Tạo hi vọng về thị trường sữa lành mạnh

15/03/2017 13:30 PM | Kinh doanh

Tại Hội nghị giám sát chuyên đề đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật về An toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 khu vực phía Nam do Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội tổ chức ngày 6.3, một lần nữa, vấn đề minh bạch tên gọi sữa lại được đặt ra bởi TH true MILK.

Tiếng nói vì ngành sữa

Ông Ngô Minh Hải - Phó Tổng giám đốc TH true MILK nêu thực tế, QCVN 5:1-2010/BYT ban hành năm 2010 quy định khái niệm “sữa tiệt trùng”. Khái niệm này thể hiện trên sản phẩm sữa dạng lỏng với tên gọi là “sữa tiệt trùng”, tên gọi này không đúng bản chất sản phẩm (“tiệt trùng” chỉ là công nghệ chế biến, không chỉ thành phần nguyên liệu).

Tiêu chuẩn quốc tế (của Codex mà Việt Nam là thành viên cấp Chính phủ) gọi sữa dạng lỏng làm từ sữa bột là “sữa hoàn nguyên” và “sữa pha lại”.

Ông Hải cho rằng, nếu chậm sửa đổi dẫn tới nhiều hệ lụy: Gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về thông tin sản phầm, vi phạm quyền được thông tin của người tiêu dùng.

Theo ông Hải, khái niệm “sữa tiệt trùng” cũng không khuyến khích phát triển nguổn sữa tươi nguyên liệu một cách bền vững, có dấu hiệu bảo hộ các doanh nghiệp sản xuất sữa nước từ sữa bột, ảnh hưởng tới mục tiêu của ngành nông nghiệp về phát triển đàn bò sữa và sản lượng sữa tươi, làm tổn hại đến lợi ích của người chăn nuôi bò sữa và doanh nghiệp sản xuất, chế biến sữa tươi.

Trước kiến nghị này của TH true MILK, vấn đề minh bạch thông tin sữa dạng lỏng để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng đã được thảo luận rất nhiều trong các cuộc họp của các cơ quan ban ngành trong năm 2015. Tại Hội thảo “Dinh dưỡng lành mạnh và Quyền được thông tin của người tiêu dùng” vào ngày 23/04/2015, Cục An toàn thực phẩm đã nêu ra câu chuyện “đặt tên đúng chỗ” cho các sản phẩm khi trên thị trường việc ghi nhãn hàng hóa thông tin nguồn gốc xuất xử sản phẩm, chứng từ, cảnh báo về sản phẩm… chưa đáp ứng được về chất lương nguồn tin, thông tin cung cấp không rõ ràng, gây hiểu nhầm.

“Tôi sẽ xử lý rất nhanh”

Lắng nghe ý kiến của các Bộ ban ngành cùng người tiêu dùng, trong cuộc Hội thảo lấy ý kiến về Quy chuẩn sữa dạng lỏng tháng 4/2016, Bộ Y tế đã đưa ra dự thảo sửa đổi khái niệm sữa tiệt trùng thành sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp. Cách phân chia này nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu tham dự.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc “đặt đúng tên gọi” cho các khái niệm sữa để đảm bảo minh bạch và công bằng cho nông dân, người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính. Như ý kiến của Ông Tống Xuân Chinh- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi:“việc sửa đổi này là phù hợp, để mỗi người dân bỏ đồng tiền trong túi ra họ nhận được sản phẩm đúng chất lượng sản phẩm mà họ uống hay cho con em mình uống. Việc sửa đổi QCVN cũng sẽ hỗ trợ phát triển chăn nuôi trong nước, đem lại những thuận lợi cho người nông dân”.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, QCVN vẫn chưa thay đổi.

Trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, ông Trương Quốc Cường- Tân thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ quan điểm, đề xuất minh bạch tên gọi các loại sữa của Tập đoàn TH có lợi cho nông dân và ngành sữa. Ông Cường cho biết: “Tôi sẽ xử lý rất nhanh, không thể kéo dài như hai năm vừa qua. Điều đó thể hiện quyết tâm cải cách hành chính của Bộ Y tế” – ông Cường khẳng định.

Trong khi sự mập mờ trong Quy chuẩn đang tạo nên sự hỗn loạn trên thị trường sữa khiến người tiêu dùng như rơi vào ma trận thì tuyên bố của tân Thứ trưởng Bộ Y tế đang tạo hy vọng về một thị trường sữa trong sạch và lành mạnh cho người tiêu dùng.

Tại Phiên họp giám sát của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội tháng 7/2015 cũng đặt ra câu hỏi là liệu “Người tiêu dùng khó phân biệt “sữa tiệt trùng” với sữa tươi?” và yêu cầu Bộ Y tế “sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010; đặc biệt là khái niệm sữa tiệt trùng; minh bạch nguồn sữa nguyên liệu, tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, phù hợp tiêu chuẩn Codex”.

A.D

Cùng chuyên mục
XEM