'Tăng tuổi nghỉ hưu, cứ ngồi chềnh ềnh ra đấy, lao động trẻ làm gì có cơ hội'

29/05/2019 19:30 PM | Xã hội

Tại phiên thảo luận tổ về Bộ Luật lao động sửa đổi chiều 29/5, nhiều đại biểu Quốc hội còn băn khoăn lo ngại với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, khi thông tin sửa đổi luật được đưa ra, có nhiều vấn đề được cán bộ công chức, người lao động quan tâm, như việc tăng tuổi nghỉ hưu, tăng giờ làm thêm, thay đổi giờ làm, hay việc thỏa ước lao động…

Đối với việc tăng giờ làm thêm giờ, ông Hòa đề nghị phải cân nhắc kỹ cho phù hợp với thực tiễn. Nếu quy định làm thêm nhiều ngày trong tuần, mỗi ngày làm tới 12 tiếng liên tục, thì người lao động, đặc biệt là đội ngũ lao động phổ thông, lao động chân tay sẽ không chịu nổi, không đảm bảo sức khỏe để làm việc.

Ông Hoà đề nghị phải quy định chặt chẽ, mỗi tuần chỉ được áp dụng một vài ngày làm thêm giờ, tránh tình trạng tăng ca, tăng giờ dày đặc tới 6/7 ngày trong một tuần. Ý kiến này nhận được sự đồng thuận của nhiều đại biểu tại phiên thảo luận.

Đặc biệt về việc tăng tuổi nghỉ hưu, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Tháp đề nghị cân nhắc rất kỹ, làm sao đảm bảo được quyền nghỉ hưu của người lao động. “Sinh viên mới ra trường, công ăn việc làm không ổn định.  Bây giờ lại tăng tuổi hưu, dễ làm mất đi cơ hội thế hệ trẻ. Cứ ngồi chềnh ềnh ở đó, thì thử hỏi ai vào làm được?”, ông Hòa cho hay.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng, tuổi thọ cao chưa hẳn đã tỷ lệ thuận với vấn đề sức khỏe, để đủ sức cáng đáng công việc. “Tuổi càng cao, khả năng đáp ứng lao động càng thấp, lại có sức ì lớn, trong khi lao động tuổi trẻ lại hoàn toàn khác. "Nếu tăng tuổi nghỉ hưu, năng suất lao động sẽ giảm đi. Vì vậy phải hết sức cân nhắc, nghiên cứu áp dụng tăng tuổi hưu cho từng đối tượng, từng lĩnh vực, ngành nghề và cần đánh giá tác động thêm đối với lao động phổ thông”, bà Xuân đề nghị.

Đại biểu Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh), Chủ tịch Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam rất băn khoăn về sự ảnh hưởng trong việc tăng tuổi nghỉ hưu với công nhân hầm lò. Theo ông Chuẩn, đối với công nhân hầm lò, nhiều trường hợp 18 – 20 tuổi đã bắt đầu đi làm. Nếu tính thâm niên, chỉ khoảng 40 tuổi đã về hưu rồi.

“Với công nhân nam 55 tuổi, đi dạo trong hầm lò còn được, chứ cuốc than, vác gỗ chắc không thể. Công nhân 50 tuổi giờ phải đưa ra làm việc ở mặt bằng, nhưng họ “ăn cơm trần gian, làm việc âm phủ” quen rồi, nên họ sợ nắng, rất khó khăn", ông Chuẩn cho hay.

Từ thực tế lấy ý kiến của công nhân trong ngành, ông Chuẩn cho biết, họ không đồng ý với việc tăng tuổi nghỉ hưu, chưa nói đến việc phân biệt nam, nữ. “Công nhân ngành than 62 hiếm lắm. Công việc lao động rất độc hại, có công nhân về chưa cầm sổ đã qua đời. Kể cả quy định giảm 5 tuổi đối với ngành nghề lao động độc hại cũng không ổn”.

Đại biểu đại diện cho hơn 86 nghìn công nhân ngành than với 37 nghìn công nhân hầm lò tại Quảng Ninh đề nghị nếu không giảm được thì nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu hiện nay.

Không chỉ với ngành Than, mà nhiều ý kiến cũng lo ngại việc tăng tuổi hưu sẽ tác động không nhỏ đến công nhân các ngành nghề lao động nặng nhọc, lao động chân tay khác, nên cần phải hết sức cân nhắc trong việc áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu.

Theo Luân Dũng

Cùng chuyên mục
XEM