Tăng doanh số nhờ cộng tác viên: Không mất lương cứng, không lo bảo hiểm, làm đâu ăn đấy, nhưng thực ra lại là 'lợi bất cập hại'

28/03/2017 10:01 AM | Kinh doanh

Đội ngũ cộng tác viên tưởng như sẽ giúp công ty tăng doanh số, nhưng thực ra tiềm ẩn nguy cơ với thị trường, ảnh hưởng đến chính đội sales trong công ty.

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết "Cộng tác viên và các hệ lụy" của Chuyên gia tư vấn và đào tạo Kỹ năng Bán hàng/ Quản lý Bán hàng​ Đỗ Xuân Tùng. Mời độc giả đón đọc.


Từ thuở “hồng hoang” khi thị trường mới mở cho tới thời điểm hiện tại, có một đội quân được sử dụng khá nhiều trong mảng phân phối từ mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng tới hàng tiêu dùng, đó là đội cộng tác viên.

Thành phần của đội cộng tác viên thì tới từ nhiều nguồn khác nhau. Có thể là nhân viên bán hàng các hãng khác, các bà nội trợ rảnh rỗi, muốn làm thêm kiếm tiền, các em sinh viên có chí tiến thủ, các chị làm hành chính chưa dùng hết thời gian ở công ty,…

Cái lợi thì ai cũng có thể thấy rõ là với đội ngũ không phải là người của công ty mà vẫn đi bán hàng được này thì công ty không mất lương cứng, không mất công đào tạo huấn luyện, không mất công giám sát, không phải lo văn phòng làm việc, thậm chí là không phải lo chế độ cho người lao động theo luật của nhà nước,... Tuy nhiên, ngoài những điều đó ra, còn lại toàn điểm hại như sau:

1. Không lấy được thông tin gì từ thị trường

"Thì rõ, người ta đi làm cho mình là quý rồi, giờ lại còn hỏi về thông tin phản hồi làm gì? Ai người ta quan tâm? Mà thông tin đó lấy căn cứ đâu mà tin? Người ta nói cho vui thì sao?" Quản lý sẽ thường suy nghĩ như vậy.

Hậu quả chỉ có thể thấy rõ khi mà không rõ vì sao doanh số sụt giảm và đội cộng tác viên giống đội quân cát của Vua Bọ cạp, đột nhiên bị gió thổi tan mất không còn thấy một mống nào. Lúc ấy Giám đốc lại vò đầu bứt tai, lo lắng mọi chuyện từ đầu.

2. Không khống chế được

Đặc điểm của cộng tác viên là thích thì làm, không thích thì nghỉ. Về khía cạnh này cộng tác viên không khác gì tình nguyện viên. Họ sẽ cam kết, hứa hẹn với công ty doanh số nào đó, nhưng không đạt thì họ cũng không bị ảnh hưởng gì nên họ sẽ không gắng hết sức.

Rồi bổn cũ soạn lại, ngày 1 họ không đi làm lý do là vì trời nắng quá, ngày 2 họ thấy cần phải ở nhà vì con chó yêu bị ốm, ngày 3 phải ngồi bàn với mấy ông bạn tổ chức đám cưới cho cậu bạn nối khố,... cứ như vậy tới ngày 23 sắp hết tháng thì mới cuống cuồng nhoáng nhoàng chạy ra thị trường “làm tí”.

Vì vội vã nên kết quả không ra gì. Không bán được thì điều duy nhất về báo cáo với công ty chỉ là: Thị trường là vô cùng khó khăn, nhiều vấn đề nan giải, em thấy bên A hơn mình về chiết khấu, bên B lại hơn mình về thương hiệu, bên C lại áp đảo mình về quảng cáo… Tóm lại, nghe xong những lý do đó thì có khi chính Giám đốc, nếu không tỉnh táo sẽ phát hoảng và không muốn kinh doanh nữa.

3. Không thúc đẩy được

Vì không khống chế được nên họ bán thế nào là quyền của họ rồi, và vì thế tuy doanh số có thể có nhưng tới lúc muốn tăng theo đúng định hướng và theo nghiên cứu thị trường lại là điều không thể. Vì bản chất cộng tác viên là họ đã không muốn tập trung vào một thứ rồi, họ chỉ muốn làm như chơi mà nhận lương thì như thật.

4. Bắn phá thị trường

Cộng tác viên thường được hiểu bởi các công ty là đối tượng giải quyết việc “không biết mặt hàng đó bán ở đâu cho ai, nhưng miễn là có doanh số là ổn!”. Do vậy, họ sẽ mang hàng đi bán khắp mọi nơi và bán chung với nhiều sản phẩm khác. Do bán ghép nên họ có thể giảm giá vô tội vạ, thậm chí biến hàng của công ty thành hàng khuyến mại, tạo cảm giác sản phẩm này là đồ cho không. Đó là chưa kể, họ mang chính mặt hàng này ra "đánh nhau" với chính các nhân viên đang bán hàng theo địa bàn trên thị trường của công ty mình.

5. Một số biến dạng do cơ chế chưa có

Đây là trường hợp rất mới gần đây tôi gặp, đó là khi do cơ chế của công ty không cho phép, chúng ta biến nhân viên thành cộng tác viên, vì nghĩ rằng như thế có lợi cho công ty vì cộng tác viên bán gì ăn nấy, tức là giảm hẳn một khoản lương không nhỏ trên địa bàn hàng tháng.

Cách làm này thực sự chỉ là để lách cơ chế, còn lại không có tác dụng tốt đẹp nào nếu không nói là sẽ chỉ làm nhân viên thấy mình dần trở nên lạc lõng như một ronin (samurai mất chủ tướng).

Về lâu dài, chúng ta nên hiểu rõ một điều, muốn đi lâu dài và xây dựng hệ thống phân phối vững chắc cần sớm có một đội ngũ bán hàng là nhân viên của công ty, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào các cộng tác viên “sớm nở tối tàn”, “lợi bất cập hại!”

Đỗ Xuân Tùng – Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt

Cùng chuyên mục
XEM