Tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ ‘trắng tay’ rời Nga

19/10/2022 14:13 PM | Kinh doanh

Tập đoàn dầu khí Mỹ Exxon Mobil cho biết đã rời khỏi Nga hoàn toàn.

Theo hãng tin Reuters ngày 18/10, động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tịch thu tài sản của tập đoàn này sau 7 tháng thảo luận về việc chuyển nhượng có trật tự 30% cổ phần trong một dự án dầu mỏ lớn.

Exxon Mobil không cho biết liệu họ có nhận được khoản bồi thường nào cho số tài sản mà họ đã định giá hơn 4 tỷ USD hay không. Người phát ngôn của Exxon Mobil từ chối bình luận về việc liệu tập đoàn này có đưa vụ việc tranh chấp ra trọng tài quốc tế hay không. Đây là một khả năng đã được lưu ý hồi tháng 8.

Sự ra đi của Exxon Mobil cho thấy cuộc đụng độ giữa phương Tây và Nga về năng lượng sau xung đột ở Ukraine. Tập đoàn BP, TotalEnergies, Equinor và Shell đều đã chuyển giao tài sản cho các đối tác Nga hoặc chấm dứt các hoạt động.

Người phát ngôn của Exxon Mobil cho biết: "Chúng tôi đã nỗ lực hết sức để can dự với Chính phủ Nga và các bên liên quan khác".

Exxon Mobil nói đã rời khỏi Nga an toàn sau khi Chính phủ Nga hồi đầu tháng đơn phương chấm dứt lợi ích của tập đoàn này trong dự án dầu khí Sakhalin-1, dự án lớn nhất ở nước này.

Exxon Mobil đã cố gắng ngừng hoạt động Sakhalin-1 kể từ ngày 1/3, khi họ tuyên bố sẽ từ bỏ toàn bộ tài sản hơn 4 tỷ USD, để ngỏ khả năng bán Sakhalin-1. Exxon Mobil cho biết họ sẽ phối hợp chặt chẽ về quá trình chuyển giao hoạt động với các đối tác là công ty Nga Rosneft, ONGC Videsh của Ấn Độ và SODECO của Nhật Bản để đảm bảo thực hiện an toàn.

Vào ngày 7/10, Tổng thống Putin đã tịch thu cổ phần của Exxon Mobil trong liên doanh sản xuất dầu và chuyển chúng cho một công ty do chính phủ kiểm soát. Vào tháng 8, ông Putin đã ký một sắc lệnh đầu tiên mà Exxon Mobil cho rằng đã khiến việc họ rút khỏi dự án Sakhalin-1 trở nên khó khăn. Tập đoàn này đã phản ứng với sắc lệnh bằng một động thái pháp lý trước khi đưa ra trọng tòa phân xử.

Việc Exxon Mobil rời Nga không êm thấm cho thấy tập đoàn này có thể vướng vào tranh chấp kéo dài nhiều năm, bắt đầu bằng trọng tài phân xử ở các tòa án châu Âu.

Exxon đã giảm hiện diện ở Nga kể từ năm 2014, sau các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga vì sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine.

Đầu năm nay, công ty Mỹ này đã rút các công nhân nước ngoài và đóng cửa các cơ sở kinh doanh dầu nhờn và hóa chất ở Nga. Đến tháng 7, sản lượng tại dự án Sakhalin-1 đã giảm 10.000 thùng/ngày, từ mức 220.000 thùng/ngày trước khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Khối lượng trên vừa đủ để cung cấp khí đốt tự nhiên cho các thành phố ở Khabarovsk và Vladivostok. Khoảng 700 nhân viên tại Nga đang duy trì hoạt động sẽ được chuyển sang công ty mới của Nga sau khi tiếp quản tài sản này.

Exxon Mobil đã cam kết dành thời gian và chuyển giao an toàn cho nhà điều hành mới để tránh sự cố tràn dầu, sự cố môi trường hoặc mất điện tại các thành phố liên quan.

Các điều khoản của Nga đã ngăn Exxon Mobil chuyển giao hoạt động hoặc đàm phán bán cho các đối tác Ấn Độ hoặc Nhật Bản, cho thấy Nga muốn giữ nguồn cung cấp ở Sakhalin-1.

Tập đoàn Dầu và Khí đốt Tự nhiên của Ấn Độ muốn lấy cổ phần trong thực thể mới của Nga khi họ tìm cách giữ lại 20% cổ phần trong tài sản dự án Sakhalin-1.

Bộ trưởng Công nghiệp Yasutoshi Nishimura cho biết Nhật Bản sẽ quyết định phải làm gì đối với dự án dầu khí Sakhalin-1 ở Viễn Đông của Nga sau khi tham vấn các đối tác trong quá trình rà soát chi tiết sắc lệnh của Nga.

Theo sắc lệnh ngày 7/10 của Tổng thống Putin, các đối tác nước ngoài của Sakhalin-1 sẽ có một tháng sau khi công ty mới của Nga được thành lập để yêu cầu chính phủ Nga chia cổ phần trong thực thể chức mới.

Equinor tháng trước đã đồng ý bán tài sản trị giá 1 tỷ USD của mình tại Nga với giá 1 euro. Thỏa thuận này giúp Equinor của Na Uy từ bỏ các khoản nợ và cam kết đầu tư trong tương lai. Trước đó, Danone cũng đã bán tài sản của mình nhưng vẫn giữ cổ phần thiểu số.

Theo Thuỳ Dương

Cùng chuyên mục
XEM