Tâng bốc cũng là một môn nghệ thuật: Nhân viên muốn nịnh sếp cần biết mẹo sau

15/08/2018 22:35 PM | Kinh doanh

Nói lời tâng bốc dường như là một chuyện rất dễ dàng, nhưng thực chất cũng là một môn nghệ thuật. Rất nhiều người biết được tác dụng của những câu tâng bốc, nhưng khi vận dụng nó thì lại không có được kết quả như ý, thậm chí còn bị phản tác dụng

Một người nọ chuẩn bị được bổ nhiệm đến tỉnh khác làm quan, trước khi đi, anh ta đến từ biệt thầy dạy của mình. Thầy dạy nói với anh ta: "Một mình con đến nơi khác làm quan không dễ dàng, mọi chuyện nhất định phải cẩn thận." Người này nói: "Không sao ạ, bây giờ người ta thích nghe lời hay ý đẹp, con đã chuẩn bị 100 câu tâng bốc, tặng mỗi người một câu, như vậy là yên tâm rồi." 

Thầy vừa nghe xong câu này, vô cùng tức giận, lập tức dạy dỗ anh ta: "Ta đã nói với con bao nhiêu lần rồi, làm người phải chính trực, là học sinh của ta, sao con lại như vậy?" Người này nói: "Xin thầy bớt giận, học trò cũng chẳng có cách nào, thực tế thì thiên hạ có mấy người không thích tâng bốc giống như thầy đâu." Vừa nói dứt lời, thầy bèn lập tức gật đầu nói phải.

Ra khỏi nhà thầy, người này đắc trí nói với bạn của mình: "Tớ chuẩn bị 100 câu, bây giờ chỉ còn lại 99 câu!"

Câu chuyện này tuy ngắn gọn nhưng lại khắc họa sâu sắc tâm lý thích được tâng bốc của con người, kể cả bạn là người giáo viên chính trực đi nữa thì cũng chỉ cần một câu tâng bốc là sẽ nảy sinh tâm lý thiện cảm mơ hồ với người tâng bốc mình, người có học tự cho là thanh cao còn như vậy, người bình thường đương nhiên sẽ khó tránh khỏi điều đó.

Tâng bốc cũng là một môn nghệ thuật: Nhân viên muốn nịnh sếp cần biết mẹo sau - Ảnh 1.

Tâm lý hầu vương: Mỗi người đều muốn chứng minh bản thân là nhân vật số một, mạnh nhất, giỏi nhất hoặc chí ít cũng phải chứng minh bản thân không phải là kẻ yếu. Tính sĩ diện, ý chí vươn lên của con người đều là hình thức biểu hiện bên ngoài của tâm lý hầu vương, còn lòng đố kỵ là sự kết hợp của tâm lý hầu vương và tâm lý báo thù của con người.

Vì sao con người thích được xu nịnh, thích được tâng bốc? Xét cho cùng cũng là bởi liên quan tới tính sĩ diện. Tâm lý học cho rằng, tính sĩ diện là biểu hiện bên ngoài của tâm lý hầu vương. Con người đều có tâm lý hầu vương, tâm lý này được quyết định từ trong ý thức, cho rằng bản thân là người mạnh nhất, giỏi nhất, hy vọng là người quan trọng nhất trong mắt người khác, khao khát có được sự tôn trọng của người khác. Còn những câu tâng bốc thích hợp lại vừa hay đáp ứng nhu cầu tâm lý này của con người, vì thế, tính sĩ diện của con người khiến những lời tâng bốc có đất dụng võ, khiến người tâng bốc có một không gian vô cùng rộng mở để phát huy tài tâng bốc của mình.

Nói lời tâng bốc dường như là một chuyện rất dễ dàng, nhưng thực chất cũng là một môn nghệ thuật. Rất nhiều người biết được tác dụng của những câu tâng bốc, nhưng khi vận dụng nó thì lại không có được kết quả như ý, thậm chí còn bị phản tác dụng, rõ ràng là muốn nịnh người khác, tâng bốc người khác để có được thiện cảm nhưng kết quả lại thành ra những lời đả kích người khác.

Một người đàn ông thành đạt, sau khi tan làm đi chợ mua rau. Đầu tiên anh ta chọn một ít cà chua, nói là mua một cân, người bán hàng cân thì vừa tròn một cân. Anh ta lại chọn mấy quả dưa chuột, nói là 1,5 ki-lô-gam, đặt lên cân thì vừa đúng 1,5 ki-lô-gam. Người bán hàng vừa trả lại tiền vừa nói bằng giọng điệu kinh ngạc khoa trương: "Anh bốc chuẩn thật đấy, trước đây anh cũng đã từng bán rau đúng không?" Người bán hàng có ý tốt muốn tâng bốc sự ước tính chuẩn xác về trọng lượng của người đàn ông này, muốn mua bao nhiêu là lấy đúng bấy nhiêu, nhưng kết quả lời nói lại giống như châm biếm và bới móc, khiến đối phương dở khóc dở cười, còn bản thân người bán hàng thì vừa tốn sức lại vừa không lấy được lòng.

Tâng bốc không phải là chuyện dễ dàng, những người đầu óc không linh hoạt, phản ứng không nhanh chưa chắc đã có thể làm được, trong khi, một số người khác thì lại bẩm sinh đã biết tâng bốc, không cần bài vở, gặp ai cũng có thể nói được, cho dù bạn là nhân vật lớn tới đâu, yếu kém thế nào thì anh ta cũng có thể tâng bốc khiến bạn tươi cười rạng rỡ.

Bình Minh là cao thủ tâng bốc, một hôm anh mời các lãnh đạo đi ăn, anh đứng đón ở cửa nhà hàng. Thư ký Dũng đi chiếc Audi A6 của mình đến đầu tiên, Bình Minh vội đi tới tâng bốc: "Chiếc xe đẹp như thế này chỗ chúng ta thật hiếm thấy, anh đúng là thời thượng!" Một lúc sau, trưởng phòng Ngọc bước ra từ taxi, Bình Minh lại vội tâng bốc: "Trưởng phòng Ngọc ra ngoài chơi cho lái xe được nghỉ ngơi, anh thật tốt bụng!" 

Vừa nói dứt lời thì phó giám đốc Sơn đi xe đạp tới, Bình Minh lại chào hỏi: "Hôm nay thời tiết thật đẹp, đi xe đạp vừa hay có thể rèn luyện sức khỏe, hơn nữa, một lãnh đạo như anh mà lại chịu đi xe đạp đúng là hiếm thấy. Quả thực là liêm khiết!" Đang nói chuyện thì phó cục trưởng Trung cũng tới, vì nhà gần nên đi bộ tới, dĩ nhiên Bình Minh cũng phải tâng bốc một phen, anh ta nói: "Tôi cứ thắc mắc vì sao sức khỏe của ngài lại tốt như vậy, thì ra là vì thường xuyên đi bộ!"

Tâng bốc cũng là một môn nghệ thuật: Nhân viên muốn nịnh sếp cần biết mẹo sau - Ảnh 2.

Cao thủ tâng bốc chính là những người giống như Bình Minh, gặp người nào nói lời ấy, khiến ai ai cũng thấy thật dễ chịu, mặc dù mọi người đều biết anh ta đang tâng bốc nhưng sau khi mỉm cười hiểu ý đã vui vẻ tiếp nhận, đồng thời muốn tiếp tục giao tiếp với anh ta. Có thể thấy, những lời tâng bốc tới mức độ nhất định đồng thời còn có tác dụng khen ngợi và giải trí, quan hệ giao tiếp nhờ vậy mà cũng được nâng cao.

Cẩm nang nói chuyện làm việc

Có câu rằng "Một lời nói hay ấm cả ba đông", tâng bốc người khác, nói những lời khiến người khác vui vẻ, bản thân cũng có được mối quan hệ giao tiếp tốt đẹp, vậy thì tại sao chúng ta lại không tiếp tục phát huy. Có điều, chúng ta muốn trở thành một người tâng bốc cao siêu, cần chú ý mấy điểm dưới đây:

Tâng bốc phải bắt nguồn từ sự thật

Khi chúng ta tâng bốc người khác, nhất định không được tìm ưu điểm mà đối phương không có để tâng bốc, nếu không sẽ trở thành bợ đỡ, thậm chí châm biếm. Tâng bốc nên là nâng cao ưu điểm của đối phương, vì thế trước khi tâng bốc một người nào đó, nếu thời gian cho phép, tốt nhất là đi sâu tìm hiểu họ.

Tâng bốc người khác phải đúng mực

Tâng bốc có đặc điểm là khoa trương ưu điểm của người khác một cách thích hợp, nhưng nhất định không được khoa trương quá mức, nếu không đối phương sẽ cho rằng chúng ta đang tâng bốc người khác chứ không phải anh ta.

*Nội dung trích cuốn "Nói thế nào để được chào đón, làm thế nào để được ghi nhận", Trịnh Tiểu Lan chủ biên.

Diệu Bảo

Cùng chuyên mục
XEM