Tăng khai thác dầu thô cũng không làm tăng được GDP!

28/07/2016 08:33 AM | Kinh tế vĩ mô

Trong bối cảnh dư thừa cung lớn trên phạm vi toàn cầu, giá dầu bấp bênh ở mức thấp thì ngành khai thác dầu khí tuyệt đối không phải là cái phao cứu sinh cho nền kinh tế.

Tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm mới chỉ đạt 5,52%, giảm tốc so với mức tăng 6,1% cùng kỳ năm 2015. Để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm nay là 6,7% như mức mục tiêu được Quốc hội đề ra cho Chính phủ thì tăng trưởng 6 tháng còn lại của năm phải đạt 7,6%.

Trong bối cảnh khó thực hiện được mục tiêu tăng trưởng, đã có một số đề xuất tăng sản lượng khai thác dầu thô để vực tăng trưởng của nền kinh tế trong các tháng còn lại.

Ý tưởng này thực tế là một ý tưởng không khả thi, không chỉ vì nó làm đậm thêm hình ảnh trong sự hình dung của nhiều người về một nền kinh tế nặng về “đào, xúc, múc”, trong khi trữ lượng dầu mỏ của Việt Nam không có nhiều, mà còn không tính đến thực tế rằng giá dầu thô đang ở mức rất thấp, thậm chí thấp hơn cả giá thành khai thác. Nếu cứ nhắm mắt mà khai thác thì không những GDP không tăng lên được mà, ngược lại, còn bị giảm tốc thêm vì các doanh nghiệp khai thác dầu thô sẽ bị lỗ và giảm phần đóng góp cho ngân sách trong các tháng kế tiếp.

Để minh họa rõ hơn về chuyện này, hãy xem xét cụ thể tình hình thực tế trong ngành khai thác dầu thô hiện nay ở Việt Nam.

Theo thống kê, sản lượng khai thác dầu thô 6 tháng đầu năm của PVN đạt 8,92 triệu tấn, bằng 55,6% kế hoạch năm. Tuy nhiên, các đơn vị thành viên chủ lực của PVN như Vietsovpetro, PVEP, Rusvietpetro… đều không hoàn thành chỉ tiêu doanh thu, nộp ngân sách và lợi nhuận theo kế hoạch đề ra, thậm chí còn bị giảm so với cùng kỳ năm 2015.

Lý do đơn giản là giá dầu giảm mạnh, thậm chí có giai đoạn chỉ đạt 26,5 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ năm 2003. Theo báo cáo của PVN, kể cả khi giá dầu dự kiến cả năm là 44 USD/thùng, thì doanh thu ước tính của tập đoàn cũng chỉ đạt 33.080 tỷ đồng, bằng 86% kế hoạch năm. Nhưng với giá dầu này thì tập đoàn sẽ lỗ 500 tỷ đồng, nộp ngân sách chỉ đạt 9.176 tỷ đồng, bằng 73% kế hoạch năm.

Với giá dầu thô tiếp tục biến động mạnh ở trong vùng giá thấp và ít có khả năng phục hồi do nguồn dư cung quá lớn trực chờ cầu tăng để tung ra thị trường, khả năng cao là các doanh nghiệp khai thác dầu khí sẽ tiếp tục đối mặt với rủi ro thua lỗ. Kể cả có tăng sản lượng khai thác thì sẽ chỉ dẫn đến kết quả tuy là doanh thu tăng nhưng lợi nhuận càng âm sâu.

Quay trở lại với chuyện đóng góp của ngành khai thác dầu khí vào GDP. Dường như cách hiểu của nhiều người về phương pháp tính tốc độ gia tăng GDP ở Việt Nam là dựa trên mức gia tăng sản lượng hàng hóa và dịch vụ mà không tính đến biến động hiện tại của giá hàng hóa và dịch vụ, vì đã cố định giá hàng hóa và dịch vụ ở mức tham chiếu của năm cơ sở, là năm 2010.

Vì thế, giả sử năm trước khai thác được 10 triệu tấn dầu thô, quy theo giá cố định năm 2010 là, ví dụ, 2 triệu đồng/tấn thì thu được 20 nghìn tỷ đồng. Nếu năm nay tăng sản lượng khai thác lên 15 triệu tấn với giá cố định trên thì sẽ thu được 30 nghìn tỷ đồng. Tức là GDP sẽ tăng lên được thêm 10 nghìn tỷ đồng theo giá cố định nhờ tăng sản lượng khai thác dầu khí. Nếu cứ tiếp tục gia tăng mạnh sản lượng khai thác dầu thô theo cách này thì đúng là chuyện “đẩy” tăng trưởng GDP lên thêm vài điểm phần trăm không phải là chuyện khó.

Nhưng nếu xét đến bản chất GDP của một nền kinh tế là tổng giá trị thặng dư tạo ra từ các hoạt động kinh tế thì rõ ràng hành động tăng sản lượng khai thác dầu thô trong bối cảnh giá bán dầu thô đang ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm như nói trên không những không tạo ra thêm giá trị thặng dư mà thậm chí sẽ làm hao hụt nó đi. Điều này cũng tương tự như một người thất nghiệp, tự ra đào bới một mảnh đất dù không ai thuê mướn. Người này đúng là đang lao động, nhưng hoàn toàn không có một chút giá trị nào, không có đồng tiền nào được làm ra cho bản thân và gia đình anh ta. Ngược lại, vì đào bới mệt nhọc như vậy nên anh ta phải tốn thêm tiền mua nước uống và thức ăn để phục hồi sức lực, nên càng thâm hụt thêm ngân quỹ của anh ta.

Do vậy, để thúc đẩy tăng trưởng GDP thì không những chỉ thúc đẩy các hoạt động kinh tế nói chung, mà còn phải lựa chọn, tập trung nguồn lực khan hiếm, hữu hạn vào thúc đẩy những ngành có khả năng mang lại nhiều giá trị gia tăng nhất. Trong bối cảnh dư thừa cung lớn trên phạm vi toàn cầu, giá dầu bấp bênh ở mức thấp thì ngành khai thác dầu khí tuyệt đối không phải là cái phao cứu sinh cho nền kinh tế.

Theo TS. Phan Minh Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM