Tay chơi nổi bật nhất châu Á – Thái Bình Dương mảng cashback sau 9 tháng ‘nhập gia’ đã thu hút 1,2 triệu khách Việt và hoàn lại 22 tỷ đồng ‘tiền tươi thóc thật’

30/04/2021 13:04 PM | Kinh doanh

ShopBack hiện hoạt động ở 9 nước, có 25 triệu người dùng và là doanh nghiệp mảng cashback lớn nhất châu Á – Thái Bình Dương. Họ chính thức ra mắt thị trường Việt Nam ở tháng 8/2020 và đã thu hút được 1,2 triệu người dùng, hoàn trả lại cho khách số tiền khoảng 22 tỷ đồng qua tài khoản ngân hàng.

Thời gian ShopBack chuyển tiền hoàn vào tài khoản của khách sẽ dao động từ 3 đến 5 ngày, tính từ lúc khách hàng thực hiện thao tác rút tiền

Dạo gần đây, trên truyền thông và mạng xã hội đã rộ lên thông tin, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong mô hình cashback đều là lừa đảo. Nhưng đó chỉ là một phần của sự thật chứ không phải hoàn toàn sự thật. Đúng là có "con sâu làm rầu nồi canh", nhưng hầu hết doanh nghiệp kinh doanh mảng này trên thị trường Việt Nam đều làm ăn chân chính, như ShopBack.

"Một trong những thách thức tại thị trường Việt Nam là mô hình kinh doanh cashback (hoàn tiền) còn khá mới mẻ và có nhiều bên lạm dụng mô hình này để trục lợi dẫn đến khách hàng có thành kiến không tốt với mô hình này.

Tôi xin khẳng định, ShopBack vận hành công ty minh bạch theo mô hình tiếp thị liên kết (affiliate marketing) trong đó ShopBack không trực tiếp bán hàng, mà là trung gian kết nối giữa người dùng và thương hiệu, sàn TMĐT và chia sẻ lợi ích cho khách hàng bằng cách chia lại một phần tiền hoa hồng khi các đối tác trả cho ShopBack khi có đơn hàng thành công. Chúng tôi trả ‘tiền tươi thóc thật’, chứ không phải ‘hoàn tiền’ bằng điểm thưởng dùng để mua hàng hay bằng tiền điện tử.

Chúng tôi cũng không quảng cáo kiểu mập mờ với những mức chiết khấu cao, song kèm những điều kiện ngặt nghèo mới thành công. Mỗi chương trình marketing chúng tôi nói rất rõ ràng và chi tiết và khách hàng có thể tham khảo trong ứng dụng hoặc Website ShopBack, hơn nữa mức cashback của chúng tôi thường tuân thủ theo luật quảng cáo", chị Nguyễn Ngọc Trúc – Tổng Giám đốc ShopBack Việt Nam trần tình.

Mô hình kinh doanh cashback của ShopBack nôm na thế này: khách hàng vào app/website ShopBack, sau đó click vào các đối tác như Tiki hay Watsons, tiếp theo ShopBack sẽ điều hướng khách qua app Tiki hoặc nếu đối tác không có app, họ sẽ tích hợp website của đối tác vào app ShopBack; căn cứ vào đơn hàng mà khách hoàn thành, sau đó ShopBack sẽ hoàn cho khách một số tiền cụ thể dựa trên đơn hàng đó. Ví dụ: nếu tổng mức hoàn tiền của ShopBack cho đơn 5 triệu mà khách mua trên Tiki là 10%, tức là sau đó khách sẽ nhận lại được 500 ngàn đồng.

Trong tài khoản của khách sẽ có 3 trạng thái ‘hoàn tiền’: tiền đã rút, tiền có thể rút và tiền chờ xác nhận. Lý do có mục ‘chờ xác nhận’, vì trong thương mại điện tử - nhất là những ngành như thời trang hoặc đồ điện gia dụng, khách hàng thường hay đổi trả, nên cần phải chờ đợi đơn hàng hoàn tất, tức là khách đã trả hết tiền cho các đối tác doanh nghiệp và không hối hận nữa. Có khi thời gian xác nhận hoàn tiền phải từ 45-90 ngày vì phải chờ đối tác đối soát và xác nhận đơn hàng đã thành công không đổi trả.

ShopBack chỉ mới có thể trả tiền hoàn lại cho khách qua tài khoản ngân hàng và hiện tại họ chưa có kế hoạch kết hợp cùng ví điện tử. Hơn nữa, tùy thuộc vào việc cập nhập thông tin tài khoản của khách và quy trình làm việc của ngân hàng, thời gian ShopBack chuyển tiền vào tài khoản của khách sẽ dao động từ 3 đến 5 ngày.

Cũng theo Tổng Giám đốc của ShopBack Việt Nam, trong tương lai, khi ShopBack ngày càng nâng cấp các tính năng sản phẩm, tích hợp kỹ thuật và quy trình đối soát với các đối tác, thời gian hoàn tiền sẽ được rút ngắn hơn. Mà nhiều khả năng, điều này sẽ đến sớm. Hiện ShopBack Việt Nam có 75 nhân sự, nhưng trong đó có tới 60 kỹ sư công nghệ - đơn giản bởi Việt Nam là một trong 3 trung tâm công nghệ chính của ShopBack.

"Có một điều tôi cũng cần làm rõ ở đây, ShopBack không dùng tiền của mình để hoàn trả lại cho khách hàng; mà chúng tôi chia một phần cho khách trên tiền hoa hồng/đơn hàng mà các đối tác trả cho ShopBack khi có đơn hàng thành công. Ví dụ: Tiki trả cho chúng tôi 10 đồng trên 1 đơn hàng thành công, chúng tôi sẽ chia cho khách 6 đồng và giữ 4 đồng.

Ở những nước phát triển, mô hình kinh doanh cashback có thể đóng góp từ 15% đến 20% doanh thu cho các sàn TMĐT hay các doanh nghiệp, hơn nữa, đối tác chỉ phải trả hoa hồng cho doanh nghiệp cashback trên đơn hàng đã thành công. Bản thân ShopBack đã giúp tăng 30% tỷ lệ lặp lại mua hàng khi so sánh với lượng truy cập trực tiếp trên trang của đối tác. Với mô hình cashback, cả nhà bán hàng – khách hàng – doanh nghiệp cashback đều được lợi. Thế nên, đây là một loại hình kinh doanh có thể phát triển bền vững", chị Nguyễn Ngọc Trúc nêu cụ thể.

Và vì cashback là hình thức kinh doanh theo mô hình tiếp thị liên kết (affiliate marketing) với đối tác lớn là ngành TMĐT, thế nên các chương trình khuyến mãi hoặc thời gian khuyến mãi của ShopBack tương đối giống các sàn như Tiki hay Shopee. Sắp tới, sau khi đã chinh phục thành công các đối tác là thương hiệu lớn, ShopBack Việt Nam dự định tập trung chinh phục nốt thành phần kinh tế còn lại là SMEs - doanh nghiệp vừa và nhỏ và các đối tác trong nhiều lĩnh vực như: giao đồ ăn, gọi xe, dịch vụ giải trí, kinh doanh thực phẩm - nhà hàng...

Thu hút được 1,2 triệu người dùng, hoàn trả lại cho khách số tiền khoảng 22 tỷ đồng sau 9 tháng

Ở khía cạnh khác, thật ra mô hình cashback không quá mới tại thị trường Việt Nam nhưng vì chúng ta không có tay chơi nổi bật khiến nó phát triển khá chậm; thêm nữa, do ShopBack làm ăn rõ ràng – minh bạch và đầu tư nguồn lực lớn, nên họ đã phát triển khá nhanh ở thị trường Việt Nam.

“Tay chơi” nổi bật nhất châu Á – Thái Bình Dương mảng cashback sau 9 tháng tấn công thị trường Việt: Có 1,2 triệu người dùng và đã hoàn lại cho khách 22 tỷ đồng ‘tiền tươi thóc thật’. - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Ngọc Trúc – Tổng Giám đốc ShopBack Việt Nam

ShopBack chỉ mới chính thức ra mắt thị trường Việt Nam ở tháng 8/2020 nhưng đã thu hút được 1,2 triệu người dùng, hoàn trả lại cho khách số tiền khoảng 22 tỷ đồng. Sự phát triển như vũ bão của ngành TMĐT trong Covid-19 cũng đã cộng hưởng rất tốt với sự phát triển của ShopBack.

Ngoài ra, ShopBack Việt Nam còn có vài chỉ số thú vị khác: có 80.000 lượt đăng ký tài khoản mới mỗi tháng, 68% khách hàng là nữ, 99% hoạt động của người dùng mua sắm trên smartphone, các thương hiệu được yêu thích nhất có ‘tứ đại gia’ Tiki, Shopee, Lazada và Sendo, rồi Watsons, Booking.com… Ngành hàng được yêu thích nhất chính là làm đẹp, công nghệ, thời trang và du lịch…

Về công ty mẹ ShopBack, hiện họ hoạt động ở 9 nước (Singapore, Úc, Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Hàn Quốc), với hơn 4.000 đối tác và có 25 triệu người dùng. Riêng năm 2020, người dùng đã chi tiêu hơn 2 tỷ USD trên nền tảng ShopBack và nhận về hơn 45 triệu USD tiền hoàn! Theo một thống kê không chính thức, ShopBack đã gọi vốn thành công hơn 113 triệuUSD từ các quỹ đầu tư như EV Growth, Rakuten Capital, SoftBank Ventures Korea, Credit Saison, Singtel Innov8…

Ngoài sản phẩm cơ bản hoàn tiền thông qua đơn hàng thương mại điện tử, họ còn có các sản phẩm hoàn tiền khác như: qua gift card, ShopBack GO - tức hoàn tiền sau khi mua sắm tại cửa hàng và so sánh giá. Tuy nhiên, ShopBack thường không triển khai cả 4 sản phẩm ở tất cả thị trường, mà tùy vào tình hình thị trường và nhu cầu khách hàng từng thị trường cụ thể để chọn triển khai sản phẩm phù hợp.

"Tất nhiên là thị trường Việt Nam cũng thế. Sau thời gian dài nghiên cứu, chúng tôi cảm thấy ra mắt sản phẩm Thẻ quà tặng (gift card) tiếp theo sẽ phù hợp với nhu cầu của khách hàng và sự sẵn sàng về mặt kỹ thuật từ phía đối tác so với 2 sản phẩm còn lại", Tổng Giám đốc ShopBack Việt Nam nhận định.

Có thể nói, sự xuất hiện của ShopBack chắc chắn sẽ khiến thị trường cashback Việt Nam trở nên sôi động hơn, nhưng đồng thời, ‘ông lớn’ sừng sỏ này cũng đang tạo những áp lực vô hình lên các doanh nghiệp cashback còn non trẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, biết đâu, nhờ thế thị trường Việt có thể xuất hiện một ‘ngựa ô’ có thể sánh ngang ShopBack.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM