ vì con gà chặt bị xấu.

Tết của người lớn là... - Ảnh 4.

Ngồi ngẩn ngơ nhìn hàng tá những áp lực, những khó khăn ngày Tết giăng ra trước mặt, tôi mới hiểu là: Người lớn chẳng còn thích Tết nữa, vì người lớn đã qua tuổi là những kẻ được vui vẻ nhất những ngày Tết rồi. Tết của người lớn là những trách nhiệm, là những mối lo, là những tính toán thiệt hơn. Tết của người lớn không mang màu sắc mộng mơ con trẻ, nó thực dụng và có cả những vất vả nữa. Nó mang màu sắc của cuộc đời.

Tết của người lớn là... - Ảnh 5.

Nhưng tôi không chắc, nếu thiếu đi những trách nhiệm và mối lo mang đầy tình thân ấy, liệu Tết có còn trọn vẹn trong mỗi chúng ta.

Chúng ta thấy áp lực, đơn giản là vì chúng ta đã trưởng thành. Tết của tuổi nhỏ là niềm vui trong sáng khi được nuông chiều và ủ ấm trong tình thân của bố mẹ. Thì Tết của tuổi trưởng thành là khi ta đã vững chãi lớn lên, và trở thành chỗ dựa cho những người thân thiết, là bao bọc lại gia đình bằng sự cố gắng của mình.

Thế nên, Tết của người lớn không chỉ là những chuỗi dài mệt mỏi tính toán thiệt hơn, mà đằng sau đấy có nhiều thứ đáng để bạn nghĩ đến với một niềm hạnh phúc.

Tết của người lớn là niềm tự hào nho nhỏ khi có thể mừng tuổi ông bà những đồng tiền đầu tiên mà bạn kiếm được, có thể đưa cho bố mẹ một khoản tiền sắm Tết – dù không lớn, nhưng là cả sự quan tâm của bạn được đặt vào. Tết của người lớn là niềm hạnh phúc khi bạn có thể đàng hoàng đi mua sắm cái này cái nọ, góp vào với cả nhà để cùng nhau đón Tết. Hay cảm giác lanh chanh đòi đi mua đào, mua quất thay bố, mua bánh chưng, mua giò thay mẹ.

Tết của người lớn là hết được vô tư như trẻ con, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn nhận ra nhiều hơn thế nào là tình yêu thương của gia đình. Bạn hiểu rằng, để đánh đổi được nụ cười vô tư của bạn ngày bé – bố mẹ đã trải qua rất nhiều vất vả. Bạn hiểu rằng, Tết không trọn vẹn nhờ những món quà vật chất phô trương. Tết trọn vẹn nhờ mình có một gia đình luôn ở bên cạnh.

Tết của người lớn là... - Ảnh 6.

Chiều 30 Tết, khi thấy chú hàng xóm chở về một cây đào nhỏ - mua vội ở ngoài chợ. Cây đào ế, được bán rẻ bèo nhưng nom cũng tươm tất lắm rồi. Chú đỗ xịch xe trước hiên nhà, cô với hai đứa nhỏ đang dọn dẹp ở trong tất bật chạy ra, cười hớn hở khi thấy cây đào mới. Cả nhà cứ ríu rít đỡ cây xuống, rồi cùng nhau đặt vào chậu, tính toán xem đặt ở đâu trong cái căn phòng 10m2 bé xíu ấy. Thế mà cũng mất cả buổi chiều. Cây đào chễm chệ bên cạnh cái TV, ở ngay sát dưới là cái chiếu để buổi tối cả nhà nằm ngủ. Căn nhà chật chội, nhưng bỗng sáng bừng lên nhờ sắc đỏ của hoa đào. Và hơn hết, là niềm vui chẳng sự thiếu thốn nào có thể kìm nén nổi trong đôi mắt của từng thành viên trong gia đình ấy. Dù cái Tết của họ có thể chẳng đủ đầy, nhưng niềm hạnh phúc đầm ấm ấy là có thật.

Khi ấy tôi hiểu rằng, dù có lớn đến thế nào, dù Tết có mang đến nhiều nỗi lo ra sao, thì Tết vẫn sẽ luôn là ngày mà ta cảm thấy hạnh phúc nhất, khi ta có những người thân yêu luôn ở bên cạnh và mỉm cười. Và đôi khi, chỉ đơn giản là vì có thể cùng nhau trồng một cây đào thật đẹp thôi cũng đủ khiến Tết trở nên ý nghĩa trong tim mình.  

Diệp Nguyễn
Vũ Tuấn Anh
Tuấn Maxx, Tố Linh
Theo Trí Thức Trẻ28/1/2017

Trí Thức Trẻ