Táo quân có nên dừng lại?

16/02/2018 21:32 PM | Sống

Dừng lại vài năm để đổi mới, để nghệ sĩ, diễn viên tích trữ năng lượng cũng là một gợi ý. Không ai có thể đứng mãi trên đỉnh cao, Táo quân cũng vậy!

Đầu tiên, cần phải nhìn nhận khách quan, Táo quân là một trong những chương trình truyền hình ăn khách bậc nhất trong lịch sử của VTV. 15 năm qua, mỗi đêm Giao thừa, người dân lại háo hức chờ đón buổi chầu của các Táo với đầy đủ những cung bậc cảm xúc với hỷ nộ ái ố ngập tràn.

 Táo quân có nên dừng lại? - Ảnh 1.

Táo quân phản ánh được rất nhiều vấn đề bức xúc của xã hội. Người dân xem Táo không chỉ để cười mà còn để hy vọng vào một năm mới tươi sáng hơn, đó là thành tựu rất đặc biệt của một chương trình truyền hình thuần tuý về giải trí. Trên thế giới có lẽ cũng hiếm có một show truyền hình nào thành công đến như vậy.

Nhưng có lẽ cũng vì quá nổi tiếng và có sức ảnh hưởng rất lớn, vượt ra khỏi phạm vi của một show truyền hình nên Táo quân càng ngày càng gặp khó. Những cấu tứ kịch bản, những dụng ý của đạo diễn, biên tập, diễn viên đều phải nâng lên, hạ xuống rất nhiều lần trước khi đưa lên sân khấu rồi sau đó là lên sóng.

Một cán bộ phụ trách truyền thông của một doanh nghiệp nhà nước khá lớn đã từng tâm sự với tôi, mỗi kỳ Táo quân anh và các cộng sự của mình đều phải tìm cách dò la, hỏi han rất kỹ về kịch bản của Táo, đêm diễn trước khi phát sóng cũng phải tìm được vé để vào xem.

Nếu có bất kỳ câu chữ, trường đoạn nào trong show Táo liên quan đến cơ quan mình thì đều phải ghi nhớ để báo cáo lãnh đạo. Việc dò la, "trinh sát" Táo quân tất nhiên là chuyện dễ nhưng tìm cách để can thiệp, loại bỏ các chi tiết bất lợi thì không phải ai cũng làm được.

Nhưng qua cách thức dò la ấy mới thấy, để lên sóng được một Táo quân có thể công phá mạnh mẽ vào những vấn đề trì trệ, tiêu cực của xã hội là một thách thức, áp lực rất lớn mà ekip thực hiện Táo quân đã phải đối mặt trong nhiều năm qua.

Chính những áp lực vô hình và hữu hình như vậy đã từng bước trói chặt, o bế sức sáng tạo của những người làm nghệ thuật.

Show Táo quân có khoảng 8 đến 10 gương mặt gạo cội, đó là Quốc Khánh, Công Lý, Tự Long, Xuân Bắc, Vân Dung, Chí Trung, Quang Thắng... Những nghệ sĩ này 15 năm qua đã gần như phải trổ hết tài nghệ, mảng miếng của mình để hoá thân thành các Táo, Ngọc Hoàng, Bắc Đẩu, Nam Tào...

Tự Long năm nào cũng phải "gánh team" với những trường đoạn hát, diễn chèo, tuồng cực kỳ bay bổng, ngẫu hứng. Có thể nói, Tự Long là diễn viên gần như không thể thay thế của Táo Quân.

Nhưng cũng vì phải "gánh team" lâu quá nên Tự Long dần bị khai thác tới mức "cạn kiệt". Người xem Táo chắc chắn sẽ đoán được có Tự Long là có hát chế, có Tự Long là có hát chèo, tuồng. Đôi khi những đoạn solo của Tự Long còn buộc phải kéo dài để giữ khán giả và giữ luôn thời lượng của chương trình.

Bên cạnh Tự Long thì Công Lý nhiều năm qua cũng phải đóng đinh vào nhân vật giả gái Bắc Đẩu. Bắc Đẩu có nhiều đất diễn, nhiều chiêu trò để biến hoá nhưng nếu hỏi những người làm nghệ thuật, chắc chắn không ai muốn giữ mãi một hình ảnh giả gái đã quá nhẵn mặt như vậy trong suốt 15 năm.

Nghệ sĩ luôn khao khát được sáng tạo, được làm mới mình. Đáng tiếc là Bắc Đẩu - Công Lý đã không có một phiên bản nào mới mẻ để "lột xác" nhân vật của mình.

Một diễn viên kỳ cựu khác là Chí Trung mới đây đã tuyên bố sẽ nghỉ hưu tại Táo quân. Một người làm nghệ thuật lõi đời, sành sỏi như Chí Trung sẽ đủ tinh tế để hiểu khi nào thì tiếp tục, khi nào nên dừng lại.

 Táo quân có nên dừng lại? - Ảnh 2.

Táo quân đã bước qua những đỉnh cao nhất. Sau đỉnh cao nếu không có sự đột phá, làm mới, phá bỏ những lối mòn cũ thì chắc chắn sẽ là sự thoái trào, xuống dốc. Chí Trung mới đây cũng đã chia sẻ như vậy. Anh cảm thấy mình không còn đủ sức để giữ mãi một vai Táo.

Được mời vào show diễn Táo quân là một vinh dự nhưng cũng là thách thức rất lớn. Chí Trung không còn đủ tuổi trẻ, sức trẻ và nhiệt huyết, anh sẽ rất khó "nhập" vào Táo thêm một năm nào nữa.

Lại nói về sức trẻ, 15 năm qua Táo quân không trình làng được gương mặt mới có đủ sự duyên dáng, hài hước, đủ sức lôi cuốn khán giả.

Những Minh Tít, Trung Ruồi, Duy Nam... tỏ ra quá lạc lõng và bé bỏng so với giàn Táo "già rơ". Những diễn viên trẻ này dù có được tạo đất diễn nhưng họ không khoả lấp được những thiếu hụt về "chất", về duyên, về đài từ, kinh nghiệm...

Nói không quá, các diễn viên chính của Táo quân đã già nhưng măng chưa mọc. Một người như Chí Trung về hưu sẽ tạo ra khoảng trống mênh mông cho sân khấu.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Táo quân khép lại thì đêm Giao thừa khán giả sẽ xem gì? Đây là câu hỏi rất hay dành cho những người làm nghệ thuật.

Họ sẽ buộc phải tìm ra hướng đi mới, cách làm mới để đáp ứng nhu cầu của khán giả. Thậm chí nếu cần phải dừng lại một vài năm hoặc Táo quân chỉ xuất hiện 2 năm một lần cũng là cách thức cần tính đến để hâm nóng, giữ lại một show truyền hình cực hay nhưng đang có nguy cơ bị thoái trào.

Đừng trách khán giả nếu họ đòi hỏi và chê trách nhiều với một chương trình giải trí như Táo quân. Đó là tình yêu, sự mong ngóng rất đáng trân trọng, khi tình yêu không được đáp lại như kỳ vọng thì khán giả kêu ca cũng là lẽ thường, những người thực hiện chương trình sẽ buộc phải lắng nghe nhiều phía để xem lại mình.

Dừng lại vài năm để đổi mới, để nghệ sĩ, diễn viên tích trữ năng lượng cũng là một gợi ý. Không ai có thể đứng mãi trên đỉnh cao, Táo quân cũng vậy!

Theo Hoàng Việt

Từ khóa:  Táo Quân
Cùng chuyên mục
XEM