Tăng trưởng 6,7% năm nay vẫn phải 'trông chờ' vào dầu thô

01/07/2017 09:53 AM | Kinh tế vĩ mô

Nông nghiệp vẫn gặp những vấn đề cố hữu, dịch vụ chưa đủ 'cáng đáng' cả nền kinh tế còn chế biến chế tạo thì đã đến ngưỡng. Cuối cùng, chúng ta vẫn cần 'trông chờ' vào khai khoáng

"Để đạt mục tiêu 6,7%, trong bối cảnh 6 tháng đầu năm chúng ta mới đạt 5,73% thì đâu sẽ là động lực?"/ Không phải từ nông nghiệp, chưa phải từ dịch vụ, đó có thể sẽ vẫn từ một động lực cũ của năm ngoái: Sản xuất công nghiệp, với mũi nhọn từ công nghiệp chế biến chế tạo, và 'đào thêm' tài nguyên.

Đây chính là quan điểm được Tiến sĩ Lê Quốc Phương - Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) đưa ra trong buổi hội thảo "Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm" tổ chức bởi Viện Kinh tế Tài chính trực thuộc Học viện Tài chính hôm 30/6 vừa qua.

Bằng những lập luận của mình, ông Phương khẳng định trong ngắn hạn năm nay, chúng ta vẫn chưa thể 'trông chờ' vào nông nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, nông nghiệp đã tăng trưởng tích cực với mức 2,65% (so với mức -0,18% cùng kỳ năm 2016). Tuy nhiên, những vấn đề cố hữu của ngành, như lạc hậu về công nghệ, năng suất thấp, vẫn còn nguyên, ít nhất là trong năm 2017 này. Vì thế, chuyên gia đến từ Bộ công thương cho rằng "nông nghiệp vẫn khó tăng năng suất lao động trong năm nay nên khó tăng sự đóng góp vào GDP".

Câu hỏi về động lực tăng trưởng từng được nhiều chuyên gia mổ xẻ và nhận định lĩnh vực dịch vụ, với du lịch là trọng tâm, có thể là động lực cho kinh tế Việt Nam 2017. Tuy nhiên, từ nhận định của Tiến sĩ Lê Quốc Phương thì: "Với dịch vụ, chúng ta vẫn có thể tăng trưởng cao nhưng không thể kéo được tăng trưởng cả nền kinh tế".

"Có lẽ chúng ta nhìn thấy ngay động lực sẽ vẫn là sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu. Nếu muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% thì chỉ số sản xuất công nghiệp chúng ta phải tăng mạnh lên hơn nữa" - ông Phương đưa ra câu trả lời cho câu hỏi mình đặt ra.

Trong sản xuất công nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo sẽ vẫn cần đóng vai trò mũi nhọn. Tuy nhiên, với một động lực chính vốn đã tăng trưởng khá cao thì e rằng, chúng ta khó có thể mong chờ một sự tăng trưởng mạnh hơn nữa để 'cáng đáng' cả nền kinh tế .

"Ngành chế biến chế tạo thì chúng ta vẫn phải đẩy mạnh vì đó là động lực chính, tuy nhiên chúng ta vốn đã đẩy khá mạnh rồi nên việc đẩy mạnh lên nữa không phải chuyện đơn giản" - Tiến sĩ nhận định.

Từ đó, 'mọi con đường cuối cùng lại kéo về ngành khai khoáng'. "Chúng ta buộc phải tăng những ngành khác, ví dụ như ngành công nghiệp khai khoáng chẳng hạn. Công nghiệp chế biến chế tạo là mũi nhọn nhưng chúng ta cần đẩy mạnh ngành công nghiệp khai khoáng" - ông nói.

Quan điểm của ông Phương khá giống với giải pháp mà Chính phủ đề ra để nền kinh tế cán đích 6,7%: Khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thô.

Trong ngắn hạn, vị Tiến sĩ khẳng định đây là một giải pháp chấp nhận được, bởi lẽ kinh tế Việt Nam vẫn chưa thể thay đổi ngay mô hình tăng trưởng trong năm nay.

Còn trong dài hạn thì "chúng tôi cho rằng đó không phải là điều thật sự tốt về lâu về dài cho nền kinh tế. Việt Nam đang hướng đến đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, không dựa vào khai khoáng, không dựa vào lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên nhiều nữa" - ông Phương nói.

Ông giải thích thêm trong điều kiện hoàn cảnh của hiện nay, nền kinh tế chưa chuyển đổi hoàn toàn mô hình tăng trưởng thì trước mắt phải dùng tới có những biện pháp này.

Nói đến kịch bản sau năm 2017 này, tiến sĩ Phương cho rằng khai thác tài nguyên không thể tiếp tục là động lực. Trùng với nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra trước đây, ông Phương đưa ra động lực mang tên nông nghiệp.

"Nông nghiệp khó tăng năng suất lao động hay tăng đóng góp vào GDP năm nay, nhưng chúng ta đã chuyển sang nông nghiệp sang nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Năm 2017, điều này sẽ chưa cho kết quả, tuy nhiên về lâu về dài nó sẽ đóng góp cao do nông nghiệp vẫn là lĩnh vực lớn, chiếm phần lớn dân số của nước ta" - Tiến sĩ Lê Quốc Phương giải thích.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM