Tận 146 triệu cử tri đi bầu Tổng thống, người Mỹ đã phải dùng tới công nghệ gì?

07/11/2016 14:31 PM | Công nghệ

Bên cạnh những lá phiếu bằng giấy, đếm bằng tay, người Mỹ cũng đưa vào cuộc bầu cử Tổng thống rất nhiều những công nghệ tân tiến không đâu có được.

Theo khảo sát của Statistic Brain, dự kiến, nước Mỹ sẽ có khoảng 146 triệu công dân tham gia bầu cử Tổng thống. Ước tính, con số này chiếm tới 69% tổng số người đủ điều kiện cử tri - tỉ lệ bỏ phiếu cao kỉ trong nhiều năm trở lại đây.

Câu hỏi đặt ra, khi mà những lá phiếu bằng giấy, đếm bằng tay không thể phục vụ kịp 146 triệu cử tri (ước tính) đi bỏ phiếu, người Mỹ đã phải dùng tới công nghệ gì?

Quét lá phiếu quang học

Do số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu luôn rất lớn, nên lâu nay nước Mỹ đã chuyển sang sử dụng máy quét lá phiếu quang học.

Cụ thể, cử tri khi tham gia bầu cử sẽ được phát cho một lá phiếu bằng giấy, và phải điền tay bằng cách tích vào ô vuông, hình tròn, hoặc hình bầu dục. Sau đó, lá phiếu sẽ được quét quang học qua bởi một chiếc máy chuyên dụng.

Nhiệm vụ của chiếc máy là kiểm tra ngay được kết quả bỏ phiếu tại điểm bầu cử đó. Trong trường hợp máy quét gặp sự cố, người ta vẫn có thể kiểm tra lại kết quả bỏ phiếu, thông qua các lá phiếu bằng giấy trước đó.

Bỏ phiếu điện tử

Cách sử dụng máy bỏ phiếu DRE (Direct Recording Electronic) tương tự một máy ATM thông thường. Bằng cách thao tác với các nút bấm vật lý, núm xoay, vặn, hoặc cảm ứng trực tiếp lên màn hình, quá trình bỏ phiếu của một cử tri Mỹ sẽ diễn ra nhanh hơn.

Nội dung phiếu bầu sẽ lưu trữ trong ổ cứng máy bỏ phiếu. Một số máy chuyên dụng có thể in ra lá phiếu giúp cử tri xác nhận lại lựa chọn của mình. Tất nhiên, nhiều người cũng lo ngại, các máy DRE dù không được kết nối mạng, nhưng cũng rất dễ bị tấn công bởi tin tặc.

Máy bỏ phiếu cho người tàn tật

Với đối tượng là người tàn tật, công việc bỏ phiếu bằng máy có vẻ phức tạp hơn. Tuy nhiên, điều này cũng không thể làm khó được các kĩ sư, bằng cách cho ra đời loại máy bỏ phiếu dành cho người tàn tật.

Hiểu một cách đơn giản, các máy này sẽ có thêm chức năng giúp người khuyết tật hoàn thành được nghĩa vụ công dân của mình. Ví dụ, với những người khiếm thị, máy bỏ phiếu sẽ có thêm bàn phím chữ nổi Braille...

Bỏ phiếu trực tuyến

Tại một số bang có thời tiết khắc nghiệt, cử tri cũng có thể tham gia bỏ phiếu bằng hệ thống bầu cử trực tuyến. Như tại Alaska, cử tri sẽ lựa chọn ứng viên bằng cách điền thông tin vào file PDF, xác nhận qua một nhân chứng, sau đó tải lên hệ thống bầu cử.

Hệ thống bầu cử này được hứa hẹn là an toàn tuyệt đối. Nhưng trên thực tế, các nhà chức trách cũng đưa cảnh báo rằng, việc cử tri tham gia bầu chọn trực tuyến đồng nghĩa đã từ bỏ quyền bỏ phiếu kín, đồng thời lá phiếu có thể truyền tải không đúng nội dung.

Máy bỏ phiếu đục lỗ

Đây là một hình thức bỏ phiếu khá cũ kĩ, nhưng vẫn tồn tại ở một vài tiểu bang. Cụ thể, cử tri khi tham gia bầu cử sẽ được phát một lá phiếu bằng giấy như thông thường. Để bầu chọn các ứng viên, họ sẽ phải tự tay đục lỗ thay cho việc đánh dấu.

Sau cùng, lá phiếu nói trên được kiểm tra thông qua một máy quét. Tuy nhiên, sự cố bầu cử diễn ra vào năm 2000 đã khiến một lượng không nhỏ cử tri tham gia hình thức bỏ phiếu đục lỗ đã phải hủy bỏ kết quả vì "chọn nhầm".

Hệ quả là tới nay, hình thức bỏ phiếu này gần như đã bị "tẩy chay", và nhiều khả năng sẽ không còn được sử dụng trong tương lai.

Huyền My

Cùng chuyên mục
XEM