Tập đoàn FPT "hạ chiếu" thoái bớt vốn khỏi FPT Shop, CEO Nguyễn Bạch Điệp nói gì?

02/08/2017 13:50 PM | Doanh nghiệp công nghệ

FPT Retail - công ty chủ quản của hệ thống FPT Shop gần đây liên tục là điểm sáng của FPT trong hoạt động kinh doanh của quý với mức tăng 33% về doanh thu và 45% về LNTT. Mặc dù vậy, tập đoàn FPT vẫn quyết định hạ tỉ lệ sở hữu tại FPT Retail xuống dưới 50% trước áp lực từ phía nhà đầu tư.

Vừa qua, hội đồng quản trị CTCP FPT đã ra Nghị quyết về việc thoái vốn của FPT tại CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) - công ty chủ quản của hệ thống FPT Shop xuống dưới 50%. Việc thoái vốn chia làm 2 bước:

- Bước 1, FPT sẽ bán 30% vốn cho các nhà đầu tư tổ chức, giảm tỷ lệ sở hữu từ mức 85% hiện tại xuống 55%.

- Bước 2, Công ty sẽ bán tối đa 10% cho các nhà đầu tư khác để giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 50%. Thời gian thực hiện trong năm 2017.

Theo chiến lược này, FPT sẽ không còn nắm tỉ lệ chi phối tại FPT Retail sau năm 2017. Quyết định của FPT đi cùng với những áp lực từ phía nhà đầu tư muốn tập đoàn này thoái vốn khỏi mảng bán buôn - bán lẻ, vốn không được xem là mảng kinh doanh lõi. Thực tế, FPT đã muốn bán FPT Trading từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa tìm được đối tác.

Với FPT Retail, câu chuyện có phần trái ngược khi đơn vị này vẫn đang ăn nên làm ra. Trong nửa đầu năm 2017, mảng bán lẻ của FPT Retail đã vượt qua mảng phân phối của FPT Trading để trở thành bộ phận đóng góp lớn nhất vào tổng doanh thu của FPT với 6.200 tỷ đồng, tương đương 30% doanh thu toàn tập đoàn và tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế tăng 44% so với cùng kỳ, đạt 141 tỷ đồng.

Liên quan tới Nghị quyết mới đây, câu hỏi được rất nhiều người quan tâm đặt ra, đó là nhà đầu tư nào sẽ thay FPT tiếp quản chuỗi bán lẻ FPT Shop?

Trả lời chúng tôi về vấn đề này, bà Nguyễn Bạch Điệp - Tổng giám đốc FPT Retail cho biết, đến nay bà vẫn chưa nhận được thông tin cụ thể nào về nhà đầu tư mới từ phía tập đoàn FPT. Nhưng theo bà, FPT Retail có sức hút với các nhà đầu tư.

"Việc M&A thế nào, chọn nhà đầu tư ra sao hoàn toàn là quyết định của phía Tập đoàn. Về phần mình, tôi luôn đặt mình là một người làm thuê chuyên nghiệp, do đó, tôi luôn tự nhắc bản thân phải có trách nhiệm với tiền của nhà đầu tư, dù ông chủ mới có là ai, phong cách thế nào. Vì họ sẽ rất thích mình làm lợi cho họ", bà Điệp cho biết.

Tuy nhiên, bà Điệp cũng chia sẻ, nếu bản thân được chọn, bà rất muốn 1 nhà đầu tư chuyên môn thay vì một nhà đầu tư tài chính.

"Sẽ tốt hơn nếu đó là một nhà đầu tư giúp được cho mình thêm know-how trong lĩnh vực bán lẻ, các mối quan hệ có thể học hỏi được, giúp được chuỗi FPT Shop phát triển và nhất là thêm kiến thức về các mảng kinh doanh hiện là xu hướng - online", bà Điệp chia sẻ.

CEO của chuỗi FPT Shop cũng chia sẻ, những kế hoạch phát triển của FPT Retail cũng sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyết định thoái vốn này. Năm 2017 sẽ là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành của chuỗi FPT Shop trên thị trường bán lẻ. Sắp tới, FPT Retail có thể sẽ kinh doanh thêm một số ngành nghề khác.

Trước bối cảnh thị trường bán lẻ di động đã có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, bà Điệp khẳng định, đơn vị này đã có một loạt nghiên cứu, có kế hoạch rõ ràng, nhưng chưa thể công bố ở thời điểm hiện tại.

"Điều duy nhất tôi có thể bật mí, là FPT Retail sẽ chọn một số mô hình kinh doanh giống với FPT Shop hiện tại, vì sở trường của chúng tôi là các cửa hàng cỡ vừa phải. Đây cũng là một trong những lý do chúng tôi chưa tiến vào thị trường điện máy. Vì điện máy có quy mô lớn, cách quản lý cũng mới. Mà ngay lúc này, chúng tôi cũng chưa nghĩ tới việc học thêm".

Tính đến cuối tháng 6/2017, FPT Retail có 432 cửa hàng trên toàn quốc, tăng 36% so với đầu năm.

Chu Lang

Cùng chuyên mục
XEM