Tâm tư của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng với dự thảo luật bị chê "như bài văn mẫu, làm cho có"

24/05/2017 10:15 AM | Kinh tế vĩ mô

Tại nghị trường chiều nay, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có những giải trình xung quanh dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Khi nói đến sự cần thiết của 3 quỹ hỗ trợ cho DNNVV, Bộ trưởng đã tha thiết: “Xin Quốc hội chấp nhận cho!”.

Đóng góp cho phiên thảo luận về dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV chiều nay đã có đến 20 đại biểu tham gia ý kiến. Dù vậy, vẫn còn thiếu thời gian cho 9 đại biểu. Những người này đành phải gửi văn bản, để tổng hợp, chuyển cho Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng .

Đại đa số ý kiến cơ bản thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự án luật. Bởi, luật đã nêu được những vấn đề mang tính chất cốt lõi về nội dung hỗ trợ DNNVV, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn băn khoăn về tính khả thi, tính cụ thể của luật, liệu rằng có tạo ra được điểm mới để các DNNVV yên tâm phát triển? Những nguồn lực được phân bổ như thế nào mới hợp lý? Hay nếu mở rộng chính sách ưu đãi có làm ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh còn nhiều khó khăn hay không….

Trên thực tế, những bình luận này không hẳn mới. Nó đã được nêu ra cách đây một thời gian, đặc biệt là vào khoảng trung tuần tháng 4/2017, khi mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Hỗ trợ DNNVV.

“Chê nhiều hơn khen” là những gì đọng lại sau cuộc hội thảo ấy. Luật bị chê từ cái tên bất cập cho đến nội dung không có tính khả thi. Thậm chí, ông Phan Đăng Tuất, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương, đã bình luận về luật là “như bài văn mẫu, làm cho có”.

Chê cũng nhiều đến nỗi mà chỉ sau 1 ngày, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải tổ chức họp báo, giải thích với dư luận.

Trao đổi với báo Trí Thức Trẻ, ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng phát triển DNNVV, Cục Phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, người đã tham gia soạn thảo Luật có kể “khổ”. Ông nói, đa phần mọi người không hiểu rõ. Ví dụ như cái tên không hề phản ánh được bản chất nội hàm luật, vậy mà bị làm quá lên. Hay, góp ý về “mức thuế được giảm không cụ thể, rõ ràng” nhưng là bởi Quốc hội không cho phép làm vậy. Luật Hỗ trợ DNNVV chỉ đưa ra hướng cho các Luật khác sửa chữa để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thôi.

“Mọi người không hiểu nỗi khổ của người làm luật. Chứ bản thân chúng tôi luôn kỳ vọng luật này sẽ giúp DNNVV giảm khó khăn để phát triển”, ông Khương nói.

Lời giải trình Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Tâm tư đó của thành viên trong Ban soạn thảo của Bộ, một lần nữa được Bộ trưởng Dũng khẳng định tại Nghị trường.

Bộ trưởng nói Luật Hỗ trợ DNNVV là luật hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Bộ trưởng cũng cảm ơn những góp ý, thẳng thắn, gay gắt của các đại biểu, bởi nói cho thấy mọi người đều chung quan điểm, tập trung và cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV phát triển.

“Tất cả ý kiến của các đại biểu chúng tôi cho rằng hợp lý, chúng tôi sẽ nghiêm túc để tiếp thu đầy đủ. Tuy nhiên, có một số ý kiến, trong quá trình soạn thảo đã có nghiên cứu nhưng trong thực tế thì rất khó luật hóa được. Hoặc có những vấn đề cần phải nghiên cứu tiếp”, Bộ trưởng Dũng nói.

Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một luật để hỗ trợ DNNVV, trong khi các nước khác đã làm khá lâu. Nghĩa là chúng ta đã chậm, đã đi sau nhiều nước.

Bộ trưởng cũng cho biết, tinh thần của Luật là cung cấp những thứ doanh nghiệp cần chứ không phải những thứ mà chúng ta đang có. Đồng thời, doanh nghiệp được xem là đối tượng để phục vụ, chứ không phải là đối tượng quản lý như trước đây.

Bộ trưởng cũng nói rằng luật lần này ra chỉ sử dụng một phần ngân sách nhà nước, bên cạnh đó là huy động các nguồn lực trong xã hội cùng tham gia vào để hỗ trợ cho DNNVV.

Luật cũng thể hiện được quan điểm của kinh tế thị trường. Nghĩa là chỉ hỗ trợ những doanh nghiệp có tiềm năng, chứ không “bao cấp, phát chẩn”.

Về một số ý kiến cụ thể của các đại biểu, Bộ trưởng tóm lại một số vấn đề như sau:

Đối với vấn đề luật chung hay chi tiết, Bộ trưởng cho biết có 2 cách tiếp cận. Nếu chi tiết thì sẽ giảm đi tính ổn định của hệ thống luật pháp. Nếu quy lại luật khung thì tùy thuộc vào tình hình thực tế, mục tiêu hỗ trợ trong từng thời kỳ và nguồn lực của ngân sách nhà nước thì chính phủ sẽ linh hoạt hơn và sẽ có những quy định phù hợp trong từng thời kỳ.

“Chúng tôi đã quy định có 7 vấn đề được quy định trong nghị định thì chúng tôi đã xây dựng 4 nghị định kèm theo”, Bộ trưởng nói.

Tức là khi ban hành luật này, Bộ sẽ đồng thời trình Chính phủ nếu được thông qua thì sẽ trình Chính phủ nghiên cứu để ban hành luôn 4 nghị định để đảm bảo khi luật ra thì các nghị định có thể ra được trong thời gian ngắn nhất và các cơ chế, chính sách mà Quốc hội thông qua bởi luật sẽ được đưa vào cuộc sống bằng các nghị định của Chính phủ.

Về tiêu chí, Bộ trưởng Dũng cho biết có 3 nội dung: lao động, vốn và doanh thu. Bộ trưởng khẳng định những điều này phù hợp với thông lệ quốc tế, các chuẩn mực của quốc tế cũng như phù hợp với thực tiễn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Về nội dung hỗ trợ, Bộ trưởng cho hay Luật tập trung về 7 nội dung hỗ trợ chung. Tinh thần của 7 nội dung này là hỗ trợ cho các tổ chức trung gian để các tổ chức trung gian hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa chứ không phải hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng ngân sách hay bằng hình thức khác.

Về thuế, Bộ trưởng nói: “Có nhiều đại biểu cho rằng vấn đề thuế chưa được cụ thể. Trong quá trình soạn thảo sẽ không quy định các mức thuế cụ thể trong các luật hiện nay, chỉ đưa nguyên tắc chung là sẽ thấp hơn mức thuế phổ thông quy định tại Luật thuế. Tinh thần chung là sẽ kiến nghị để sửa sớm Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó sẽ quy định các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như thế nào thì sẽ được sớm quy định trong Luật thuế doanh nghiệp sửa đổi sắp tới”.

Đối với việc có nhiều quỹ không, Bộ trưởng Dũng cho hay sau khi tiếp thu ý kiến, Bộ đã bỏ đi 1 quỹ, chỉ còn 2, trong đó, 2 cái đã có là: phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và bảo lãnh tín dụng đang hoạt động.

“Chỉ còn 1 cái là mới, bổ sung thêm 1 quỹ mới là quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo”, Bộ trưởng cho biết. Quỹ này nhằm cổ vũ cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

“Xin Quốc hội chấp nhận cho”, Bộ trưởng nói thêm.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định rằng sẽ nghiêm túc tiếp thu, rà soát và hoàn thiện lại một lần nữa, để rõ ràng, tránh mâu thuẫn để trình Quốc hội.

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM