Tăng trưởng giảm tốc, "vua sữa đậu nành" Vinasoy đổi chiến lược đón đầu thói quen "lười ăn sáng" của người Việt, đặt mục tiêu tham vọng 1 tỷ USD

28/09/2018 08:49 AM | Kinh doanh

Đường Quảng Ngãi là công ty dẫn đầu trong ngành hàng sữa đậu nành tại Việt Nam với thị phần hơn 84%. Tuy nhiên, đứng trước thực tế tăng trưởng về sản lượng đang giảm tốc trong 2 năm trở lại đây, công ty phải thay đổi chiến lược của mình nhằm khẳng định vị thế "người dẫn đầu" trong ngành hàng trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ phía sau.

Báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán Rồng Việt cho biết những chiến lược sắp tới của Vinasoy (thương hiệu sữa đậu nành của Đường Quảng Ngãi), sau cuộc nói chuyện với ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc điều hành Vinasoy.

Từ thói quen lười ăn sáng của người Việt tới triết lý "bữa sáng nhanh và đủ chất cho người bận"

Theo khảo sát về thái độ và thói quen ăn sáng ở 11 thị trường Châu Á Thái Bình Dương (bao gồm Việt Nam), nhiều người trẻ ở Việt Nam có thói quen ăn sáng không đều đặn hoặc nhịn ăn sáng với lý do chính là quá bận rộn. Nắm bắt xu hướng trên, công ty này đưa ra giải pháp trong các sản phẩm mới với hương vị: Đậu đỏ nếp cẩm và mè đen nếp cẩm nhằm đa dạng hóa hơn nữa danh mục sản phẩm sữa của mình bên cạnh các sản phẩm truyền thống như vinasoy mè đen, fami canxi…

Đối tượng chính của sản phẩm lần này là những người trẻ và năng động dựa trên xu hướng sống tiện lợi và triết lý "bữa ăn sáng nhanh và đủ chất cho người bận rộn". Vinasoy đặt kỳ vọng sẽ tiêu thụ được khoảng 6 triệu lít trong năm nay và tăng lên 40 triệu lít trong năm 2019. Rồng Việt dự đoán Đường Quảng Ngãi có thể tiêu thụ 280 triệu lít sữa đậu nành trong năm 2018.

Lý giải về việc chọn đậu đỏ nếp cẩm và mè đen nếp cẩm, ông Ngô Văn Tụ cho biết: "Sản phẩm ra đời bắt nguồn từ sự lựa chọn của người tiêu dùng". Ông chia sẻ rằng để có thể ra mắt những sản phẩm này, công ty phải hỏi rất nhiều người tiêu dùng, trải qua rất nhiều cuộc khảo sát ở các sản phẩm khác nhau. Có thể nói chính người tiêu dùng đã ra quyết định sản phẩm mới lần này của Vinasoy.

Một báo cáo về tiêu thụ sữa đậu nành tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Mitel cho thấy, 70% sản phẩm là vị đậu nành truyền thống và 30% là các sản phẩm sữa đậu nành bổ sung hương vị. Trong 30% các sản phẩm đậu nành bổ sung hương vị thì mè đen và đậu chiếm gần 30%. 

Tăng trưởng giảm tốc, vua sữa đậu nành Vinasoy đổi chiến lược đón đầu thói quen lười ăn sáng của người Việt, đặt mục tiêu tham vọng 1 tỷ USD - Ảnh 1.

Tuy nhiên, sản phẩm mới cũng sẽ đối mặt với những rủi ro, mà quan trọng nhất là sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành hàng FMCG. Tuy nhiên, ông Tụ tin tưởng rằng sản phẩm mới này sẽ tiêu thụ tốt nhờ vào thương hiệu mà Vinasoy đã xây dựng lâu nay và quan trọng hơn hương vị sản phẩm này "ngon" theo đánh giá của những người tiêu dùng mà công ty đã khảo sát.

Thị trường còn tiềm năng

Dù nắm hơn 84% thị phần nhưng vẫn còn hơn 50% hộ gia đình ở nông thôn và 65% hộ gia đình ở thành thị chưa tiếp cận với Vinasoy. Tỷ lệ này tương đương với con số hơn 52 triệu người Việt Nam vẫn còn chưa sử dụng sản phẩm của Vinasoy.

Dựa trên kinh nghiệm của công ty với hạt đậu nành, Vinasoy sẽ phát triển thêm những sản phẩm khác dựa trên hạt đậu nành ngoài sữa đậu nành truyền thống.

"Năm nay là 2 sản phẩm, năm sau thêm vài sản phẩm nữa", dẫn lời của ông Tụ về kế hoạch sắp tới. Chiến lược đa dạng hóa sản phẩm đang được Vinasoy đẩy mạnh nhằm tận dụng nhu cầu tiêu thụ sữa đậu nành tăng từ 780tr lít lên 900tr lít trong giai đoạn 2017-2020 theo dự báo của Tetrapak.

Dựa trên dân số bình quân năm 2018 là 94,6 triệu người và sản lượng tiêu thụ đậu nành của Vinasoy trong năm 2018 vào khoảng 280 triệu lít, chúng ta có thể ước tính mức tiêu thụ trung bình của người dân Việt Nam đối với sản phẩm Vinasoy là 2,9 lít/người/năm trong năm 2018. Trong khi đó, mức tiêu thụ sữa đậu nành trung bình của người Việt Nam theo chia sẻ của công ty là 6,8 lít/người/năm. Có thể thấy tiềm năng của thị trường còn rất lớn để Vinasoy có thể khai phá thêm trên con đường chinh phục mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu.

PV

Từ khóa:  vinasoy
Cùng chuyên mục
XEM