Tencent làm du lịch thời 4.0: Nhận diện khuôn mặt ở cổng điểm tham quan, xe không cần dừng để nộp phí, du khách có thể tìm WC gần nhất từ smartphone

28/05/2019 15:50 PM | Kinh doanh

Theo chủ tịch của Tencent, những công ty thành công trong tương lai sẽ là những công ty số hóa.

Vân Nam là một tỉnh lâu đời ở phía tây nam Trung Quốc vốn nổi tiếng với loại trà được hái bằng tay, những ngọn núi phủ tuyết trắng và thung lũng Shangri-La bí ẩn. Thế nhưng, giờ đây, nơi này đang trải qua một cuộc lột xác về kỹ thuật số để thúc đẩy du lịch.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt được triển khai tại cổng của các điểm tham quan để tạo điều kiện cho du khách ra vào nhanh chóng hơn. Cảm biến đã được lắp đặt dọc đường cao tốc để thanh toán phí ngay lập tức mà không cần tài xế giảm tốc độ hoặc dừng xe.

Ngoài ra, khách du lịch không cần phải xếp hàng vì có thể mua vé trực tuyến, xem video về tình trạng du khách ở các điểm tham quan để lên lịch trình chủ động hơn hay tìm nhà vệ sinh có sẵn gần nhất thông qua một ứng dụng trên smartphone dành cho khách du lịch do gã khổng lồ công nghệ Tencent của Trung Quốc phát triển.

Chính phủ Vân Nam đã biến số hóa thành một mục tiêu quan trọng trong việc phát triển ngành du lịch địa phương. Tencent cho biết ứng dụng trên cùng một chương trình mini khác trên siêu ứng dụng WeChat của họ đã thu hút 23 triệu người dùng.

Tencent làm du lịch thời 4.0: Nhận diện khuôn mặt ở cổng điểm tham quan, xe không cần dừng để nộp phí, du khách có thể tìm WC gần nhất từ smartphone - Ảnh 1.

WeChat là một trong những ứng dụng hàng đầu tại đất nước tỷ dân.

Martin Lau, chủ tịch của Tencent phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Côn Minh, Vân Nam cách đây không lâu: "Đây là một dự án quan trọng của Tencent giúp chuyển đổi kỹ thuật số của các ngành công nghiệp và nền kinh tế".

Một sản phẩm độc đáo mà Tencent có thể cung cấp cho khách hàng doanh nghiệp truyền thống chính là WeChat, ứng dụng cho phép họ bán sản phẩm, có thêm khách hàng mới và kết nối với người theo dõi thông qua các chương trình mini của ứng dụng. Bên cạnh đó, tập đoàn đang mở rộng sự có mặt của WeChat từ smartphone sang một số thiết bị khác như ô tô thông minh.

Sự chuyển hướng sang phục vụ doanh nghiệp truyền thống và chính phủ trong việc chuyển đổi kỹ thuật số của Tencent diễn ra trong bối cảnh chính phủ nước này mạnh tay đàn áp lĩnh vực trò chơi trực tuyến của họ trong năm ngoái vì lo ngại ảnh hưởng không tốt tới giới trẻ. Cơ sở người dùng gồm 1,1 tỷ người của WeChat đã đạt đến điểm bão hòa tại Trung Quốc, nơi có số lượng cư dân mạng ước tính lên đến 829 triệu người.

Tencent đang dựa khá nhiều vào sự tăng trưởng từ kinh doanh trên nên tảng đám mây và trí tuệ nhân tạo. Các công nghệ của họ được sử dụng ngày càng phổ biến trong ngành bán lẻ, dịch vụ tài chính, vận tải, chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Hướng đi mới của tập đoàn hoàn toàn phù hợp với tham vọng của Trung Quốc trong việc nâng cao giá trị và tính cạnh tranh cho các ngành công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo. Theo Martin Lau, Internet không còn là một ngành công nghiệp mà đã trở thành yếu tố cốt lõi cho tất cả các ngành công nghiệp khác. Những công ty thành công trong tương lai sẽ là những công ty số hóa.

Trên thực tế, Tencent không phải ông lớn duy nhất thu hút sự chú ý của các công ty phi công nghệ. Hai tập đoàn Alibaba và Baidu cũng đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội khi lĩnh vực internet cốt lõi của họ ngày càng phát triển.

Tencent làm du lịch thời 4.0: Nhận diện khuôn mặt ở cổng điểm tham quan, xe không cần dừng để nộp phí, du khách có thể tìm WC gần nhất từ smartphone - Ảnh 2.

Sự phổ biến của smartphone và Internet là cơ hội phát triển cho những tập đoàn công nghệ như Tencent.

Việc Tencent tập trung mạnh vào điện toán đám mây là để tăng cường cạnh tranh với Alibaba Cloud – công ty đang dẫn đầu thị trường Trung Quốc với thị phần lên tới 43% trong nửa đầu năm ngoái. Tencent giữ vị trí thứ hai với 11,2% thị phần và là nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây đầu tiên tại Trung Quốc có hơn 1 triệu máy chủ. Trong khi đó, Amazon Web Services (AWS) chỉ chiếm 6,9%.

Định hướng mới của Tencent sẽ đòi hỏi đầu tư dài hạn bao gồm nhiều máy chủ, kỹ sư và nhà phát triển hơn để tạo ra giải pháp cho khách hàng đồng thời phát triển các hệ sinh thái liên quan.

Tuần trước, Tencent đã ra mắt phiên bản WeChat vận hành bằng giọng nói trên xe, động thái giúp tập đoàn mở rộng nội dung và dịch vụ của mình đến hàng triệu tài xế và hành khách Trung Quốc.

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM